Tối hôm ấy, theo thường lệ, Lý công công mang đến một mâm xếp đầy thẻ bài, dâng lên cho Hồng Hi đế. Người thoáng rời mắt khỏi tấu chương, nhìn về phía mâm thẻ bài, sau khi xem qua một lượt, lại nhíu mày, hỏi:
“Tại sao không có tên của Ninh phi?”
Lý công công đáp:
“Bẩm, theo lệ thường, nương nương mới được sắc phong phải chờ đến tháng sau mới được lâm hạnh, cho nên nô tài...”
Hồng Hi đế khoát tay, bảo:
“Mang xuống đi, hôm nay đến Trường Xuân cung.”
Lý công công muốn nhắc nhở người hôm nay đến phiên Dung tần ở Vĩnh Thọ cung được ân sủng, nhưng nhìn sắc mặt của vạn tuế gia, ông liền nuốt lời đó vào bụng, cúi đầu “dạ” một tiếng.
...........
Hồng Hi đế xử lý xong chính sự, liền di giá đến cung Trường Xuân. Ngự liễn đi không hề chậm, nhưng người lại cảm thấy thời gian dài đằng đẵng, không thể đợi được, chỉ muốn lập tức trông thấy nàng. Hồng Hi đế thầm cười khổ trong lòng, tự giễu mình sống đến tuổi này, lại vẫn nóng vội như một tiểu tử chưa trải sự đời.
Thế nhưng, đến khi tới nơi rồi, người lại bỗng dưng thấy sợ hãi. Sợ rằng hai mươi năm kia chẳng qua chỉ là giấc mộng, sợ rằng tất cả vốn chưa từng xảy ra, sợ rằng nàng cho dù là Tô Điềm Noãn, lại không phải là Noãn Nhi của người.
Cái cảm giác sợ hãi bất an ấy, chỉ đến khi nếm thử chiếc bánh do nàng làm, đầu lưỡi cảm nhận được mùi vị quen thuộc không thể quên trong ký ức, sau đó chính tai nghe thấy nàng lặp lại những lời đã khắc sâu trong tâm khảm kia, người mới dám tin rằng, hai mươi năm kia là sự thật, đã thật sự từng xảy ra. Noãn Nhi từng bầu bạn cùng người, cũng là thật.
Hồng Hi đế kéo nàng vào lòng, ôm ghì lấy nàng, trăm ngàn lời muốn nói, cuối cùng chỉ còn lại hai chữ được nâng niu trên đầu lưỡi, sau đó khe khẽ cất lên thành tiếng:
“Noãn Nhi.”
Nàng không bao giờ hiểu được, trong tiếng gọi ngắn gọn đó, chứa đựng bao nhiêu nhu tình mật ý, nhớ nhung triền miên.
Ôn nhu hương trong lòng, lại thêm ký ức về những năm tháng ân ái trước đây, Hồng Hi đế cũng không phải thánh nhân, khó tránh khỏi động tình, liền ôm nàng vào tẩm thất.
Tô Điềm Noãn run rẩy lui vào trong một góc giường, người cũng không nóng lòng bức ép nàng, vươn tay bắt lấy bàn chân nhỏ bé của nàng. Tô Điềm Noãn từ nhỏ đã bị bó chân, cho nên bàn chân của nàng là “gót sen ba tấc” tiêu chuẩn, chỉ lớn vừa một gang tay của trẻ con, có thể đặt vào lòng bàn tay chơi đùa. Bàn chân vừa bị người chạm vào, Tô Điềm Noãn đã khẽ run lên một cái, mắt thấy người muốn tháo ra vải bó chân của mình, nàng lập tức hoảng hốt ngăn lại:
“Đừng, bệ hạ, đừng nhìn...”
Hồng Hi đế biết nàng lo lắng cái gì, nhưng chỉ khẽ cười, nói:
“Nàng là người của trẫm, mỗi một chỗ trên người nàng, trẫm đều phải nhìn, đó là lạc thú khuê phòng, không cần xấu hổ.”
Tô Điềm Noãn khẩn trương đến muốn khóc, mắt ngấn nước đầy vẻ cầu xin nhìn người, nói:
“Bệ hạ đừng nhìn, đừng nhìn, rất xấu, sẽ khiến người thấy ghê sợ...”
Cái gọi là “ba tấc sen vàng”, thật ra chỉ xinh xắn đáng yêu khi đã bị lớp vải bó che lại. Nàng rất sợ bị bệ hạ trông thấy dáng vẻ thật sự của chúng, dù lúc này nàng vẫn chưa có tình cảm gì với người, nhưng chỉ cần là nữ nhân, không ai muốn phơi bày cái xấu trước mặt phu quân của mình.
Hồng Hi đế xoa nhẹ lên bàn chân bé nhỏ của nàng, dỗ dành:
“Chỉ cần là thứ trên người của Noãn Nhi, trẫm yêu còn không kịp, sao lại ghê sợ chứ?”
Nói đoạn, bất kể sự ngăn cản của nàng, người chầm chậm tháo ra lớp vải bó. Lớp vải bó càng thưa dần, cuối cùng tuột xuống, để lộ đôi bàn chân biến dạng đến đáng sợ, ngoại trừ ngón cái, các ngón còn lại đều bị đập gãy, bẻ gập vào trong lòng bàn chân để có được mũi chân thon nhỏ yểu điệu. Khuôn mặt của Tô Điềm Noãn trắng bệch, trong lòng đã tuyệt vọng, chắc mẩm rằng sau khi bệ hạ trông thấy đôi chân này, từ đây sẽ không muốn nhìn tới nàng nữa. Nàng không sợ thất sủng, chỉ sợ liên lụy Tô gia, liên lụy phụ thân. Xưa nay tiền triều và hậu cung luôn nối liền, mỗi nữ nhi quyền quý một khi bước vào hậu cung, đều mang trên mình gánh nặng vinh quang của cả một gia tộc.
Đang lúc nàng phiền muộn vô cùng, lại nghe bệ hạ khẽ dịu giọng, hỏi:
“Còn cảm thấy đau không?”
Tô Điềm Noãn nhìn lại, kinh ngạc trông thấy Hồng Hi đế đang nhè nhẹ vuốt ve bàn chân của mình, trong mắt không hề có vẻ ghét bỏ.
Đây tất nhiên không phải lần đầu người nhìn thấy đôi chân của nàng, nhưng lại vẫn đau lòng như vậy. Kiếp trước, khi người trông thấy đôi chân ấy, giận đến mức muốn trừng phạt Tô An.
Tục bó chân vốn bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước, có kẻ cho rằng nó được khởi đầu bởi Triệu Phi Yến với đôi chân bé nhỏ tới độ có thể nhảy múa trên lòng bàn tay người khác. Từ đó, hình ảnh thiếu nữ với “gót sen ba tấc” quấn lụa uyển chuyển nhảy múa trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Tất nhiên, nam nhân trong thiên hạ chỉ biết dáng vẻ yêu kiều trong mảnh vải bó của đôi chân ấy, ít ai hiểu tường tận quá trình bó chân đau đớn đến nhường nào. Người ta thường nói, nữ nhi bó chân khóc một thau nước mắt, thậm chí người mẹ thường không được phép bó chân cho con gái, bởi họ sợ rằng mẫu thân thương con sẽ mềm lòng, không nỡ bó thật chặt. Sau khi Đại Lương lập quốc, hoàng đế các đời đều nghiêm cấm tục bó chân này. Nhưng phép vua thua lệ làng, không sao có thể ngăn cản các bé gái bị bó chân, khi chuẩn mực cái đẹp vẫn là “gót sen ba tấc”.
Năm Hồng Hi đế đến nhà nàng, Tô Điềm Noãn bị bắt bó chân, khóc lóc chạy tới cầu cứu người. Người tức giận răn dạy Tô An một lúc lâu, không cho phép ông ta bắt con gái bó chân. Thế nhưng người vừa rời đi, Tô Điềm Noãn đã không thoát khỏi cái đau khi những ngón chây bị bẻ gãy, xương vòm cũng bị bẻ gập lại, bó chặt trong lớp vải. Chính vì cái chân bó này, nàng cũng như bao nữ nhi quyền quý khác, khi đi bộ đều cần có nha hoàn dìu, không thể đi lại quá nhiều, đi đứng đều rất khó khăn. Kiếp trước, mỗi lần trời giá rét, chân của nàng lại đau nhức vô cùng, Hồng Hi đế chứng kiến cảnh ấy, cực kỳ đau lòng xót dạ.
Người từng tức giận hỏi:
“Tại sao trẫm đã cấm, bọn họ lại thà kháng chỉ cũng phải bắt nàng bó chân?”
Tô Điềm Noãn thở dài, đáp:
“Phụ thân nói, nữ nhi không bó chân, sẽ không gả được vào nhà tốt.”
Đúng vậy, đó là lý do các đời hoàng đế cấm đoán ra sao cũng không dẹp bỏ được tục bó chân. Nguồn gốc của tất cả, chính là bởi quan niệm lễ giáo hà khắc với nữ tử. “Gót sen ba tấc”, là một minh chứng điển hình nhất cho thân phận của nữ nhân chỉ như một món đồ chơi, một vật sở hữu của trượng phu. Nữ nhân với đôi chân bó, ngay từ bước đi, đã thấy sự chông chênh. Đôi chân bó là xiềng gông vô hình, không cho phép các nàng bước ra thế giới bên ngoài, cả đời chỉ ngoan ngoan quanh quẩn trong bốn bức tường, chỉ biết đến trượng phu của mình, không thể nhìn đến nam nhân khác. Chịu bao đau đớn như vậy, suy cho cùng, cũng chỉ là để mua vui cho phu quân. Chính bởi vì đôi chân quá nhỏ, nữ nhân phải đi lại nhẹ nhàng yểu điệu hơn, trong lúc đi lại phải càng gắng sức hơn. Có kẻ thầm nói rằng, việc phải cố gồng để bước đi ấy khiến nơi nào đó của họ càng chặt lại, càng giúp nam nhân thỏa mãn hơn.
Hồng Hi đế tuy hưởng qua diệu dụng ấy, vẫn thương xót cho sự đau đớn mà nàng phải chịu. Kiếp trước, người sai cung nhân độn bông mềm dưới đế giày để nàng đi lại đỡ đau đớn hơn. Sau này, khi Cửu Nhi sinh ra, người cũng nhất quyết không cho phép ai bó chân cho con bé, lại ban lệnh cấm nữ tử bó chân tham gia tuyển tú. Nhờ vậy, số lượng quý nữ bó chân trong kinh cũng giảm đi. Đáng tiếc, trước kia mới đăng cơ, lo sợ mất lòng dân, thế nên người đã không làm nghiêm việc này từ sớm, để Noãn Nhi vẫn phải mang theo đôi chân đau đớn ấy suốt đời.
Tô Điềm Noãn kinh ngạc trước phản ứng của Hồng Hi đế, khẽ hỏi:
“Bệ hạ, người không thấy nó rất xấu xí, rất đáng sợ sao?”
Hồng Hi đế không đáp lời nàng, chỉ cúi đầu, khẽ hôn lên bàn chân mà ngay chính nàng còn cảm thấy ghê sợ.
Không cần lên tiếng, đó đã là câu trả lời thiết thực nhất.
Tô Điềm Noãn ngây người, ngẩn ngơ nhìn bệ hạ dịu dàng hôn dọc theo bàn chân của nàng, chăm chú thành kính tựa như đang nâng trên tay trân bảo quý giá nhất thế gian.
Khảnh khắc ấy, nàng chợt nghĩ, giao chính mình cho một người như vậy, cũng không tệ lắm.
...........
@Tác giả: Muốn xây dựng nhân vật gần với hình ảnh người phụ nữ cổ đại nên mình cho nữ chính bó chân. Tra tư liệu về bó chân, chợt cảm thấy, may thay không sinh ở cổ đại. ^^
Mô hình một chiếc chân bị bó, mô phỏng tục bó chân của người Trung Quốc, được trưng bài tại Tucheng, Đài Loan.
Danh sách chương