Dạo ấy trong cung rất thịnh hành y phục và trang sức có chữ "vận". Nghe nói cách ăn mặc được truyền vào từ bên ngoài cung, trang phục của cung nữ bình thường đều thống nhất, thế nhưng rất nhiều người có thêu chữ "vận" lên ống tay áo lớp trong hoặc cổ áo, hoặc cổ tay mang vòng có khắc chữ, những lúc cử động nâng tay lên thấp thoáng lộ ra, phong vận đầy mình.
Khi Anh Phất phát hiện ra ngay tới Hỉ Nhi cũng đặc biệt nhờ người ngoài cung mua hộ nàng một đôi khuyên tai có khắc chữ vận, cuối cùng cũng không nhịn được mà hỏi: "Vì sao những trang phục này đều lấy chữ vận làm điểm nhấn, mà không dùng chữ khác vậy?"
Hỉ Nhi chớp chớp mắt vài cái, sau đó thần bí kéo nàng ra một góc, nhỏ giọng nói: "Tôi nói cho cô, cô không được phép nói cho người khác đâu nhé! Đây là do Thanh Hàm hầu hạ hoàng thượng lén lút nói cho tôi, tôi đã hứa với chị ta sẽ giữ bí mật... Lương công công từng nói với hoàng thượng, chữ 'vận' đồng âm với vận trong Vận vương, nay dân chúng có trào lưu yêu thích chữ vận, đích thị là ý trời, chứng tỏ việc Vận vương nhập chủ Đông cung là ý nguyện của bá tánh."
Lương công công mà nàng ta nói là chỉ đại hoạn quan Lương Sư Thành. Người này vẻ ngoài kín đáo cẩn trọng, trông có vẻ là kẻ thật thà, thực tế lại vô cùng giảo hoạt, giỏi quan sát sắc mặt, làm việc kín kẽ, cùng một hoạn quan khác là Đổng Quán chiếm được lòng tin và sự trọng dụng của Triệu Cát. Đổng Quán đã nhiều lần lĩnh binh ra trận bên ngoài, mà Lương Sư Thành lợi dụng sự sủng ái của Triệu Cát, đưa được tên mình vào danh sách tiến sĩ, nâng xuất thân của mình lên một bậc, công khai đảm nhiệm tước quan, một đường thăng lên làm tới Thái Úy.
Anh Phất nghe Hỉ Nhi nói xong không khỏi cảm thấy có chút kinh hãi: "Để Vận vương nhập chủ Đông cung? Vậy thì chẳng phải muốn phế Thái tử điện hạ sao?"
Hỉ Nhi nhìn ngó xung quanh, xác định không có người mới nhỏ giọng nói: "Phải, Thanh Hàm nói Lương công công, Đổng công công, cùng Vương Phủ đại nhân, Sái đại công tử đều muốn lập Vận vương làm thái tử, suốt ngày nói tốt cho Vận vương điện hạ bên tai hoàng thượng, mà hoàng thượng cũng rất thích nghe... Hoàng thượng càng ngày càng không thích Thái tử điện hạ, rất nhiều người cảm thấy chuyện phế thái tử chỉ là vấn đề sớm muộn..."
Thông qua lời kể của Hỉ Nhi, Anh Phất biết được rất nhiều câu chuyện liên quan tới Triệu Khải và Triệu Hoàn.
Cái gọi là "con cưng của trời", chính là để chỉ người như Triệu Khải. Y sở hữu gần như hầu hết những ưu điểm có thể so sánh được với thận phận hoàng tử cao quý: vẻ ngoài tuấn tú, đầu óc thông minh, kiến thức phong phú và phong độ hơn người. Từ khi còn rất nhỏ y đã hiển lộ tài trí phi phàm, có một lần Triệu Cát và các con trai ngâm thơ làm câu đối, thốt ra vế trên: "Quế tử tam thu thất lí hương", lúc ấy Triệu Khải mới có vài tuổi đã lên tiếng đối lại: "Lăng vân cửu hạ lưỡng kì tú". Triệu Cát còn nói đó là do y may mắn, bèn ra thêm một câu nữa: "Phương đang nguyệt bạch thanh phong dạ", Triệu Khải không hoang mang không nao núng, thong thả đáp: "Chính thị sương cao mộc lạc thời". Câu thơ tuyệt vời khiến Triệu Cát nghe xong mừng rỡ, nhìn ra đứa con trai này có tư duy khác người, từ đó thay đổi cái nhìn, vô cùng sủng ái.
Hơn nữa tài hoa của Triệu Khải không chỉ nằm ở việc làm mấy bài thơ. Ngoài thi từ ca phú, cầm kỳ thi họa, thanh kỹ âm nhạc không món nào không tinh thông, vô cùng tâm đầu ý hợp với Triệu Cát. Giữa Triệu Cát và y không chỉ có tình phụ tử, mà còn có cả tình bạn giữa những kẻ tri kỷ. Tới cuối cùng, không chỉ Thái tử Triệu Hoàn, mà cho dù có gộp tất cả các hoàng tử khác lại, thì vị trí của bọn họ trong lòng Triệu Cát chỉ sợ cũng không thể bì nổi với một mình Vận vương Khải được đất trời ưu ái.
Bởi thế, năm Chính Hòa thứ sáu, tháng Hai, Triệu Khải 14 tuổi quan bái Thái phó. Triều Tống có định chế "Hoàng tử không thể nhậm chức quan Thái phó", Thái tử Triệu Hoàn cũng chưa từng lĩnh qua chức vụ này, lệ ấy vì Triệu Khải mà phá.
Năm Chính Hòa thứ sáu, tháng Mười một, ngày 19, Triệu Cát xuống chiếu thăng Triệu Khải vừa tròn 15 tuổi làm Hoàng thành tư, chỉnh đốn cấm vệ quân tùy giá, giám sát nội đông môn, Sùng Chính điện,... Chức trách là điều động quan binh canh giữ Hoàng thành, không chịu sự quản thúc của Điện tiền tư tiết chế. Triệu Cát còn cố ý nới rộng quyền hành của Hoàng thành tư, tăng thêm gần một ngàn thân tòng quan cho Triệu Khải chỉ huy. Mười năm tiếp đó, Triệu Khải vẫn nắm giữ chức vụ này. Đây lại là một quyết định khiến văn võ khắp triều cảm thán không thôi, bởi trước đó Tống triều đã có văn bản quy định rõ "tông thất không nhận chức vụ trong triều", phàm là hoàng tử hoàng tôn đều không được phép nhận chức quan có thực quyền, mà Triệu Khải lại phá lệ này với sự ủng hộ công khai của phụ hoàng.
Năm Chính Hòa thứ tám, tháng Ba, Triệu Cát gọi Triệu Khải 16 tuổi tới điện Tập Anh điện thí, kết quả Triệu Khải trúng hạng nhất. Chúng thần tử dâng tấu thư bình luận: "Sở học trùm ba tài, làm thơ tinh hoa sáu nghệ. Nằm lòng triết lý Nho học, trả lời đề thi rạch ròi. Một câu nói được sánh với nghìn từ, gợi dẫn được chỗ vi diệu bên trong. Xứng đáng nhận vị trí đứng đầu toàn khoa."
Triệu Cát vô cùng mừng rỡ, thế nhưng để tránh lời ra tiếng vào, vẫn hạ lệnh nâng người đứng thứ hai Vương Ngang lên đầu bảng.
Năm Tuyên Hòa thứ năm, tháng Bảy, nhóm đại thần Vương Phủ dâng biểu, đề nghị dâng tôn hiệu cho Triệu Cát. Ngoài các vị Thái học lớn tuổi, chúng hoàng tử cũng đồng loạt dâng biểu thỉnh cầu Phụ hoàng nhận tôn hiệu do quần thần dâng lên, mà hoàng tử dẫn đầu không phải Thái tử Triệu Hoàn, mà là Vận vương Triệu Khải 22 tuổi.
Triệu Cát sủng ái Vận vương Khải dần dần trở thành việc mà ai ai cũng biết. Thái giám trong ngoài cung lần lượt hùa theo, lấy lòng Triệu Khải. Sau tiết Lập Xuân năm Triệu Cát hạ lệnh xây dựng cầu trên không vì Triệu Khải, những câu đối dán trong cung thậm chí còn đề thơ: "Cầu kiều vượt mây nối hoàng cung, chúng vương ai bì nổi Vận vương." Nịnh nọt tới mức lộ liễu, thế nhưng Triệu Cát trông thấy cũng rất hài lòng.
Câu "Chúng vương ai bì nổi Vận vương" khiến người nghe khó tránh khỏi liên tưởng: "Chúng vương" hẳn cũng bao gồm cả Thái tử Triệu Hoàn?
Triệu Cát nhiều lần giữa đêm triệu Triệu Khải vào cung, hai cha con uống rượu suốt đêm, say sưa trò chuyện tới tận bình minh. Triệu Cát ban tiệc tại phủ Sái Kinh chỉ dẫn theo một hoàng tử là Triệu Khải, Thái tử tới tin tức này cũng không nhận được. Triệu Cát có ý để Triệu Khải thống lĩnh đại quân, tiến về phương Bắc thảo phạt Yến sơn... Những kẻ có tâm không khó nhận ra được tính ám thị của tin tức này: phụ tử bí mật bàn bạc, lôi kéo quyền thần, tạo cơ hội cho Triệu Khải lập công vì Đại Tống... Tin đồn Đông cung sắp thay chủ nhân truyền tới mọi ngóc ngách, Thái tử Triệu Hoàn ngày ngày sầu khổ, như đứng đống lửa như ngồi đống rơm.
Thái tử Triệu Hoàn là do nguyên phối phu nhân Vương thị của Triệu Cát khi vẫn đang còn là Đoan vương hạ sinh. Sau khi kế vị, Triệu Cát lập tức sắc phong Vương thị làm hậu. Năm Nguyên Phù thứ ba, tháng Tư, Vương hoàng hậu sinh cho Triệu Cát người con trai đầu tiên - Triệu Hoàn. Triệu Cát cũng từng vì sự chào đời của con trai mà cảm thấy vui mừng khôn xiết, tình cảm dành cho y cũng chân thành như tình cảm dành cho mẫu thân y, thế nhưng đáng tiếc chẳng kéo dài được bao lâu. Vương hoàng hậu rất nhanh đã nhận ra, bà hoàn toàn bất lực trong việc tìm cách thu hút phu quân tới thăm nơi ở của mình. Vị phu quân từng thề non hẹn biển tại Đoan vương phủ, sau khi có được quyền lực tối cao, đã biến thành một người đàn ông có vô số phụ nữ sau tíc tắc.
Sau khi được Hướng thái hậu thưởng cho hai cung nữ Trịnh, Vương thị, Triệu Cát dần dần trở nên xa cách với Hoàng hậu. Tình cảm đã nguội lạnh thậm chí còn che mờ lí trí của ông. Dưới sự ác ý gièm pha của một số hoạn quan, Triệu Cát bắt đầu hoài nghi phẩm hạnh của Hoàng hậu, lệnh cho Hình bộ thị lang Chu Đỉnh bí mật điều tra. Mặc dù kết quả cuối cùng là Hoàng hậu trong sạch, Triệu Cát cũng chỉ biểu thị ý xin lỗi thoáng qua, mà sự ân ái trước đây đã không thể nào có lại được nữa. Bởi thế ngày lại qua ngày, yêu hận triền miên, Vương hoàng hậu sau khi bị hai vị Trịnh, Vương quý phi đoạt đi sự sủng ái của phu quân, lại phải giương mắt nhìn đứa con trai đang ngày một trưởng thành của Vương quý phi đoạt đi tình thương mà Triệu Cát vốn dĩ dành cho Triệu Hoàn.
Tháng Chín năm Đại Quán thứ hai, Vương hoàng hậu 25 tuổi hoăng thệ sau một cơn mưa cuối Thu. Lúc ấy Triệu Hoàn 8 tuổi chầu trực bên cạnh bà, sau khi nhận ra mẫu thân sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa, liền hoảng hốt nắm lấy bàn tay bà đau đớn bật khóc. Hình ảnh lúc ấy đã khắc sâu vào kí ức Triệu Hoàn. Rất nhiều năm về sau, mỗi khi trời đổ mưa lớn, hoặc mỗi khi không khí nặng nề như thể mưa núi sắp kéo tới, y vẫn thường xuyên mơ thấy cảnh tượng năm đó, gào khóc tới mức tỉnh lại. Điều này khiến các cung nhân bên cạnh cảm nhận được sâu sắc nhất cảm xúc của một kẻ ngày thường vẫn luôn lặng lẽ kiệm lời như y.
Vì là đích tử* duy nhất của Triệu Cát, y vẫn được lập làm Thái tử. Thế nhưng y hiểu rất rõ hoàn cảnh và những uy hiếp mình đang đối mặt, biết rằng địa vị của mình kì thực cũng hệt như sinh mệnh của mẫu thân năm ấy, khi đã mất đi tình yêu của phụ hoàng liền mong manh tới độ bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ nát.
(* Đích tử: Con trai của vợ cả, ngược với con trai của vợ lẽ, được gọi là "thứ tử".)
Bởi thế, giống như một chú chim kinh sợ, y dè dặt cẩn thận, lặng lẽ kín đáo sống qua ngày.
Anh Phất từng gặp Triệu Hoàn một lần tại Hoa Dương cung. Lúc trước khi còn hầu hạ Hoàng hậu cũng từng trông thấy y, thế nhưng ở khoảng cách tương đối xa, không nhìn rõ dung mạo. Mà ngày hôm ấy nàng ngẫu nhiên ngang qua Phượng trì, phát hiện Thái tử đang một mình ngồi ngây người ra trên một tảng đá ven hồ.
Ngày hôm ấy rất lạnh, y khoác một tấm trường bào xám dày, trên đầu đội một chiếc mũ để tránh rét, thế nhưng kiểu dáng không phải rất đẹp, hai tay đặt trên đùi, đờ đẫn khom lưng thất thần nhìn thứ gì đó bên dưới mặt nước, có thể là cá, hoặc là hình ảnh phản chiếu của chính mình.
Anh Phất đi tới phía sau lưng y, có chút do dự, không biết có nên thỉnh an hay không, ngẫm nghĩ rồi lại quyết định lờ đi. Thế nhưng không nén được liếc nhìn y thêm mấy cái.
Y mới ngoài 20 tuổi, ấy vậy mà thân hình đã hơi có dấu hiệu phát tướng, cộng thêm với trang phục dày nặng khiến y trông càng có vẻ mập mạp. Tướng mạo y vốn dĩ không khó coi, song vẻ mặt đờ đẫn ngây ngốc, ánh mắt cũng thiếu đi thần thái. Nếu xuất cung trong bộ dáng này, liệu có ai tin rằng y chính là Thái tử điện hạ tương lai sẽ kế thừa đại thống đây?
Anh Phất vẫn còn đang âm thầm thở dài, dời mắt lại phát hiện một thân ảnh quen thuộc đang đi tới. Người đó đầu đội Thất Lương Ngạch quan*, mang Điêu Thuyền long cân**, chân xỏ ủng đen, khoác một tấm trường bào trắng khiến y càng giống cây ngọc đón gió, thả bước không nhanh không chậm, ung dung thư thái.
Trông thấy rõ người tới là Vận vương Triệu Khải, Anh Phất lập tức nhanh chóng rời đi, chạy tới phía sau một khối đá lớn.
Triệu Khải đi tới phía sau Triệu Hoàn, nhàn nhạt gọi một tiếng "Đại ca".
Triệu Khải giật thót mình, vội vã đứng dậy, trông thấy là Triệu Khải lại càng hoảng loạn, mà Triệu Khải cũng không vội vã hành lễ, chỉ chắp tay như cười như không đứng nhìn y. Triệu Hoàn nhất thời không biết nên phản ứng thế nào, chân tay luống cuống đứng đó, nhìn có vẻ như người mang thân phận Thái tử là Triệu Khải chứ không phải y.
(* Thất Lương Ngạch quan:
** Điêu Thuyền long cân:
Đây là kiểu mũ đội đầu trong quy chế quan phục của triều Tống.)