Sau khi ra khỏi thành, Triệu Cấu quyết định về vùng Giang Nam, cấm binh bảo vệ dọc đường dần dần tự tung tự tác, tranh nhau đòi đi trước, càng ngày càng không nghe theo mệnh lệnh. Đến khi tới Dương Tử kiều, một vệ binh ngang nhiên chạy ra khỏi hàng lên cầu trước, bỏ lại đám người Triệu Cấu phía sau. Ngự doanh đô thống chế Vương Uyên thấy vậy đại nộ, mệnh người đi đuổi theo bắt vệ binh đó lại, ấn xuống bắt quỳ trước mặt Triệu Cấu.
Triệu Cấu nhìn hắn lạnh lùng nói: "Thân làm binh sĩ đáng lý ra phải chủ động hộ giá vệ quốc, chứ không phải vội vã chạy trốn bảo vệ bản thân. Khó trách gần đây quân Tống liên tục chiến bại, hóa ra là bởi loại người như ngươi quá nhiều."
Vệ binh đó nghe vậy lại cười lạnh đối đáp: "Chúng tôi vội vã chạy trốn bảo vệ bản thân là bởi bệ hạ đã lấy chính mình làm gương! Hoàng đế ngài vừa nghe có biến động gì là lập tức trốn Đông chạy Tây, dựa vào cái gì mà yêu cầu chúng tôi phải làm lá chắn bảo vệ ngài khỏi đao kiếm quân Kim? Mạng của ngài quý giá đến vậy, lẽ nào mạng của binh lính phổ thông chúng tôi lại không phải là mạng hay sao?" Lại quay sang nhìn Anh Phất đứng cạnh Triệu Cấu, lớn tiếng nói: "Quân Kim áp sát biên giới, bệ hạ lại chỉ tin nghe Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn ngụy tạo thái bình, không chịu phòng thủ, quân Kim đã sắp đánh vào tới cửa rồi vẫn đang cùng nữ nhân phong lưu trác táng..."
Lời chưa dứt đã thấy một đạo ánh sáng sắc lạnh lướt qua. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, lưỡi kiếm sắc ngọt đã đâm vào tim hắn. Vệ binh kinh ngạc, chầm chậm cúi đầu xuống nhìn. Người cầm kiếm rút kiếm ra, máu tươi ào ạt phun trào. Vệ binh nấc lên một tiếng ngã vật xuống đất, hai mắt vẫn trợn trừng, khóe môi lộ ra một vết máu nhạt.
Triệu Cấu không biểu cảm cầm kiếm đứng đó, mũi kiếm chúc xuống, máu tươi chảy dọc lưỡi kiếm, từng giọt từng giọt nhỏ xuống đất.
Nhất thời không một tiếng động vang lên, tất cả mọi người đều yên tĩnh. Đám vệ binh không dám tự ý dịch chuyển nữa, không nhúc nhích đứng yên trên mặt đất. Mà mấy người Vương Uyên, Khang Lý cũng nhất thời chưa biết nên ứng phó thế nào, cũng đều nín thở im lặng.
Lúc này Anh Phất rút ra một chiếc khăn lụa trong lồng ngực, quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu, không nói năng gì lặng lẽ lau đi vết máu bắn trên áo giáp của y.
"Tìm chỗ xử lý hắn ta đi." Triệu Cấu nhìn hai cấm binh ban nãy khống chế vệ binh kia ra lệnh: "Những người khác theo trẫm qua cầu."
Đoàn người đi tới Qua Châu trấn thì có hai vị đại thần Lữ Di Khiết và Trương Tuấn cũng thúc ngựa đuổi kịp, Triệu Cấu liền hỏi bọn họ: "Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn hiện giờ đang ở đâu?" Lữ Di Khiết tâu: "Bọn họ nghe nói quan gia ra khỏi thành, bèn thu thập hành lý cũng rời khỏi Dương Châu, bây giờ không biết đã chạy tới đâu rồi."
Trương Tuấn thở dài nói: "Bọn họ thì chạy thoát rồi, đáng tiếc lại liên lụy tới các đại thần vô tội khác. Quân dân oán Hoàng Tiềm Thiện tới tận xương tủy, Tư nông khanh Hoàng Ngạc vừa ra được khỏi thành liền bị binh sĩ lầm tưởng là Hoàng Tiềm Thiện, hô lên: 'Hoàng tướng công ở đây.' Sau đó liền có người nói: 'Hại nước hại dân, đều là tội ác của bọn chúng!' Bởi thế mọi người đều lửa giận bừng bừng cầm vũ khí vây lấy Hoàng Ngạc, đáng thương thay Hoàng Ngạc còn chưa kịp giải thích thì đầu đã bị quân dân chém bay. Thiếu khanh Sử Huy, Thừa Phạm Khiết nghe vậy bèn vội chạy tới xem tình hình, cũng bị người dân trong lúc phẫn nộ đánh chết. Cấp sự trung kiêm Thị giảng Hoàng Triết đang đi đường cũng bị một kỵ binh bắn tên giết chết. Hồng lư thiếu khanh Hoàng Đường Tuấn và Gián nghị đại phu Lý Xứ Tuần cũng bị loạn quân giết hại. Hiện giờ các triều thần tâm trạng hoang mang, đều mặc áo vải trốn đi, chỉ sợ bị người ta nhìn ra thân phận."
Triệu Cấu buồn bã gượng cười, nói với Anh Phất: "Năm xưa thành Biện Kinh vỡ, hẳn cũng là cảnh tượng này."
Anh Phất lắc đầu nhẹ nhàng nói: "Không giống nhau. Quan gia đã an toàn lánh được về phía Nam, ngày sau chắc chắn sẽ có cơ hội lấy lại những vùng đất đã mất."
Trương Tuấn gật đầu nói: "Lời của vị... phu nhân này có lý, xin quan gia tạm thời di giá tới triều đình mới được xây dựng lại ở Hàng Châu, chúng thần sẽ cung cúc tận tụy phò trợ bệ hạ gây dựng lại giang sơn Đại Tống, lấy lại đất đã mất."
Tới lúc chuẩn bị qua sông mới phát hiện rời thành quá vội vàng, căn bản không chuẩn bị thuyền bè, mà nay chỉ có một chiếc thuyền nan bé xíu đậu ở ven bờ, không thể chở được nhiều người như thế cùng lúc qua sông. Trương Tuấn đã hỏi nhà thuyền, sau khi biết thuyền chỉ chở được hai người một ngựa bèn quay về báo cáo với Triệu Cấu: "Xin bệ hạ và một tùy tùng dẫn theo ngự mã qua sông trước, chúng thần sẽ tìm cách sau."
Khang Lý nghe vậy lập tức chạy qua, hai tay dìu Triệu Cấu nói: "Nô tài dìu quan gia lên thuyền."
Triệu Cấu lại rút tay ra, nhàn nhạt nói: "Không cần." Sau đó vô tình hữu ý liếc nhìn Anh Phất. Khang Lý lập tức hiểu ý, y trước nay vẫn luôn là hoạn quan được Triệu Cấu tín nhiệm nhất, mà nay Triệu Cấu thấy chỉ có thể dẫn theo một người lại lựa chọn Anh Phất, mặc dù cảm thấy rất thất vọng thế nhưng không biểu lộ ra ngoài, quay người lại ôn hòa mỉm cười với Anh Phất, còn mang theo mấy phần trêu chọc nói: "Anh... Ngô phu nhân, xin hãy dìu quan gia lên thuyền. Lão nô không có ở bên cạnh quan gia, phải phiền phu nhân tận lực chăm sóc quan gia rồi."
Anh Phất thấy y cố tình đổi cách xưng hô bất giác đỏ bừng mặt, thế nhưng trong lòng cũng cảm thấy thoáng ấm áp. Bởi thế bèn bẽn lẽn khẽ khàng nói với y: "Khang công công yên tâm, lời dặn dò của ngài tôi đã ghi nhớ rồi."
Sau khi qua sông là tới cổng thành, Triệu Cấu và Anh Phất men theo đường nhỏ mà đi, hồi lâu sau dần dần cảm thấy thấm mệt, vừa hay trông thấy một ngôi miếu thời Thủy Đế, bèn đi vào nghỉ ngơi một lát.
Triệu Cấu ngồi đờ đẫn hồi lâu, đột nhiên rút kiếm ra, lặng lẽ nhìn chằm chằm vết máu phía trên, sau đó cúi đầu thở dài, lau sạch vết máu bằng đôi ủng đen dưới chân. Lúc này bá quan vẫn chưa theo tới, vệ binh cũng không có một người, trong miếu chỉ có y và Anh Phất. Anh Phất đứng một bên hầu hạ, thấy y bôn tẩu hơn nửa ngày, tóc tai rối loạn, mấy lọn tóc đã xù ra, khuôn mặt dính đầy bụi đất, ánh mắt thất thần, dáng vẻ hồn bay phách lạc này khiến lòng nàng chua xót. Nàng bèn tiến tới vươn tay ra muốn chải lại tóc cho y, y lại như bị kinh động, đột ngột nghiêng người né đi, sau khi nhìn rõ là nàng mới uể oải phất phất tay, ra hiệu cho nàng đừng tới gần.
Sau khi nghỉ ngơi một lúc, hai người lại xuất phát, đi về hướng Trấn Giang. Lúc này đã sắp hoàng hôn, bọn họ trải qua một phen kinh sợ bây giờ mới dần dần cảm thấy bụng trống không, đói vô cùng, mà lúc đi cũng không mang theo lương thực gì, nhìn ngó xung quanh cũng không có bất cứ rau cỏ dại gì có thể lấp đầy bụng. Đang bí bách thì đột nhiên nhìn thấy một nông phụ xách giỏ trúc đi qua, trong giỏ chứa đầy đồ ăn, đoán chừng là đi đưa cơm cho ai đó. Anh Phất cắn răng, chạy theo gọi bà, đỏ mặt nói: "Đại nương, chúng tôi vội vã chạy nạn tới đây, lại quên đem theo lương khô, từ đêm qua tới giờ đã hơn nửa ngày rồi vẫn chưa có chút gì trong bụng, không biết đại nương có thể..."
Nông phụ đánh giá hai người bọn họ trên dưới một lượt, cười lạnh nói: "Các ngươi là binh tướng từ Dương Châu tháo chạy tới đây? Có tay có chân, còn mặc đồ cưỡi ngựa đẹp thế kia, lại không chịu chiến đấu chống giặc Kim mà trốn tới đây xin ăn!"
Anh Phất xấu hổ cùng cực, cúi đầu không biết nói gì. Sắc mặt Triệu Cấu khẽ biến, đi tới đang định kéo Anh Phất đi, Anh Phất lại vừa ra hiệu cho y đừng lên tiếng, vừa hối lỗi cười với nông phụ: "Xin đại nương đừng thấy lạ, là chúng tôi đã đường đột làm phiền đại nương."
Nông phụ lại liếc bọn họ một cái, thò tay rút một chiếc bánh nướng trong giỏ ra ném xuống đất, nói: "Chỉ có thể cho các ngươi cái bánh này, nếu không chê bai thì ăn đi." Nói đoạn ngúng nguẩy rời đi.
Anh Phất cúi người nhặt chiếc bánh nướng lên, cẩn thận phủi sạch bụi đất phía trên, sau đó hai tay dâng lên mời Triệu Cấu. Triệu Cấu hất chiếc bánh rơi xuống đất, phẫn nộ nói: "Quân tử không ăn thức nhặt được."
Anh Phất lần nữa nhặt bánh lên, tiếp tục phủi sạch bụi đất bám bên ngoài, những miếng vỡ ra cũng không vứt đi mà vẫn nắm trong tay, nhẹ nhàng nói với Triệu Cấu: "Trời cao giao trọng trách lớn cho ai thì nhất định sẽ bắt người ấy phải trải qua thử thách. Kẻ làm việc lớn phải học được cách sinh tồn trong nghịch cảnh, lời lẽ cay nghiệt của một nông phụ vô tri có là gì, quan gia không cần quá để ý. Tấn Văn công Trùng Nhĩ khi còn là Công tử bị phi tử của Tấn Hiến công Lệ Cơ hãm hại, rơi vào cảnh phải rời nước phiêu bạt suốt nhiều năm, trong khoảng thời gian ấy bị đói chịu nhục là chuyện thường thấy. Khi đi tới Ngũ Lộc vì đói khát khó nhịn nên ông cũng đã từng xin đồ ăn của một người thôn quê, người kia lại đưa cho ông một vốc bùn. Trùng Nhĩ nổi giận, toan giơ tay đánh người kia thì bị Hồ Yển ngăn lại, nói: 'Bùn đất tượng trưng cho đất đai, đây chính là điềm lành về quốc thổ mà trời cao muốn gửi xuống cho ngài.' Trùng Nhĩ nghe xong lập tức hiểu ra, cung kính dập đầu với người dân quê kia, đem theo nắm đất rời đi. Nhiều năm sau Trùng Nhĩ quả nhiên được làm quốc chủ, trở thành một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu. Nay phải ăn chiếc bánh có dính bùn đất có lẽ cũng là điềm lành, quan gia cớ chi không học theo Trùng Nhĩ, vui vẻ đón nhận?"
Nét mặt của Triệu Cấu từ từ giãn ra, nói: "Vậy có phải trẫm nên trịnh trọng cất chiếc bánh dính bùn đất này đi, đem về thờ phụng hay chăng?"
Anh Phất mỉm cười đáp: "Để nô tỳ thay quan gia cất, đợi ngày sau quan gia phục quốc rồi nói không chừng nó sẽ biến thành một thánh vật thật. Nô tỳ giữ có lẽ cũng được hưởng lây phúc lành." Nói đoạn lấy khăn lụa ra bọc những mảnh bánh vụn lại, sau đó đưa chiếc bánh sạch sẽ cho Triệu Cấu.
Triệu Cấu bẻ đôi bánh ra chia cho Anh Phất một nửa. Anh Phất lắc đầu nói: "Nô tỳ không đói..." Triệu Cấu không nói gì, bàn tay đưa ra không có ý định thu lại. Anh Phất hiểu ý của y, đành nhẹ nhàng nhận lấy, vẫn không quên lên tiếng tạ ơn.
"Anh Phất..." Triệu Cấu ngồi xuống trên một khối đá lớn ven đường, chậm rãi cắn một miếng bánh, nói: "Có vẻ ngươi đã đọc qua không ít sách, cũng là Nhu Phúc đế cơ dạy ngươi sao?"
Anh Phất gật gật đầu: "Đế cơ đã dạy qua một chút. Sau đó từ khi hầu hạ quan gia, nô tỳ lại cả gan dành thời gian đọc một ít sách của quan gia... Nô tỳ xem đại thôi, cũng không nhiều lắm, có phải đã nói sai lời nào không ạ? Khiến quan gia chê cười rồi."
Triệu Cấu khẽ cười, đáp: "Ngươi nói rất hay, không sai một câu nào cả."