Kĩ năng diễn thuyết sinh động

Diễn thuyết là một hoạt động xã hội, có tính tổng hợp, trực quan, thực tế và nghệ thuật của con người. Trong xã hội ngày nay, diễn thuyết cũng là một cách để thể hiện bản thân, một bài diễn văn hay có thể cổ vũ tinh thần mọi người, để lại ấn tượng sâu sắc. Trong công việc hoặc trong một số hoạt động, diễn thuyết chính là cơ hội thể hiện năng lực của một người, tài ăn nói khéo léo sẽ quyết định chất lượng diễn thuyết.

Mở đầu thuyết phục, ấn tượng

Có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Khi diễn thuyết, bạn phải thu hút sự chú ý của người nghe trong vòng 5 giây, đối với những người lần đầu diễn thuyết thì điều này rất khó khăn. Như Gorky đã nói: “Câu nói mở đầu là khó nhất. Nó giống như gam chủ đạo trong một bản nhạc, phải cần một thời gian dài mới có thể tìm thấy.”

Một chuyên gia diễn thuyết giàu kinh nghiệm đã nói: “Một bài diễn văn chất lượng nhất là bài có phần mở đầu đẹp và phần kết luận để lại ấn tượng sâu sắc.” Vì thế, những lời nói đầu tiên vô cùng quan trọng. Phải nhanh chóng nắm được tâm lí người nghe, chuyện này không dễ, nếu phần mở đầu không thu hút, thì sau đó dù có nói hay thế nào cũng khó khiến người nghe cảm thấy hứng thú.

Mở đầu phải ngắn gọn trong khoảng một, hai câu thì mới có thể thu hút được sự chú ý của người nghe, nhưng việc này yêu cầu chúng ta phải học và nắm được các kĩ năng diễn thuyết.

Tạo sự hồi hộp để khơi dậy tâm lí tò mò của người nghe

Tò mò, luôn muốn tìm hiểu về những thứ chưa biết, đó là bản tính của con người. Trong diễn thuyết, chúng ta có thể thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách lợi dụng bản tính này.

Một giáo sư địa lí giảng bài cho sinh viên. Khi bắt đầu, lớp học rất ồn ào. Nhưng giáo sư không hề tức giận, ông lấy từ trong túi ra một viên đá đen và nói: “Các em hãy chú ý, đây là một hòn đá rất quý giá, ở nước ta chỉ mình tôi có hòn đá này.” Các sinh viên im lặng bởi họ đã bị hòn đá đen thu hút. Mọi người đều tự hỏi: Đây là đá gì mà quý như vậy? Khi các sinh viên đã trật tự và nhìn hòn đá với đôi mắt tò mò, vị giáo sư bắt đầu nói về cuộc thám hiểm Nam Cực. Cuối cùng mọi người đều biết, hòn đá đen đó được phát hiện và lấy về từ Nam Cực sau một chuyến thám hiểm.

Đây chính là phương pháp tạo sự hồi hộp, dùng một hoặc một vài sự vật để nắm bắt tâm lí người nghe và khơi dậy sự tò mò của họ. Nhưng cần phải chú ý, những sự vật này phải có liên quan tới chủ đề diễn thuyết.

Một phóng viên nổi tiếng người Mỹ đã mở đầu như thế này trong một bài diễn thuyết:

“Có một ngày, khi tôi đang đi trên đường phố Jerusalem, tôi gặp một người mặc trang phục phương Đông. Thế nhưng người này trông không giống người Ả Rập chút nào, anh ta có đôi mắt xanh, trong khi người Ả Rập thường có mắt đen hoặc xám.”

Đoạn mở đầu này đã khiến người nghe tò mò, hi vọng có thể nghe tiếp để xem người đàn ông đó là ai? Tại sao anh ra lại cải trang thành người Ả Rập? Anh ta làm gì và sau đó thế nào? Lúc này, người nghe đã bị thu hút bởi lời nói của bạn, tiếp theo bạn có thể nói về quan điểm của mình.

Muốn diễn thuyết thành công trước đám đông, trước tiên bạn phải giỏi trong việc mở đầu bằng cách khơi dậy sự tò mò của người nghe.

Sử dụng ngôn ngữ mạnh dạn

Khi diễn thuyết, chúng ta có thể vận dụng ngôn ngữ ngắn gọn, mạnh dạn để thu hút sự chú ý của người nghe và đạt hiệu quả diễn thuyết tốt đẹp.

“Hôm qua, suýt chút nữa tôi đã cởi váy”, một người phụ nữ trẻ đã bắt đầu bài diễn thuyết của mình như vậy, khi đó mọi người đều rất ngạc nhiên và giục cô hãy nói tiếp.

“Hôm qua khi tôi đang dọn phòng khách, hai cậu con trai đang học tiểu học của tôi đã cãi nhau, chúng cãi nhau rất to. Đứa em nói trước: “Anh là đồ ngốc! Rốn mẹ lõm chứ không phải lồi.” Tiếp đó thằng anh lại nói: “Rốn mẹ không lõm, mà lồi, hiểu chưa?” Đứa em nói: “Anh nói dối, không phải như vậy”. Thằng anh nói: “Em mới là người nói dối.” Tôi thấy tình hình căng thẳng, nên lập tức nói chen vào: “Hai con trật tự, để mẹ cho các con xem rốn mẹ lồi hay lõm.” Sau đó tôi làm động tác như chuẩn bị cởi váy ra. “Đừng mẹ ơi!”, sau đó hai đứa con tôi lập tức tỏ vẻ xấu hổ rồi cả ba cùng bật cười.”

Chủ đề của bài diễn thuyết là “quan hệ tình thân”, phần mở đầu kịch tính và sự hài hước trong lời nói của người phụ nữ đã mang lại hiệu quả tốt đẹp. Cô đã sử dụng lời nói bạo dạn để gây ấn tượng và thu hút người nghe.

Mở đầu bằng cách đưa ra ví dụ thực tế

Đại đa số mọi người khi phải nghe lí thuyết trừu tượng trong thời gian dài đều cảm thấy mất kiên nhẫn. Việc lấy ví dụ thực tế sẽ khiến họ có cảm hứng nghe tiếp. Vì thế, mở đầu bằng cách lấy ví dụ thực tế sẽ tạo nguồn cảm hứng, sau đó tiếp tục diễn giải để người nghe dễ dàng tiếp nhận quan điểm của bạn.

Đây là cách Mary chọn để mở đầu bài diễn thuyết về chủ đề cấm kết hôn ở tuổi vị thành niên: “Ngày hôm qua, khi đoàn tàu hỏa đi qua một thị trấn cách đây không xa, tôi đột nhiên nhớ lại nhiều năm trước ở đó có một đám cưới. Ngày nay, ở New York vẫn còn rất nhiều cuộc hôn nhân kiểu như vậy, do đó hôm nay tôi không thể không kể chi tiết về đám cưới đó. Đó là ngày 12 tháng 12, một cô bé mới 15 tuổi đã gặp và quen biết một sinh viên đại học năm nhất. Đến ngày 15 tháng 12, tức 3 ngày sau, họ đã khai gian tuổi của cô bé và đăng kí kết hôn. Bởi vì pháp luật quy định, ở độ tuổi đó, các em có thể kết hôn mà không cần sự cho phép của cha mẹ. Sau khi đăng kí kết hôn, họ đã lập tức tìm một cha xứ để làm chứng, tuy nhiên cha xứ đã từ chối. Không lâu sau, người mẹ cô bé nghe được chuyện này. Nhưng trước khi mẹ cô bé tìm được con mình, cặp đôi trẻ đã có được giấy đăng kí kết hôn hợp pháp. Họ ở trong khách sạn hai ngày hai đêm, tuy nhiên cuối cùng, chàng trai vẫn bỏ rơi cô gái.”

Cách mở đầu thế này rất tự nhiên, thực tế, cụ thể, mang lại cho người nghe cảm giác gần gũi và muốn nghe tiếp và vui vẻ tiếp nhận quan điểm của người nói.

Mở đầu bằng danh ngôn

Danh ngôn của người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng và dễ được chấp nhận. Những vấn đề được nhắc đến trong danh ngôn được coi như tiêu chuẩn lí thuyết. Mở đầu bằng danh ngôn sẽ thu hút người nghe.

Một nhà diễn thuyết khi diễn giảng về sự thành công trong công việc đã mượn lời của Carnegie: “Trên đời có hai phần thưởng tốt nhất – vinh quang và tiền bạc, mà chúng ta chỉ cần bỏ ra một thứ, là khả năng sáng tạo. Vậy sáng tạo là gì? Hãy để tôi nói cho các bạn biết, đó chính là không cần người khác hướng dẫn mà có thể làm đúng và đạt được thành công.”

Cách mở đầu bài diễn thuyết như vậy đã giúp nhấn mạnh chủ đề. Từ đó người diễn thuyết có thể đưa ra ví dụ cụ thể sinh động để chứng minh cho tác dụng của sự sáng tạo trong việc tạo nên thành công trong công việc. Cách dẫn dắt này đương nhiên sẽ khiến người nghe dễ dàng tiếp nhận.

Sử dụng lợi ích thiết thân

Lợi ích thiết thân chính là điều con người quan tâm nhất. Hãy sử dụng lợi ích trực tiếp của người nghe làm “mồi câu”. Khi diễn thuyết, nếu đề cập đến những vấn đề có liên quan trực tiếp tới người nghe sẽ thu hút được sự chú ý của họ. Khi diễn giải về tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kì, có thể nói như sau:

“Các bạn có biết, theo tính toán của bảo hiểm nhân thọ, các bạn có thể sống được bao nhiêu năm không? Các chuyên gia bảo hiểm nhân thọ cho biết, lấy 80 trừ đi số tuổi của bạn hiện tại thì rút ra được một hiệu số, số năm bạn sống thêm bằng 2/3 hiệu số này. Ví dụ bây giờ bạn 35 tuổi, vậy hiệu số 80 trừ đi 35 là 45, số năm bạn có thể sống thêm bằng 2/3 của 45, bạn sống được 30 năm nữa, như vậy có đủ không? Không đủ! Chúng ta muốn sống thật lâu. Nhưng kết luận này có được sau khi điều tra với hàng triệu người. Vậy chúng ta có hi vọng sống qua con số đó không? Đương nhiên là có, chỉ cần bạn lưu tâm là được! Và bước đầu tiên phải thực hiện chính là lên kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kì…”

Như vậy, người nghe nhất định sẽ coi trọng việc kiểm tra sức khỏe định kì. Mở đầu bằng thực tế bất ngờ
Khi diễn thuyết, nếu người nói có thể ngay lập tức nêu ví dụ thực tế khiến người nghe cảm thấy kinh ngạc thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của người nghe.

Một người đàn ông khi đề cập tới “Kì quan vô tuyến điện” đã nói: “Các bạn có tin không? Âm thanh mà một con ruồi tạo ra trong cốc thủy tinh ở phương bắc, khi được truyền tới phương nam bằng vô tuyến điện, to thế nào không? Xin thưa, âm thanh đó to như tiếng thác nước Niagara”. Phản ứng đầu tiên của mọi người là không tin đó là sự thật, chính vì thế mà người nghe muốn tiếp tục tìm hiểu chi tiết hơn.

Cách mở đầu bằng thực tế bất ngờ đã rất nhanh chóng thu hút sự chú ý của người nghe, thôi thúc người nghe muốn tìm hiểu nội dung cụ thể. Một ví dụ khác:

Một người khi diễn thuyết về chủ đề “Hành vi phạm tội” đã mở đầu bằng một câu nói khiến mọi người đều kinh ngạc: “Tình trạng phạm tội ở Mỹ là tồi tệ nhất thế giới,

có thể các bạn không tin nhưng đây là sự thật. Tội phạm giết người ở Cleveland thuộc Ohio cao gấp 6 lần ở London, trong khi tội phạm trộm cướp cao gấp 170 lần. Mỗi năm, số người bị trộm cắp tại Cleveland cao hơn nhiều so với ở cả ba vùng England, Scotland, và Wales của Anh. Các vụ giết người ở New York nhiều hơn so với cả nước Pháp, Đức, Italia và Anh. Sở dĩ những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra tại Mỹ là do kết quả của việc xử phạt chưa nghiêm minh”.

Hai ví dụ trên đây đã cho thấy, cách mở đầu bằng thực tế bất ngờ, khó tin có thể ngay lập tức khiến người nghe cảm thấy kinh ngạc, khiến họ tò mò và quan tâm, đồng thời mong muốn được nghe tiếp.

Tạo ra sự tương phản mạnh

Hãy so sánh chủ đề diễn thuyết với các sự vật trái ngược hoàn toàn nhằm mục đích gây ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe. Chủ yếu sử dụng phương pháp đối xứng, tương phản khi so sánh để dẫn dắt người nghe vào chủ đề.

Một nhà diễn thuyết nói về chủ đề “Đàn ông”. Vừa bắt đầu, người này đã nói về việc tưởng như không liên quan gì tới chủ đề. Nhà diễn thuyết nói cụ thể về bốn “khó khăn” ông gặp phải: “Tôi không hiểu ý đồ của nhà tổ chức, đây là khó khăn thứ nhất tôi gặp phải. Hôm nay, lần đầu tiên tôi đến trường các bạn, tất cả đều là người lạ, trong một môi trường lạ, người ta dễ có cảm giác khó thích ứng, đây là khó khăn thứ hai của tôi. Vừa rồi các bạn đã thể hiện những tiết mục rất xuất sắc, những tràng pháo tay đã chứng minh điều đó, nó gây áp lực cho tôi và cũng là khó khăn thứ ba đối với tôi. Rất không may, tôi có mang theo bài diễn thuyết của mình bằng văn bản nhưng lại quên không mang theo kính nên không thể đọc, đây chính là khó khăn thứ tư…”

Phần mở đầu của nhà diễn thuyết tưởng như không có liên quan gì tới chủ đề của ngày hôm đó, nhưng sau khi trình bày xong bốn khó khăn, ông đột nhiên chuyển hướng và khéo léo dẫn vào chủ đề cần nói: “Thế nhưng, tôi không lo lắng, mà ngược lại tôi còn rất tự tin. Tôi tin rằng, khi đứng trên bục diễn thuyết, tôi sẽ có đủ dũng cảm, sẽ cố gắng hết sức và thành công. Bởi vì chủ đề mà tôi chọn ngày hôm nay là – “Đàn ông”.

Như vậy, chủ đề “Đàn ông” đã được hình thành sau khi có sự so sánh giữa dũng cảm, tự tin và lo lắng, khó khăn, nhà diễn thuyết đã khéo léo dẫn dắt người nghe tới chủ đề ông muốn trình bày.

Không đi con đường bình thường

Chủ đề chính là linh hồn của bài diễn thuyết. Một chủ đề chính xác, mới mẻ, tập trung và sâu sắc có tác dụng rất lớn nhằm tạo nên sự thành công cho buổi diễn thuyết. Khi chọn chủ đề diễn thuyết, nhất định phải tôn trọng người nghe để đưa ra những nội dung hay nhất.

Chủ đề diễn thuyết, đầu tiên phải chọn lựa những quan điểm tư tưởng quan trọng có liên quan tới lợi ích của người nghe.

Đồng thời, người diễn thuyết phải có thế giới quan chính xác. Có như vậy thì người nói mới nêu bật được quan điểm và lập trường của mình, phải quan sát và phân tích vấn đề để nắm được bản chất của sự vật, đưa sự vật phát triển theo quy luật khách quan mới có thể xác định được chính xác chủ đề diễn thuyết.

Ngoài ra, khi lựa chọn chủ đề, diễn đạt phải rõ ràng. Chủ đề phải mới mẻ để thỏa

mãn nhu cầu của người nghe, thể hiện sự tự tin và từng trải của người diễn thuyết.

Đương nhiên, chủ đề diễn thuyết nhất định phải tập trung, mọi diễn giải đều phải xoay quanh chủ đề chính, cách nói rõ ràng, súc tích để gây ấn tượng sâu sắc với người nghe.

Nếu làm được những điều này, một chủ đề hay chắc chắn sẽ xuất hiện.

Đương nhiên, trình độ của người nghe ngày càng được nâng cao, yêu cầu chọn đề tài của người diễn thuyết cũng đòi hỏi ngày một cao. Sự mới mẻ đã trở thành mục đích theo đuổi hàng đầu, ai cũng hi vọng những lời mình nói ra là mới. Trong quá trình cân nhắc trước khi phát ngôn, hãy lấy sự mới mẻ làm mục tiêu hướng đến.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ba cách làm mới chủ đề.

(1) Đuổi mây đi để thấy mặt trời

Những chất liệu để nói hầu hết đều là những sự vật đã quen thuộc với mọi người, để làm mới chủ đề, chúng ta cần thay đổi quy luật vốn có của sự vật. Giống như mây trên trời, mọi người cho rằng việc mây che mặt trời là chuyện thường. Nhưng nếu xua mây đi để mặt trời lộ diện, điều này phá vỡ suy nghĩ truyền thống và chắc chắn người nghe sẽ vui vẻ tiếp nhận.

(2) Chuyển góc nhìn

Nghệ thuật nhiếp ảnh không chỉ chụp ở góc chính diện, mà còn chụp ở mọi góc độ, từ phía bên cạnh đến phía sau. Chỉ có như vậy mới có thể có được những bức ảnh đẹp. Từ cùng một việc nhưng phát hiện ra nhiều đề tài khác nhau cũng cần đến nghệ thuật này, đó chính là sự thay đổi góc nhìn. Nội dung kết cấu của bất cứ sự vật nào cũng đều tương đối phức tạp, vẻ bề ngoài cũng rất đa dạng. Do đó, trong quá trình cân nhắc, có thể lựa chọn đề tài từ nhiều góc độ để tránh sự lặp lại nhàm chán.

(3) Phương pháp kết hợp tri thức

Phương pháp này chính là kết hợp những kiến thức quen thuộc độc lập để biến chúng thành nội dung mới và đưa ra những quan điểm mới. Khi diễn thuyết, hãy khéo léo lồng ghép những quan điểm mới một cách trình tự khoa học để mang tới cho đề tài những nội dung mới mẻ, thu hút.

Điều cần phải chú ý là, chỉ có thể sáng tạo khi đã lựa chọn được nội dung phù hợp, nội dung đóng vai trò rất quan trọng trong sáng tạo. Chính vì thế mà người nói cũng cần phải suy nghĩ thận trọng, toàn diện trước khi chính thức phát ngôn.

Nghệ thuật tùy cơ ứng biến khi diễn thuyết

Trong quá trình diễn thuyết, lúc nào cũng có thể xuất hiện sự cố gây ảnh hưởng không tốt. Về điều này, người diễn thuyết nhất định phải chuẩn bị tâm lí tùy cơ ứng biến, có thể dùng những phương pháp sau để thoát khỏi tình trạng bối rối.

Đối phó với sự hỗn loạn bằng cách giữ bình tĩnh

Người nghe diễn thuyết thường khá đông, rất dễ xảy ra tình trạng mất trật tự, hỗn loạn, lúc này người diễn thuyết nhất định không được hoang mang, mà phải bình tĩnh đối phó, sử dụng các phương pháp đặc biệt để thu hút sự chú ý của người nghe.

Trong cuộc thi hùng biện bảo vệ môi trường của một trường đại học, do liên tục xuất hiện các nhà hùng biện nhàm chán nên người nghe bị mất hứng thú, thậm chí đã xuất hiện tình trạng người nghe bỏ đi chỗ khác, tình hình trở nên hỗn loạn. Lúc này, một nhà hùng biện lên sân khấu, sau khi cúi chào khán giả, người đó cầm micro tiến về phía trước và nói to: “Chào mọi người, tôi là Thọ đến từ học viện báo chí, chủ đề diễn thuyết của tôi là “Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường”. Do phần mở đầu của các thí sinh hầu hết giống nhau, nên không thể gây hứng thú cho người nghe, phía dưới sân khấu vẫn rất hỗn loạn. Nhưng sau khi tự giới thiệu, thí sinh tham gia hùng biện này đã không nói gì và chỉ đứng im một chỗ mỉm cười, nhìn chằm chằm vào ban giám khảo phía dưới mà không có bất cứ động tĩnh gì.

Mọi người không biết có chuyện gì xảy ra nên lập tức giữ trật tự, sau khi không gian trở nên yên tĩnh, thí sinh hùng biện mới bắt đầu nhìn lên và bắt đầu bài diễn thuyết của mình.

Khi diễn thuyết, chúng ta khó tránh khỏi tình trạng bên dưới quá mất trật tự, lúc này, người diễn thuyết cần phải bình tĩnh, không được để mình bị ảnh hưởng, đồng thời sử dụng một số phương pháp đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người để đạt mục đích khiến người nghe tập trung tinh thần.

Khéo léo thay đổi khi chủ đề bị trùng lặp

Trong các cuộc thi hùng biện, thường xảy ra tình trạng nội dung hoặc chủ đề của các thí sinh bị trùng nhau. Khi gặp tình huống này, lựa chọn đúng đắn nhất là ngay lập tức thay đổi. Nếu chủ đề của người khác giống chủ đề của bạn mà người đó lại nói trước, thì phải ngay lập tức thay đổi chủ đề của mình, khiến nó trở nên mới mẻ hơn. Nếu người khác dùng danh ngôn hoặc lấy ví dụ cụ thể giống bạn, thì hãy lập tức tìm nội dung khác thay thế để tránh bị lặp lại, ảnh hưởng tới suy nghĩ của người nghe.

Trong một cuộc thi hùng biện về chủ đề tình yêu quê hương đất nước, Vân định sử dụng câu hát mở đầu trong bái hát “Việt Nam quê hương tôi” để bắt đầu phần thi của mình. Nhưng thật không ngờ, thí sinh thi trước cô đã dùng cách này. Nếu thay đổi thì sẽ không phù hợp với nội dung bài diễn thuyết, thời gian quá gấp rút, không biết phải làm thế nào? Rất nhanh chóng, Vân đã linh hoạt nghĩ ra cách ứng phó, đến lượt mình, cô ung dung bước lên sân khấu và nói: “Thí sinh vừa rồi có nhắc tới một bài hát, trong bài hát có câu: Việt Nam đất nước quê hương chúng tôi, có hàng dừa xanh xa tít chân trời…” sau đó cô đã rất tự nhiên trình bày tiếp nội dung diễn thuyết của mình, thuận lợi hoàn thành phần thi và giành kết quả cao.

Bình tĩnh đối mặt với sự khiêu khích

Khi đối mặt với khiêu khích, tuyệt đối không nên tỏ ra hoang mang, bất an. Hãy bình tĩnh tiếp tục bài diễn thuyết, giữ vững tinh thần, không thay đổi thái độ thể hiện phong thái của một nhà hùng biện.

Tháng 11 năm 1940, bộ giáo dục Trung Quốc mời nhà diễn thuyết Mã Dần Sơ nói về đề tài Chiến tranh kinh tế. Sau khi bắt đầu bài diễn thuyết được một lúc, hội trường phía dưới bỗng trở nên hỗn loạn, xuất hiện nhiều tiếng la ó phản đối, yêu cầu ngừng diễn thuyết.

Trước tình trạng này, Mã Dần Sơ bình tĩnh nói: “Hôm nay tôi đưa cả người nhà mình tới đây, tôi phải thực hiện bài diễn thuyết này vì trách nhiệm chống lại chiến tranh và chống lại sự đổ máu vô nghĩa.” Tiếp đó ông nói: “Ai muốn bắt tôi, xin hãy nhẫn nại đợi tôi nói xong rồi bắt cũng không muộn”.

Khi đối mặt với sự khiêu khích, nhà hùng biện Mã Dần Sơ đã không hề hoang mang mà dùng chính sự chính nghĩa để đáp trả, ông đã khiến người nghe hiểu được tình hình thực tế.

Trong bài diễn thuyết, bằng tấm chân tình, nhà hùng biện Mã Dần Sơ đã khiến tất cả mọi người xúc động, đây cũng là một đòn mạnh vào những kẻ la ó phản đối, khiêu khích ông.

Trả lời trôi chảy khi được đặt câu hỏi

Trong quá trình diễn thuyết, người nghe có lúc sẽ đặt câu hỏi với người nói, có câu hỏi thực sự là xin ý kiến, nhưng cũng có câu hỏi nhằm mục đích thăm dò trình độ người nói, còn có cả những câu hỏi cố ý làm khó khiến người diễn thuyết bối rối. Khi gặp trường hợp này, đầu tiên phải chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi mà người nghe có thể sẽ hỏi. Thứ hai là làm rõ mục đích và ý đồ của người hỏi trước khi trả lời. Thứ ba là cố gắng trả lời ngắn gọn, súc tích nhằm thể hiện trí tuệ và năng lực của bản thân. Đối với những người mượn cơ hội đặt câu hỏi để công kích, phải kiên quyết đáp trả. Đương nhiên, việc đáp trả này cũng cần kĩ năng.

Một lần, nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin được mời làm báo cáo về “Thuyết tiến hóa”. Khi báo cáo vừa kết thúc, một cô gái xinh đẹp đã nêu câu hỏi: “Theo lí thuyết của ông, con người tiến hóa từ vượn, nếu áp dụng lí thuyết này với ông thì rất đáng tin, lẽ nào tôi cũng nằm trong số đó.” “Đương nhiên rồi.” Đác- Uyn nhìn cô gái và trả lời: “Thế nhưng cô không phải tiến hóa từ vượn thông thường, mà tiến hóa từ một con vượn vô cùng xinh đẹp.”

Khéo léo đối phó khi bị quên nội dung nói

Người diễn thuyết, nhất là những người mới, khi đứng trước đám đông thường bị mất bình tĩnh và không tránh khỏi căng thẳng. Hậu quả thường gặp khi căng thẳng là quên mất phải nói gì. Lúc này, nhiều nhà diễn thuyết thường bị lặng đi mất một lúc và không biết tiếp tục như thế nào. Thực tế, quên lời là chuyện rất bình thường, nhiều chuyên gia hùng biện cũng không tránh khỏi điều này, điều quan trọng là cách xử lí tình huống sau đó.

Đầu tiên, không nên vội vàng, hãy ổn định lại tinh thần và mỉm cười. Sau đó, hãy nghĩ cách để tiếp tục diễn giải vấn đề mình đang nói trước khi kịp nhớ ra nói đến đâu. Theo kinh nghiệm, khi quên lời rất khó nhớ lại ngay trên sân khấu, vì thế hãy tạm bỏ qua vấn đề bị quên và nói tiếp vấn đề khác. Đương nhiên điều này yêu cầu người nói phải có khả năng ứng biến, hãy tỏ ra thật tự nhiên, có thể người nghe sẽ vẫn nhận ra, nhưng như thế vẫn tốt hơn nhiều so với việc bị đứng ngẩn người trên sân khấu.

Kĩ năng vừa thuyết vừa diễn

Mục tiêu hàng đầu của người diễn thuyết là thu hút sự chú ý của người nghe, điều chỉnh cảm xúc, khiến người nghe tiếp nhận và ghi nhớ nội dung diễn thuyết. Muốn thực hiện mục tiêu này, phải học cách đưa hình tượng vào lời nói, đưa cảm xúc thật vào khiến bài diễn thuyết có tình cảm.

Hãy để người nghe “nhìn thấy” lời nói của bạn

Khi diễn thuyết, nếu muốn người nghe cảm nhận được ngôn ngữ của bạn, thì bạn phải sử dụng ngôn ngữ có tính hình tượng.

Carnegie đã từng nói: “Nếu đưa hình tượng vào lời nói, thì lời nói của bạn sẽ có tầm ảnh hưởng và sẽ được yêu thích.”

Khi diễn thuyết, hãy hướng tới những sự vật đặc biệt và làm nổi bật hình ảnh của sự vật đó. Ví dụ nói “một con ngựa màu đen” sẽ sinh động hơn nói “một con ngựa”. “Một con gà trống trắng” sẽ mang lại hình ảnh rõ ràng hơn so với việc chỉ nói một từ “gà”.

Năm 1927, sau khi khởi nghĩa thất bại, Mao Trạch Đông đã có bài diễn thuyết để tập hợp lại đội ngũ khởi nghĩa. Ông nói: “Lực lượng công nông vũ trang của chúng ta vẫn còn rất nhỏ, giống như một hòn đá nhỏ vậy. Trong khi lực lượng phản động lại rất lớn, giống như một thùng nước lớn. Chỉ cần kiên trì, sẽ có ngày chúng ta có thể dùng hòn đá nhỏ làm vỡ thùng nước lớn.”

Ở đây, “hòn đá nhỏ” và “thùng nước lớn” là những hình ảnh đã quen thuộc với tầng lớp công nông, nếu dùng cách nói “lực lượng khẳng định sự phát triển xã hội” và “lực lượng phủ định sự phát triển xã hội” để thay thế cho “hòn đá nhỏ” và “thùng nước lớn” thì sẽ không dễ được quần chúng tiếp nhận.

Tính sinh động và hình tượng của ngôn ngữ sẽ giúp người nghe dễ hiểu. Một người biết cách diễn giải sẽ khiến hình tượng trong lời nói xuất hiện trước mắt người nghe. Tuy nhiên, khi diễn thuyết, nếu trong lời nói không có tình cảm thì rất khó điều chỉnh cảm xúc người nghe, kết quả sẽ chỉ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán.

Nên tỏ ra xúc động khi cần

Diễn thuyết là sự kết hợp của diễn và thuyết. Diễn thuyết không chỉ là sự truyền đạt lời nói đến người nghe mà còn là truyền đạt tình cảm tới người nghe. Một bài diễn thuyết thiếu cảm xúc được coi là thất bại. Con người không có tình cảm thì không bao giờ có thể trở thành nhà diễn thuyết.

Đối với các nhà hùng biện, bắt buộc phải có tình cảm chân thành, phong phú thì mới có thể đưa tình cảm vào lời nói, mượn động lực tình cảm để phát huy tác dụng tích cực trong nhân tố tâm lí và giành được thành công.

Tình cảm con người là không thể giả tạo. Khi diễn thuyết, phải có tình cảm thì mới tạo ra được sức ảnh hưởng, mới có thể đổi lấy phản ứng tích cực của người nghe và có được sức mạnh lay động lòng người.

Vậy tình cảm con người đến từ đâu? Tình cảm đến từ cảm xúc thực tế của người diễn thuyết. Tình cảm có nguồn gốc từ thực tế cuộc sống và từ niềm tin kiên định của con người. Niềm tin kiên định và thế giới quan quyết định cảm xúc con người, cảm xúc trong diễn thuyết đến từ chính niềm tin này. Người diễn thuyết muốn làm cho phần trình bày của mình có tình cảm thì phải xây dựng được niềm tin cuộc sống, nếu không, cảm xúc của người diễn thuyết chỉ là những điều vô nghĩa không có sức lay động.

Tướng quân MacArthur của Mỹ không chỉ là bậc thầy quân sự mà còn là một chuyên gia diễn thuyết giàu cảm xúc. Những buổi trò chuyện của ông đều chứa đựng rất nhiều tình cảm khiến người nghe vô cùng xúc động. Ví dụ, năm 1951, trong bài diễn thuyết trước quốc hội với chủ đề “Cựu binh không chết”, ông đã nói: “Tôi sắp kết thúc 52 năm sự nghiệp, tất cả những mơ ước, hi vọng thời niên thiếu của tôi đã thành sự thật… Thế nhưng tôi vẫn nhớ như in hai câu trong một bài hát rất được yêu thích khi ở doanh trại…” Bài diễn văn tình cảm của ông nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người có mặt ở đó, nhiều khán thính giả nghe đài hoặc xem tivi cũng rất xúc

động.

Năm 1962, vị tướng quân đã 82 tuổi này quay về nơi ông đã từng học tập và làm việc để có bài hùng biện cuối cùng trước các học viên. Khi kết thúc ông nói: “Sinh mệnh của tôi đã đến lúc hoàng hôn… hào quang xung quanh tôi đã biến mất, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về một thời hào hùng…” Bài diễn văn xúc động của ông đã khiến tất cả các học viên hiểu rõ hơn ý nghĩa và sức mạnh của trách nhiệm quốc gia.

Vị tướng quân đã sử dụng tình cảm để thu hút người nghe và đạt được thành công trong diễn thuyết. Đương nhiên, chỉ có tình cảm không thôi là chưa đủ, điều quan trọng là làm sao sử dụng tình cảm một cách hài hòa để có thể lay động trái tim người nghe.

(1) Ý nghĩa lời nói truyền đạt tình cảm

Khi nội dung diễn thuyết đạt mức tình cảm cao trào, một số nhà hùng biện sẽ sử dụng câu so sánh, câu chính phản, câu cảm thán hoặc lặp lại các câu nói để làm tăng ấn tượng tình cảm. Cách làm này sẽ khiến người nghe có cảm giác gần gũi.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng phương pháp dùng tình cảm để nói về lí trí, nói về sự việc và hình ảnh. Như vậy không chỉ làm tăng sức mạnh của lời nói, mà còn làm tăng sức sống cho lí luận.

(2) Ngữ điệu truyền đạt tình cảm

Một trong những cách truyền đạt tình cảm đến mọi người là thông qua ngữ điệu lời nói. Các tình cảm phức tạp như kiên định, do dự, vui vẻ, đau khổ, khát vọng… đều có thể được thể hiện thông qua ngữ âm, ngữ điệu cao thấp hoặc nhanh chậm.

(3) Sắc thái tình cảm

Sắc thái không thể thay thế ngôn ngữ, nhưng nó là một phần bổ trợ quan trọng cho thanh điệu ngôn ngữ. Sử dụng ngôn ngữ cộng thêm sắc thái phù hợp trong diễn thuyết có thể tạo cảm tình và khiến người nghe cảm thấy hứng thú.

Động tác, tình cảm, trạng thái của người diễn thuyết không chỉ mạng lại hình ảnh thị giác cho người nghe mà còn có thể bộc lộ khí chất của nhà diễn thuyết, do đó khi diễn thuyết, cần chú ý sử dụng hợp lí các sắc thái tình cảm.

Khéo léo kết thúc bài diễn thuyết

Việc diễn thuyết cũng giống như vẽ một bức tranh, những lời kết thúc cũng giống như những nét vẽ cuối cùng, sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ. Carnegie đã từng nói: “Cuối cùng cũng là quan trọng nhất”. Phần kết của bài diễn thuyết cũng giống như phần mở đầu, đều vô cùng quan trọng.

Vậy tại sao phần kết lại quan trọng như thế? Đó là vì những lời nói cuối cùng có thể khiến người nghe tư duy, tổng hợp lại toàn bộ nội dung để nắm được những vấn đề chính của bài diễn thuyết.

Lúc nào người nói cũng phải chú ý tới cảm xúc của người nghe. Khi người nghe muốn bạn nói tiếp thì dù bạn có nói nhiều một chút, họ cũng không cảm thấy phiền và không để ý tới việc thời gian đang trôi đi. Nhưng nếu mọi người vừa nghe bạn nói vừa nhìn đồng hồ thì phải lựa chọn thời cơ thích hợp để kết thúc.

Rất nhiều nhà diễn thuyết không thực sự thành công ở phần kết thúc. Hầu hết mọi người đều kết thúc bằng cách: “Trên đây là những điều tôi muốn nói, tôi xin kết thúc tại đây”. Đây không phải một kết thúc tốt, nó khiến người nghe có cảm giác bị hụt hẫng. Thậm chí có một số nhà hùng biện khi đã nói hết điều cần nói, không biết phải kết thúc thế nào nên nói lặp đi lặp lại một câu, gây ấn tượng không tốt cho người nghe.

Muốn bài diễn thuyết có một kết thúc viên mãn thì phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước đó. Nhiều nhà hùng biện nối tiếng trong lịch sử thường viết trước phần kết luận ra giấy và học thuộc. Những người lần đầu diễn thuyết cũng nên làm như vậy. Nên viết rõ ràng từng câu từng từ của phần kết thúc và tập nói nhiều lần trước khi diễn thuyết. Không nhất thiết phải học đúng theo khuôn mẫu, chỉ cần nêu bật ý chính là được.

Do có nhiều sự thay đổi không lường trước được hoặc phản ứng của người nghe không nhất quán, nên nội dung bài diễn thuyết cũng phải có nhiều thay đổi cho phù hợp. Vì thế, nên đưa ra trước hai hoặc ba phương án kết thúc. Điều này yêu cầu chúng ta phải nắm được một số kĩ năng nhất định.

Tổng kết toàn bộ nội dung

Người diễn thuyết nên dành ra khoảng ba đến năm phút để tổng kết lại nội dung chính những điều mình vừa nói. Có những bài hùng biện khi đã kết thúc, nhưng người nghe vẫn không hiểu rõ nó đề cập tới bao nhiêu vấn đề và nói về điều gì. Vì thế, khi kết thúc nên tổng kết lại toàn bộ nội dung. Có nhiều người không hoàn toàn nghe hiểu hết toàn bộ nội dung diễn thuyết, nhưng chỉ cần nghe phần tổng kết là họ sẽ hiểu người diễn thuyết muốn nói gì. Cần tổng kết lại trong vài câu ngắn gọn, nhưng đủ để tạo ấn tượng sâu sắc với người nghe.

Canergie đã từng đưa ra công thức cho một bài diễn thuyết: Mở đầu – Nói với mọi người bạn sẽ đề cập đến vấn đề gì. Nội dung – Nói chi tiết về những vấn đề đó. Kết thúc – Tổng kết lại các vấn đề một lần nữa.

Cách kết thúc trữ tình

Hãy kết thúc bài diễn thuyết bằng những từ ngữ mang xúc cảm tốt đẹp. Cách kết thúc này chứa đựng tình cảm phong phú, có sức truyền cảm mạnh mẽ. Cách kết thúc trữ tình thường mang lại hiệu quả tương đối tốt, nhưng phải chú ý không sử dụng những từ sáo rỗng. Chỉ khi nội dung và hình thức thống nhất thì mới có thể đạt kết quả hoàn mỹ.

Một chuyên gia trong ngành sản xuất gang thép có bài phát biểu tại New York, khi kết thúc ông nói: “Chúng ta nên đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển xã hội. Đây là khu vực sản xuất gang thép nhiều nhất, là nơi ra đời của những công ty gang thép lớn nhất thế giới, không một bang nào có thể so sánh với chúng ta trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế Mỹ.”

Những câu nói cuối cùng của ông đã khiến người nghe cảm thấy vui vẻ, lạc quan và khơi dậy sự nhiệt tình của họ. Nhưng nếu muốn cách kết thúc này đạt hiệu quả, thái độ nhất định phải thành khẩn. Nếu không thành khẩn, lời nói không xuất phát từ tấm lòng thì người nghe sẽ không dễ dàng tiếp nhận.

Cách kết thúc hài hước

Khi bạn nói tạm biệt phải khiến mọi người cười. Khi kết thúc một bài diễn thuyết

cũng phải làm được như vậy. Nếu bạn có kinh nghiệm phong phú, bạn có thể kết thúc bằng sự hài hước theo cách của mình, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe.

Có một giáo sĩ tên là Louis George. Ông ta đang thực hiện nghi thức sửa lại mộ phần cho John, khi phát biểu trước mọi người, phần kết thúc đã khiến tất cả bật cười bởi cách nói hài hước của ông: “Tôi rất vui khi các bạn đồng ý giúp đỡ sửa lại mộ phần cho ông ấy, ông ấy nên nhận được sự tôn trọng. John là người rất ghét sự bừa bộn, bẩn thỉu. Tôi đã từng nghe thấy ông ấy nói như thế này: “Đừng bao giờ để bất cứ ai nhìn thấy một Cha xứ mặc lễ phục nhăn nhúm.” Do sự cố gắng của ông ấy nên các bạn sẽ không bao giờ phải nhìn thấy một người như vậy. Giả sử các bạn không chăm sóc chu đáo phần mộ của John, như vậy là các bạn đang cố tình đối đầu với ông ấy. Còn nhớ khi John đi qua một túp lều, một cô bé đã chạy ra phía trước cửa và nói: “Thượng đế phù hộ cho ông, John”. Ông ấy đã trả lời thế nào? Ông ấy nói: “Này cô gái trẻ, nếu cô sạch sẽ một chút thì lời chúc phúc của cô sẽ càng có giá trị hơn.” John là người ưa sự sạch sẽ, nên hãy cố gắng để phần mộ của ông ấy luôn sạch. Nếu linh hồn ông đi qua đây, nhìn thấy mộ mình không sạch sẽ thì chắc chắn ông ấy sẽ đau lòng. Hãy bảo vệ phần mộ của John, đây là một cách để tưởng nhớ và thể hiện sự tôn kính với John. Đây cũng là nhiệm vụ của các bạn.”

Dùng thơ hoặc danh ngôn

Khi kết thúc một bài diễn thuyết, nếu sử dụng thơ hoặc những câu danh ngôn đã được công nhận, bạn sẽ càng chứng tỏ được quan điểm của mình và làm sâu sắc chủ đề.

Nếu bạn khéo léo sử dụng những vần thơ làm lời kết, bài diễn thuyết sẽ trở nên đẹp đẽ và sâu lắng hơn với việc mở ra những hi vọng mới.

Phương pháp đối xứng

Phương pháp đối xứng là phương pháp kết thúc diễn thuyết phổ biến nhất. Tuy nhiên cách này không dễ vận dụng, và cũng không thể vận dụng cho tất cả các trường hợp. Nhưng nếu có thể sử dụng hợp lí thì nó sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp. Cụ thể khi dùng phương pháp này, ở những câu nói cuối cùng, câu sau phải nhấn mạnh và có sức mạnh hơn câu trước.

Kết thúc bằng tình cảm

Một kết thúc giàu tình cảm làm lay động lòng người là một kết thúc hoàn mỹ. Phần kết của bài diễn văn khi Lincoln nhậm chức Tổng thống lần thứ hai chính là một cái kết hoàn mỹ như vậy.

Kết thúc bằng lời kêu gọi

Cách này được dùng tương đối nhiều, nó mang đầy tính cổ động, khích lệ và để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe. Một cái kết hay có thể khiến bài diễn văn của bạn trở nên sinh động và có sức mạnh.

Ngoài ra, còn rất nhiều cách kết thúc khác cho một bài diễn văn, chỉ cần suy nghĩ kĩ, vận dụng sáng tạo, bạn chắc chắn sẽ có một bài diễn văn hay và buổi diễn thuyết sẽ thành công tốt đẹp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện