Chúng tôi đặt chân đến Sài Gòn vào rạng sáng, khi bầu trời vẫn còn chưa thức giấc nhưng người dân nơi đây đã trở mình mưu sinh. Người ta vẫn thường nói Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa cho người giàu còn lệ cho kẻ nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã thấm thía điều đó khi được nếm trải cả hoa lẫn lệ của đất Sài thành rộng lớn.

Mẹ con tôi đi xe bus từ bến xe về nhà người em út của mẹ. Tôi ăn tạm một cái bánh mì cho qua bữa sáng, thấy khô khốc như đang nuốt chính những băn khoăn, trăn trở trong lòng. Người ta chen lấn trên chiếc xe bus chật như nêm, nồng nặc hơi người. Chúng tôi lạc lõng giữa dòng đời nơi xứ lạ, cuộc đời mơ hồ như một cánh cửa đã đóng kín ngay trước mắt. Khư khư chiếc giỏ xách bên mình, mẹ như sợ những đồng tiền cuối cùng cũng sẽ bị dòng đời cuốn đi mất.

Sau sự ra đi của ngoại, cậu Tư và mẹ tôi đã không còn nhìn mặt nhau nữa. Mẹ không chấp nhận được sự tệ bạc của mợ Tư đối với ngoại, nhất là khi ngoại đã nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy mà kể từ sau tang lễ, chúng tôi chưa từng gặp lại cậu. Tôi chỉ biết rằng cậu cũng đã sống những ngày tháng khổ tâm, dằn vặt sau khi ngoại mất. Lần này vào Sài Gòn, mẹ cương quyết không liên hệ với cậu cũng như không nhờ đến bất kỳ sự giúp đỡ nào. Với mẹ, dù có mất hết tất cả và sống nghèo đói thì thứ duy nhất còn lại phải giữ được chính là lòng tự trọng của bản thân.

Nhà cậu Út nằm sâu trong một con hẻm quanh co cách xa thành phố. Cậu có ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học và gia cảnh cũng không thật sự khá giả. Vì vậy, khi ở tạm tại nhà cậu, mẹ con tôi vẫn phụ giúp các khoản sinh hoạt phí. Cậu đi làm xa nhà, mỗi tuần mới về một lần. Tôi và mẹ ở tạm trên căn gác xép, trời mưa nước chảy tong tong xuống thau nhựa hứng bên dưới. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, mẹ con tôi cảm thấy hài lòng vì có một chỗ ở là tốt rồi. Mẹ tôi nhốt mình trên căn gác xép không ra ngoài, bà cần được yên tĩnh để ngẫm chuyện đời và nghĩ chuyện tương lai, chỉ có tôi xuống nhà phụ mợ nấu cơm và dọn dẹp. Thế nhưng kiếp ăn nhờ ở đậu chẳng bao giờ là dễ chịu, lắm lúc mợ cũng tỏ thái độ khó chịu với mẹ con tôi khi cậu vắng nhà. Được một thời gian ngắn, mợ nói chúng tôi hãy dọn ra phòng trọ ở gần đấy. Mẹ đồng ý nhưng xin thêm vài ngày để tìm một căn nhà trọ thích hợp. Mợ không chấp nhận và đưa mẹ tôi đến xem một căn phòng cho thuê cách nhà cậu một con hẻm.

Nói là nhà trọ cũng không hẳn, chính xác hơn nó từng là một cái chuồng lợn rộng bốn mét vuông. Chủ nhà là một người phụ nữ không được bình thường, sau này người nhà của cô ấy cải tạo cái chuồng lợn thành một căn phòng chứa đồ bằng cách xây thêm tường lên cao, sau nữa thì bỏ hoang, mái tôn hoen gỉ, tường đóng rêu và nền nhà thì chưa tráng xi măng. Xác gián, phân mèo, phân chuột... ô uế cả căn phòng. Có lẽ vì bỏ hoang như vậy nên căn phòng được cho thuê lại với giá bèo bọt, thậm chí con trai cô chủ nhà còn mừng rỡ khi thấy chúng tôi hỏi thuê.

Chúng tôi đặt vali ở giữa phòng mà lúng túng không biết tối nay sẽ ngủ ra sao khi căn phòng không có gì. Con trai chủ nhà thấy vậy mang cho chúng tôi mượn một chiếc giường gỗ ọp ẹp như chực gãy chân cùng một chiếc chiếu rách. Tối hôm đó, mẹ con tôi gối đầu trên những bộ quần áo gấp lại, ôm nhau ngủ. Thỉnh thoảng giữa đêm, tiếng cười sằng sặc của cô chủ nhà ở phía bên kia khiến tôi giật mình tỉnh giấc, nổi cả gai ốc.

Tôi chưa quen với cái nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Ngồi bó gối nhìn ra con đường mòn nhỏ, những cô cậu học trò í ới rủ nhau đi về mỗi sớm chiều khiến tôi chạnh lòng ứa nước mắt. Tôi đã từng nghĩ con đường học hành của mình đến đây là chấm dứt. Mẹ không nói gì, bà lặng lẽ quay đi, lúc thì quét cái nhà, khi thì đặt nồi cơm, ánh mắt xót xa thỉnh thoảng nhìn như trông chừng phản ứng của tôi. Nhiều bận, thấy mẹ ứa nước mắt, tôi hỏi thì bà chỉ bảo là do khói bếp làm cay mắt. Khổ nỗi trong căn phòng trọ chật hẹp, cái lò xô dùng dầu lửa để nấu thì lấy đâu ra khói để làm mắt người cay? ❉❉❉

Lại nói về cậu Tư. Cậu và mẹ không còn gặp gỡ hay liên lạc với nhau nữa, nhất là sau khi hay tin mẹ con tôi lại rơi vào cảnh túng quẫn thì mợ Tư càng ra sức giám sát tình hình tài chính của cậu hơn. Mợ ấy lo cậu sẽ đưa tay giúp đỡ mẹ con tôi chăng? Ấy thế mà không biết vì lẽ gì, nhiều người vẫn cho rằng mẹ là em gái út mà cậu Tư thương nhất, không lý nào cậu lại bỏ rơi, vì vậy nên việc nâng đỡ mẹ con tôi chỉ là câu chuyện sớm hay muộn mà thôi. Họ đon đả mời mọc mẹ con tôi về nhà tá túc.

Thời gian đầu, tôi và mẹ như những trái bóng trên sân. Hàng tá người đuổi theo giành giật, cốt chỉ để chiếm được cảm tình của cậu Tư cũng như được tiếng cưu mang chúng tôi nhằm chờ đợi ngày cậu đưa đôi tay vàng xuống thì ít nhiều họ cũng được hưởng lợi. Những lời hứa hẹn, sự tử tế ban đầu khiến tôi và mẹ tin rằng họ thật sự tốt. Trong mỏi mòn, “đôi tay vàng” đợi mãi chẳng thấy mà số tiền ít ỏi còn lại của chúng tôi cũng dần vơi đi. Một lần nữa, chúng tôi lại bị mời ra khỏi nhà vì những lý do không đầu không cuối. Rồi cậu Năm xin cho tôi vào học bổ túc văn hoá vì nguyện vọng của tôi là được tiếp tục đi học, tôi muốn vào đại học. Bạn gái của cậu muốn mẹ tôi mua một đôi quang gánh ra chợ bán rau mỗi ngày để kiếm tiền nuôi tôi ăn học, nhưng tôi cương quyết không chấp nhận bởi vì thời gian này, mẹ tôi bắt đầu có nhiều cơn đau ở vùng bụng. Hơn nữa, suốt gần hai mươi năm kết hôn và sống cùng ba tôi, mặc dù cuộc sống phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng ba tôi chưa từng để mẹ phải vất vả mưu sinh nơi hè phố. Vậy thì có lý nào giờ đây, khi ông vừa ra đi, tôi lại để cho điều đó xảy ra? Một thời gian ngắn được đếm bằng ngày, họ cũng buông tay với chúng tôi khi nhận ra rằng sự cưu mang này không có lợi. Tin tưởng và chạy theo những hứa hẹn khiến chúng tôi cạn kiệt, tôi ngộ ra rằng không có cách nào khả dĩ hơn là tự làm chủ vận mệnh của mình. Nếu không biết cách vượt qua những hứa hẹn, nó sẽ dẫn chúng tôi đi vào con đường không lối ra.

Không còn tiền để thuê nhà trọ, tôi lẳng lặng đi xin việc làm. Căng mắt tìm những cái bảng nhỏ tuyển nhân viên dán trước mỗi hàng quán đã làm tôi ám ảnh đến mức mãi đến sau này khi cuộc sống đã sang một trang khác sáng sủa hơn, thì mỗi khi đi ngang qua một nơi nào có dán dòng thông báo như thế tôi đều ngoái đầu lại nhìn một cách vô thức. Tôi đã xin được việc trong một cửa tiệm bán quần áo lớn nhất nhì tại quận 12.

Một buổi chiều muộn, tôi và mẹ đón chuyến xe bus vắng người để đưa tôi đến chỗ làm. Mẹ tôi cũng đã xin vào làm tạp vụ cho một khách sạn cùng quận. Làm việc và ăn ở tại đó là cách duy nhất cứu lấy mẹ con tôi khi tiền trong túi đã vơi dần đến cạn kiệt. Sau khi mua vé xe bus, số tiền còn lại chỉ vỏn vẹn mười lăm ngàn đồng, mẹ đưa tôi mười ngàn, còn mẹ giữ lại năm ngàn. Tôi xuống xe mà cảm nhận được mẹ đang lặng người nhìn theo dáng tôi, có lẽ đôi mắt đã ầng ậc nước. Cuộc chia ly không quá xa nhưng là lần đầu tiên tôi chập chững bước ra đời nên nghe đắng cay bội phần. Khi đặt chân vào Sài thành, tôi không còn nhiều tâm trí để nghĩ về những thứ vừa đi qua cuộc đời mình nữa, chỉ đến khi bắt đầu lăn vào cuộc sống mưu sinh thật sự, tôi mới bắt đầu cảm thấy phần tiềm thức trong tôi như tỉnh giấc. Tôi từng tủi thân đến ứa nước mắt khi nhìn thấy con gái của chủ tiệm ăn một bữa cơm với đầy ắp thịt cá. Tôi nhớ lại hình ảnh của mình trước đây và nhìn lại bát cơm trên tay, chỉ có vài miếng thịt mỡ cùng ít rau luộc nhưng sao tôi thấy đáng quý đến thế! Trong những giấc mơ, ký ức về quá khứ vẫn khiến tôi giật mình giữa đêm rồi âm thầm bật khóc.

❉❉❉

Những chị em đồng nghiệp cùng là nhân viên bán hàng như tôi có rất nhiều mánh khoé. Chúng tôi được đánh giá năng lực dựa trên doanh số bán ra, điều đó quyết định ai xứng đáng được tiếp tục làm việc và ai phải ra đi. Họ có nhiều cách để giành giật những món hàng mà tôi bán được, có lẽ họ làm lâu hơn tôi, cũng có lẽ tôi không phải là người thích dùng sự cướp đoạt để đấu tranh với cuộc đời đầy khắc nghiệt này. Cả ngày, chúng tôi luân phiên thay nhau bán hàng. Khi khách của tôi gật đầu mua hàng, những chị làm cùng thường xông tới giật món hàng trên tay tôi. Họ đã giật phăng nó khỏi tôi nhưng trên môi vẫn nở một nụ cười cất giọng đều đều ngọt lịm: “Em ra bán tiếp đi, để chị tính tiền giúp cho”. Tôi đứng trân trân nhìn họ cướp đi công sức của mình mà không biết làm gì để phản kháng.Tôi vẫn còn nhớ, khi chỉ còn hơn hai mươi phút nữa là đến giờ đóng cửa, một cặp tình nhân bước vào xem đồ, tôi thỏ thẻ năn nỉ họ: “Anh chị hãy mua một món giúp em đi, nếu không, em sẽ bị đuổi việc ạ…” Đáp lại lời van lơn của tôi là tiếng cười phá lên của họ, họ nhìn tôi khinh khỉnh rồi đi thẳng. Tôi không nghĩ là họ vô cảm, chỉ là họ đã sống quá lâu ở cái đất Sài thành rộng lớn này, mảnh đất buộc con người phải đề phòng mọi sự đáng thương, bởi ai biết được đằng sau đó là gì?

Khi có khách đến mua hàng vào giờ sắp ăn trưa, các chị đều đẩy cho tôi bán dù đang là lượt của họ. Họ sẽ ăn cơm trước và chừa lại cho tôi khi thì một ít cá chỉ còn mỗi đầu, khi thì một miếng sườn bị gặm hết thịt chỉ còn xương cùng một bát canh trơ đáy.

Những tủi thân và nỗi nhớ cha mẹ khiến tôi nhiều lần trào nghẹn nước mắt nơi cuối nhà kho. Ông chủ cảm thấy khó chịu nên đề nghị tôi thôi việc. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác nghẹn ngào khi nghe tin mình bị đuổi, tôi nấc không kiểm soát được và tưởng chừng như sự uất nghẹn đó đã dâng đến đỉnh điểm. Tôi mong được tiếp tục làm việc chỉ để có chỗ ở và cơm ăn hàng ngày. Tại thời điểm đó, nhiều lao động chưa đủ tuổi vị thành niên là nạn nhân của những vụ bóc lột và hành hạ. Vì thế, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành rà soát kỹ càng nguồn lao động phổ thông trên địa bàn. Lấy lý do không muốn vướng vào những rắc rối như vậy, ông bà chủ cương quyết không thuê tôi nữa.

Xách chiếc giỏ đựng quần áo, tôi tìm đến chỗ mẹ làm việc mà không dám vào. Mẹ tôi như có linh cảm nên đã chạy ra. Đêm hôm đó, mẹ xin cho tôi ngủ lại cùng mẹ. Được mẹ ôm vào lòng sau bao ngày, tôi mới có một giấc ngủ ngon không mộng mị. Sáng hôm sau, tôi xin vào làm ở một tiệm bán phở đối diện với nơi mẹ làm việc. Mẹ không muốn xa tôi nữa, vì vậy làm việc ở một nơi mà mẹ có thể nhìn thấy tôi mỗi ngày là sự lựa chọn tốt nhất. Nhiệm vụ của tôi là rửa chén bát. Những chiếc tô to được chất thành nhiều hàng, ngổn ngang trong những chiếc thau cỡ đại. Tôi phải rửa với tốc độ nhanh nhất có thể nhưng phải đảm bảo độ sạch để phục vụ các thực khách luôn tấp nập tại đây. Công việc của tôi bắt đầu từ năm giờ sáng và kết thúc lúc một giờ chiều. Sau khi ăn vội một bát cơm ngay tại nơi làm việc, tôi chạy đến trường để bắt đầu buổi học và quay lại tiếp tục làm ca cuối khi thành phố đã lên đèn.

Khi những thực khách cuối cùng rời khỏi quán, tôi rửa nốt dụng cụ làm bếp và tất cả mọi thứ lem nhem còn sót lại, đồng hồ điểm mười hai rưỡi đêm. Dọn bớt bàn ghế vào một góc, tôi ngả lưng trên những tờ báo, gối đầu bằng chiếc giỏ đựng quần áo của mình và đắp bằng một chiếc chăn mỏng. Sàn nhà ở đây vẫn là sàn đất chưa được lót gạch hay tráng xi măng, giữa đêm hơi đất thốc lên khiến tôi lạnh cóng. Tiếng những con chuột hư hỏng chạy xung quanh giành nhau miếng xương còn sót trong hốc bàn cứ lích rích cả đêm. Mỗi sáng, ánh bình minh he hé rọi vào góc tôi nằm, soi rõ những con gián vô tình chạy lổn nhổn trên mặt trong lúc tôi ngủ say, đánh thức tôi bước vào một ngày mới.

Được hơn một tháng, đôi tay nhỏ bé với những ngón tay thon dài của tôi bắt đầu bị lở loét bởi nước xà phòng. Tôi không thể đeo găng tay bởi điều đó sẽ khiến cho tốc độ giảm đi và kiểu gì cũng phải lắng nghe những lời khá nặng nề từ bà chủ. Thỉnh thoảng nhớ mẹ, tôi lén lút sang nơi bà làm việc, thậm thụt đứng bên ngoài chờ cho người quản lý ra về để chạy vào ngủ với mẹ một đêm. Và cũng để được đưa tôi vào ngủ cùng, mẹ đã nhường luôn phần tiền thưởng doanh thu cuối ngày cho người làm cùng, mọi việc nặng nhọc đều tranh làm nhằm lấy lòng họ, để họ không báo lại với quản lý. Đôi tay mẹ cũng nổi lên những vết chai sần do cầm chổi, da tay bong tróc vì các loại nước tẩy rửa. Nhiều lần quỳ xuống nhặt những chiếc bao cao su đã được dùng và vứt lung tung trong phòng, mẹ đã bật khóc. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, dù chỉ là một đêm được ngủ cùng với nhau trên chiếc đệm mỏng nơi nhà kho.

Tôi luôn giấu mẹ những uất ức mà mình đã phải chịu đựng khi đi học. Là một nữ sinh tỉnh lẻ vào đất Sài thành rộng lớn để bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, tôi thu mình lại, bơ vơ trước mọi thứ. Nhiều nam sinh trong và ngoài trường dành sự quan tâm đến tôi, nhưng tôi vẫn lặng lẽ đi, lặng lẽ về bởi tôi không có tâm trí cho việc gì khác. Những nữ sinh học cùng tôi lại cảm thấy chướng mắt với sự lầm lũi đó. Vài lần bị đón đường và nhận những cái tát tai vô cớ từ những nữ sinh có bè phái trong trường, tôi vẫn âm thầm chịu đựng không phản kháng. Chỉ một vài cái tát, tôi chịu được, không nên gây gổ vì tôi vẫn cần được đến trường. Vậy mà mọi chuyện không dừng lại ở đó, cuộc đời này có lẽ luôn muốn đẩy mọi thứ đi quá giới hạn để thử thách con người. Một buổi tan học, Thùy cùng một đám nữ sinh mặt đằng đằng sát khí lao đến túm tóc tôi, kéo xềnh xệch vào phòng vệ sinh nữ. Thùy học cùng lớp với tôi và là một đàn chị trong trường, ai cũng nể sợ. Trung tâm giáo dục thường xuyên luôn là ngôi trường đáng sợ với những đứa như tôi và Thùy đã cho tôi thấy nó đáng sợ đến như thế nào.

Dồn tôi vào chân tường, Thùy vung tay tát tôi liên tiếp nhiều cái rồi hất hàm: “Con đĩ! Mày dám gây sự chú ý với thằng Hùng bồ tao. Nó đòi bỏ tao rồi đó, mày vừa lòng chưa? Con đĩ lẳng lơ này, tao đánh cho mày chết!”

Nói dứt lời Thùy lao vào đấm đá tôi túi bụi, cả nhóm của Thùy cũng lao vào. Những cái tát vào mặt, những cú giật tóc đau điếng người, chúng đá vào ngực, vào bụng tôi, xen vào đó là tiếng nói văng vẳng. “Đánh đi, đánh chết mẹ nó đi! Ma mới mà láo hả mày!”

Dù cố gắng thét lên rằng tôi không làm gì cả, tôi không biết Hùng nào cả nhưng chúng vẫn không buông tha cho tôi. Trong cơn say máu, Thùy lôi tôi đi một đoạn rồi đập đầu tôi vào bồn cầu, nhấn tôi vào đó. Tôi sặc sụa bởi thứ nước dơ bẩn kia còn chúng thì cười sằng sặc, vỗ tay ầm ĩ. Bất chợt, Thùy giật tung cúc áo dài của tôi, một đứa rú lên khoái trá rồi rút điện thoại ra chụp hình liên tục.

“Quay phim đi, quay phim đưa lên mạng đi tụi bây!”

Tai tôi ù đi, đầu óc quay cuồng, tay nắm chặt lại thành nắm đấm. Tôi chồm lên, vật Thùy xuống sàn, bị bất ngờ, Thùy thét lên một tiếng lạc giọng. Cả bọn lập tức xông vào giải vây. Mắt tôi long lên sòng sọc, nước mắt, nước mũi và cả nước dãi vẫn tèm lem khắp khuôn mặt, trông tôi có lẽ không khác một con chó dại là mấy! Túm lấy một đứa trong số đó, tôi giằng lấy chiếc điện thoại mà nó cầm trên tay để ghi hình, đập mạnh xuống đất. Chiếc điện thoại vỡ tan tành. Cả bọn bắt đầu hoảng sợ. Thùy lồm cồm bò dậy định túm tóc tôi nhưng bất ngờ tôi lại xoay người đạp cho Thùy một cú vào bụng, ngã dúi dụi về phía sau, bồi thêm một cú đá cho đứa đang muốn đập cái ghế nhựa lên đầu tôi. Cả bọn lùi lại, tám đôi mắt dán chặt vào tôi vừa đề phòng vừa ngạc nhiên tột cùng và pha lẫn sự sợ hãi. Nhặt chiếc thẻ nhớ điện thoại, vơ lấy cặp sách và mặc áo khoác vào người, tôi lừ mắt gằn từng tiếng: “Từ bây giờ, tao… đ**… nhịn… nữa!”

Tôi về và vẫn làm việc như bình thường nhưng tối hôm đó, tôi không sang tìm mẹ. Dường như có linh cảm nên mẹ sang đứng đợi tôi trước cửa, nhìn thấy mặt mũi, mình mẩy tôi thâm tím, sưng húp, bà khóc không thành tiếng.

Sau trận ẩu đả hôm đó, tôi nghỉ học. Tôi biết Thùy sẽ không tha cho tôi, nó có nhiều mối quan hệ quen biết với du đãng ngoài trường, tôi không muốn thêm rắc rối. Tìm một trường khác, tôi lại tiếp tục những ngày lầm lũi của mình.

Bằng mọi giá, tôi phải vào đại học.

Vài tháng sau, tiệm phở sang lại cho một người chủ khác mở quán cà phê và các loại đồ uống. Tôi vẫn ở lại làm việc cho chủ mới. Người chủ mới là một cô gái còn khá trẻ, luôn son phấn và ăn vận rất hở hang. Cô chủ cho tôi lên làm nhân viên phục vụ, ép tôi ngồi nói chuyện với khách đến uống cà phê để đổi lấy vài nghìn đồng tiền boa. Những người khách đa phần là đàn ông, họ nhìn tôi với cái nhìn nhe nhởn, đầy thèm khát. Họ luôn tìm cách động tay động chân mỗi khi tôi bê nước ra. Cô chủ tỏ thái độ bực dọc khi tôi mặc những chiếc áo sơ mi trắng và váy xanh học trò. Cô ta muốn tôi thay sang những chiếc áo dây và váy ngắn giống như cô nhưng tôi một mực lắc đầu từ chối. Tôi chỉ mặc những cái áo sơ mi trắng mà trước khi vào Sài Gòn mẹ may cho để đến trường. Đêm nào cô chủ cũng mang rất nhiều bạn bè về tổ chức uống rượu và đánh bạc tại quán sau khi đóng cửa. Những người đàn ông nồng nặc hơi men đi ngang qua chỗ tôi nằm và nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Hoảng sợ, giữa đêm, tôi chạy sang gọi cửa mẹ…

❉❉❉

Khi những con én từ đâu đó bay về, tôi biết mùa xuân đang dần bước đến. Đêm ba mươi Tết năm đó, sau khi dọn dẹp xong xuôi, tôi chạy sang với mẹ. Mẹ con tôi chia nhau một chiếc bánh bông lan lá dứa mà lâu rồi chúng tôi chưa được ăn. Lúc đó, tôi đã rất nhớ ba, nhớ những mùa xuân mà chúng tôi có ông, nhớ những cây mai ngoài sân he hé nở, ba mặc bộ quần áo mẹ mới may và tươi cười với tôi. Nhưng có lẽ trong kiếp này, chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi hương vị của một cái Tết như thế, mọi thứ chỉ còn là dư vị của những ký ức khó mờ phai. Ngay sau Tết, không còn chịu đựng nổi sự phức tạp của nơi này, tôi và mẹ lại dắt nhau rong ruổi trên những chuyến xe bus nồng nặc hơi người để tiếp tục dõi mắt tìm những chiếc bảng tuyển dụng.

May mắn, chúng tôi xin được vào làm cho một gia đình rất khá giả. Mẹ tôi làm bảo mẫu cho con út một tuổi của gia chủ, còn tôi phụ việc trong công ty kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình này. Chỉ cần được ở cùng với nhau thì đối với mẹ con tôi đó là công việc tuyệt vời nhất. Những đêm hàng về, tôi thức cùng các anh chị trong công ty đón hàng, kiểm hàng đến rạng sáng. Tôi luôn cố gắng làm việc thật chăm chỉ để trả cái ơn mà gia chủ đã nhận cả hai mẹ con tôi. Khách đến mua lẻ xi măng, gạch, đá ốp, tôi xông xáo kéo từng bao xi măng ra xe cho khách, phụ xếp từng chồng gạch cho đến khi đầy chiếc xe tải nhỏ để lái xe đi giao hàng. Dần dà, đôi tay tôi trở nên gân guốc, nổi những nốt mưng mủ. Nhìn thấy sự tận tụỵ ấy, ông chủ đã cất nhắc cho tôi đi theo các nhân viên kinh doanh chính thức của công ty ra hội chợ thương mại để vừa phụ việc sắp xếp hàng hoá vừa học hỏi thêm. Mỗi khi màn đêm buông xuống, thành phố lên đèn đầy diễm lệ, tôi lại lặng lẽ đứng ở sân thượng. Vì ngôi nhà ở khá gần phi trường nên tôi có thể nhìn thấy những chiếc máy bay liên tục cất và hạ cánh. Trong lòng tôi thầm nghĩ, rồi sẽ có một ngày tôi được ở trên những chuyến bay đó để bay đi khắp mọi nơi…

❉❉❉

Gần một năm kể từ ngày tôi đặt chân vào Sài Gòn, sức khoẻ của mẹ tôi có dấu hiệu đi xuống rõ rệt, những cơn đau ở ổ bụng dồn dập và dữ dội hơn. Mẹ gầy yếu và xanh xao. Nhiều khi, chúng tôi nhìn vào mắt nhau rồi đeo đuổi những suy nghĩ riêng, chỉ biết rằng, có lẽ cả tôi và mẹ đều cố kìm giữ những giọt lệ chực trào. Khi đã tích cóp đủ tiền để có thể thuê nhà trọ, tôi khuyên mẹ thôi việc. Chúng tôi trở lại quận 12 để thuê một căn nhà, thật ra nó là một cái ban công nhỏ với bề ngang chưa đến hai mét được ngăn ra bằng một miếng ván ép. Có những đêm, gió lùa vào khiến tôi ho sặc sụa, mẹ trở mình dậy lấy hết quần áo treo lên để che chắn. Khi trời mưa to, chúng tôi ôm nhau nằm nép sát vào vách cho đỡ ướt.

Cảm thấy mình đã trưởng thành hơn, tôi quay trở lại cửa tiệm quần áo trước kia để xin vào làm việc Ban đầu, các chị trước đây vẫn xem thường tôi nên không hề có sự đề phòng, chính điều đó khiến tôi dễ dàng quan sát và tìm ra những điểm yếu của họ, lần lượt từng người bị thôi việc trong bàng hoàng. Tôi nhanh chóng trở thành một trong những nhân viên trụ cột của cửa hàng. Tôi cố gắng làm thêm giờ bất cứ khi nào có thể để kiếm thêm tiền thang thuốc cho mẹ. Sự chăm chỉ và đôi mắt tinh tế của tôi khiến bà chủ tin tưởng đưa tôi theo cùng trong những chuyến lấy hàng. Mẹ tôi uống quá nhiều thuốc trụ sinh(1) nên cần được bổ sung thêm các loại vitamin nhưng tôi lại không có đủ tiền để mua nhiều loại trái cây tươi ngon. Mỗi đêm đi làm về, tôi thường ghé vào hàng trái cây, đợi họ dọn hàng đóng cửa, tôi mới dám ngỏ lời hỏi xin những trái đã bị hỏng một nửa hoặc có dấu hiệu dập ủng. Về nhà, tôi cắt gọt loại bỏ phần hư để có một đĩa trái cây tươm tất. Hôm nào trong bữa cơm mà có một cái đùi gà, mẹ đều bảo đã ăn no rồi để nhường hết cho tôi. Thiếu thốn là thế nhưng tôi vẫn luôn giữ trong lòng niềm hy vọng bởi tôi tin vào bản thân mình.

Những dự tính trong tương lai đưa tôi vào giấc ngủ với những giấc mơ tươi đẹp. Niềm tin được nuôi dưỡng đã đưa tôi qua những nhọc nhằn…

❉❉❉

Một ngày, tôi đưa mẹ đến bệnh viện, kết quả siêu âm cho thấy mẹ có một khối u rất lớn ở ổ bụng. Sau khi hội chẩn, bác sĩ yêu cầu tôi tiến hành các thủ tục nhập viện càng sớm càng tốt.

Vét những đồng tiền cuối cùng cộng với tiền lương ứng thêm cũng không đủ một phần mười chi phí phẫu thuật. Tôi hoang mang tột cùng. Chi phí thuốc thang ngày càng nhiều, tôi làm ngày làm đêm cũng không đủ trang trải. Tồi tệ hơn là tôi bỗng dưng ngã bệnh, cơn sốt bốn mươi độ khiến tôi mê man không biết gì hơn ba ngày trời. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mẹ với gương mặt mệt mỏi đang ngồi bên cạnh săn sóc cho tôi. Lấy hết sức lực còn sót lại, tôi vùng dậy rửa mặt và thay đồ để đi làm vì lo sợ nghỉ quá lâu sẽ khiến mình mất việc. Tôi tranh thủ làm thêm giờ để kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Dù vậy nhưng khó khăn chưa bao giờ buông tha, sự cố gắng của tôi vẫn không bù đắp nổi chi phí thuốc men khi vật giá ngày một tăng. Tôi không ăn sáng để tiết kiệm. Buổi trưa, tôi nói dối mẹ là được ăn ở chỗ làm để mẹ đừng nhường cơm cho tôi nữa. Uống nước lọc cầm hơi, tôi đợi đến tối về ăn luôn một bữa. Cầm cự chẳng được bao lâu với cách sinh hoạt đó, tôi đói hoa mắt, cơn đói như những con quỷ ám lấy tứ chi, uống nước chỉ có thể làm nó biến đi trong giây lát. Nhìn thấy bé Phương, con gái của bà chủ ăn một hộp mì xào vào xế chiều, tôi thèm lắm, ước giá mà có cái gì bỏ bụng lúc này. Giở tập tiền lẻ trong túi ra nhìn rồi cuộn lại gọn gàng, tiền này để mua thuốc cho mẹ. Bé Phương đứng dậy, vặn mình vài vòng rồi ợ hơi thành tiếng, con bé đóng hộp mì còn phân nửa rồi bỏ vào túi nilong, vứt vô sọt rác cạnh cửa ra vào. Rón rén đi đến, nhìn quanh không thấy ai, tôi nhặt chiếc túi nilong lên và mở hộp ra, mùi thức ăn làm bụng tôi reo lên đừng đợt.

Tôi đã ăn hộp mì đó. Hộp mì nhặt trong thùng rác!

Tôi đã ngấu nghiến nó như ngấu nghiến chính những khổ sở trong lòng, ngấu nghiến sự nhọc nhằn, ngấu nghiến để tôi mãi mãi phải ghi nhớ rằng mình đã từng có một quãng đời như thế, để phải cố gắng nhiều hơn nữa để thoát ra được bế tắc này, bằng-mọi-giá! Đôi mắt tôi ầng ậc nước, cổ họng nghẹn đắng.

Tôi không biết hành động của mình hôm đó có bị ai nhìn thấy hay không nhưng ngay hôm sau, ông bà chủ gọi tôi lên và nói sẽ hỗ trợ tôi những bữa cơm không có trong thoả thuận, cô chú ăn gì tôi được ăn cái đó. Có phải trải qua cơn cùng khổ thì mới thấu hiểu được sự quý giá của những bữa cơm, sự đáng trân trọng của tình người giữa chốn phố thị.

Một ngày túng thiếu vì chưa được lĩnh lương, tôi không biết xoay ở đâu để mua thuốc cho mẹ, cách khu ổ chuột nơi tôi đang sống vài bước chân là hệ thống nhà hàng đồ sộ nhất nhì khu vực mà chủ nhân là cậu Năm của tôi. Đã từ lâu, tôi không bước chân đến đó. Mỗi khi họ hàng tiệc tùng họp mặt với nhau, mẹ con tôi đều đứng ngoài nhìn vào rồi lặng lẽ đi về, bởi vì không một ai có ý định mời chúng tôi. Vì những cơn đau đang hành hạ mẹ, tôi sẵn sàng bỏ qua lòng tự trọng để đến hỏi vay cậu tôi hai trăm nghìn đồng. Đáp lại sự khép nép đến tội nghiệp của tôi là ánh mắt lạnh lùng và cái lắc đầu vô cảm. Tôi vẫn đứng đó, giữa cái nắng trưa của Sài Gòn, giữa ánh mắt dò xét của rất đông nhân viên có mặt tại nhà hàng, cậu tôi bận chăm sóc cho chú gà chọi với bộ lông bóng mượt. Cậu phẩy tay lấy một trăm nghìn đồng trong túi để bảo nhân viên đi mua thịt bò tươi cho chú gà tẩm bổ vì hôm nay nó không được khoẻ.

❉❉❉

Mẹ tôi đã chuyển sang giai đoạn chớm ung thư. Nuốt nước mắt vào lòng, tôi trở về, vẫn văng vẳng bên tai lời cậu nói: “Mẹ mày chỉ giả bệnh”. Tôi cười chua chát ngước nhìn bầu trời thật cao và trong xanh. Nếu tôi còn nghèo, tôi không có quyền khóc, không có quyền đau buồn, và mẹ tôi sẽ không có quyền được sống…

Tạt vào bốt điện thoại công cộng, tôi vét nốt những đồng tiền cuối cùng để gọi một cuộc điện thoại cho ông Hồng Cơ, một triệu phú gốc Đài Loan với chuỗi khách sạn, nhà hàng khá có tiếng tại khu vực quận 5. Tôi gặp ông trong hội chợ thương mại Viet- Build khi ông và trợ lý đến chọn lựa vật liệu cho khách sạn đang xây dựng. Ông đã trao danh thiếp cho tôi cùng với lời nhắn nhủ hãy gọi cho ông khi cần sự giúp đỡ. Cũng đã lâu kể từ ngày tôi rời khỏi công ty Vật liệu xây dựng đó, tôi cũng chưa từng một lần gọi cho ông, vậy mà vừa nghe thấy giọng tôi, ông ấy đã lập tức nhận ra. Chúng tôi gặp nhau ngay buổi chiều hôm đó. Lắng nghe câu chuyện và nguyện vọng của tôi, ông ấy ra chiều trầm ngâm rồi hỏi han tuổi tác của tôi. Sau một quãng thời gian cùng im lặng, ông Cơ lên tiếng đề nghị tôi hãy làm “thiếp” của ông ấy, đổi lại, tôi sẽ có được một khoản tiền mặt để chăm lo cho mẹ, một ngôi nhà để sinh sống và tiền chu cấp mỗi tháng. Tôi có thể suy nghĩ rồi trả lời vào hôm sau.

Tôi thẫn thờ, mọi âm thanh xung quanh như rơi vào một tần số khác, mọi suy nghĩ trong tôi bị tê liệt. Mãi đến khi người nhân viên phục vụ vỗ vào vai, tôi mới giật mình trở lại thực tại. Ông Cơ đã ra về để lại tiền thanh toán đồ uống và một mẩu giấy ghi địa chỉ của ông ấy để tôi có thể đến sau khi suy nghĩ xong. Tôi không bắt xe bus mà đi bộ từng bước lạc lõng trên quãng đường dài hơn ba kilômét để về nhà. Tôi giật mình đứng trước cửa nhà khi nào không biết. Một người chưa từng biết thế nào là yêu, thế nào là những rung động thật sự, giờ đây lại phải lựa chọn làm vợ lẽ cho một người đàn ông đáng tuổi ba tôi, liệu đó có phải là nghiệp chướng hay không? Bất giác, tôi bật cười, nụ cười chan đầy nỗi xấu hổ và cay đắng. Cuộc đời không đẩy ai vào bước đường cùng, chỉ có con người tự đẩy nhau vào ngõ cụt. Tôi sẽ thoát ra, nhưng bằng cách nào đây? Tôi đã từng được dạy rằng trên đời này thứ quan trọng nhất không phải là tiền bởi vì tiền không mua được hạnh phúc. Nhưng giờ đây, tôi cần nó để giữ lấy sinh mạng cho người thân và hạnh phúc của tôi chính là người thân duy nhất còn lại trên cõi đời này. Lòng tự trọng và sự thanh cao của một người con gái, liệu tôi có thể đánh đổi sự sống của mẹ tôi để giữ rịt lấy những thứ viển vông đó?

Tôi trở về căn ban công nơi mẹ vẫn đợi tôi mỗi khi đêm xuống. Tôi và mẹ ăn chung bát hủ tiếu trộn với cơm nguội đã trương phềnh vì để quá lâu nhưng tôi vẫn thấy nó thật ngon. Với khoản tiền mà ông ấy hứa hẹn, mẹ sẽ được phẫu thuật, tôi sẽ mua một cái bếp, nồi niêu và chén đũa để nấu cơm cho mẹ ăn thay cho những hộp cơm mà hàng ngày mẹ xếp hàng mua ở tiệm cơm từ thiện. Tôi sẽ mua cho mẹ vài bộ quần áo mới thay thế những cái áo đang vá chằng chịt kia, sẽ có một ngôi nhà để tôi và mẹ không còn sợ trời mưa, trời nắng nữa. Tôi sẽ…

Suốt đêm hôm đó, nước mắt tôi tuôn trào ướt một bên gối, cố gắng nén xuống để không bật thành tiếng. Tương lai của tôi có lẽ sẽ khép lại với một kiếp vợ lẽ ở tuổi mười lăm…

Sáng hôm sau, tôi vẫn thay đồ ra khỏi nhà như mọi ngày. Mẹ chau mày hỏi tôi có phải trong lòng đang có chuyện gì không. Có lẽ đó là linh cảm của một người mẹ. Tôi nói không có gì và đi ra khỏi nhà như chạy trốn đôi mắt kia. Tôi e sợ nếu bước đi chậm trễ chỉ vài giây thôi, mẹ sẽ nhìn thấy những suy nghĩ của mình. Điều đó khiến tôi hổ thẹn. Tôi không đến chỗ làm mà đón xe bus đến địa chỉ của ông Cơ. Chọn một ghế ở cuối xe, nơi ít bị để ý nhất, tôi ngồi đó, để rồi nước mắt cứ rớt xuống không ngừng.

Như đoán biết được tôi sẽ đến, ông ấy ra đón và bảo đã đợi tôi từ sáng. Một người phụ nữ cũng đã luống tuổi, mặc đồ Tàu bước ra nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nhìn ông Cơ ra chiều gật gù.

Ông ấy nói với tôi hãy vào phòng và cởi quần áo ra cho bà ấy kiểm tra. Tôi như một con rối vô hồn, bà ấy đẩy tôi vào phòng và bắt đầu soi xét. Bất chợt, tôi cảm thấy có một điều gì đó đang trào lên trong mình. Sự ê chề, nhục nhã khiến tôi như đông cứng lại. Tôi giữ rịt lấy hàng cúc áo sơ mi của mình rồi bật khóc thành tiếng. Tôi lùi lại như một sự chống cự yếu ớt với người phụ nữ kia. Bà ấy chau mày nhìn tôi rồi bỏ ra ngoài gọi ông Cơ vào. Ông ấy bước vào với một khuôn mặt không mấy dễ chịu và gằn từng tiếng: “Em không muốn?”

Tôi vừa khóc vừa liên tục gật đầu, sự thống khổ hằn lên từng centimét trên khuôn mặt. Ông Cơ hất tay ra hiệu để người phụ nữ kia tống tôi ra khỏi phòng. Bà ấy lôi tôi xềnh xệch như người ta lôi một bao rác với những thứ không còn sử dụng được nữa. Đẩy tôi ra khỏi cổng, bà ấy không quên ném về phía tôi một ánh mắt đầy khinh bỉ. Tôi vừa đánh mất cơ hội phẫu thuật cho mẹ, đánh mất những bữa cơm khá hơn, đánh mất cả những bộ quần áo lành lặn và một ngôi nhà không bị nắng chiếu vào ban ngày, cơn mưa làm ướt sũng cả mền hay những cơn gió lùa lạnh buốt giữa đêm. Một tiếng sấm gầm vang và tia chớp xé toạc cả bầu trời kéo theo cơn mưa ập tới. Những cơn mưa bất chợt như trút nước của Sài Gòn đang muốn nhấn chìm tôi trong tiếng lòng. Vừa đi tôi vừa khóc. Tôi đã vừa là một đứa con bất hiếu. Tôi không vứt bỏ được sự tự trọng “rởm đời” mà một kẻ nghèo hèn như tôi không được phép mang để có được cuộc sống tốt hơn cho mẹ. Người qua đường ngoái lại nhìn tôi bằng những ánh mắt thương cảm hay tò mò tôi cũng không biết, mà cũng chẳng muốn biết nữa.

Một chiếc ô tô trờ tới, thắng gấp làm tôi giật mình. Kính xe hạ xuống, ngồi trong xe là ông Cơ, vẫn giữ nguyên thái độ lạnh lùng, ông ấy ném ra cho tôi một chiếc áo mưa và xấp tiền. Chiếc xe mất hút trong làn mưa, ông ấy không nói gì với tôi mà cũng không để cho tôi nói lời nào. Trở về nhà trong bộ dạng ướt sũng và thất thần, mẹ tôi lo lắng hỏi han nhưng tôi chỉ im lặng. Tối hôm đó, tôi đưa mẹ đi mua bếp ga, chén đũa và nồi niêu để có thể tự nấu cơm ở nhà, mua thêm thuốc giảm đau và một vài bộ quần áo. Mẹ tôi cứ gặng hỏi mãi tiền ở đâu ra, tôi chỉ trả lời rằng mình ứng được lương vì việc kinh doanh khá tốt.

Kể từ đó, tôi không còn gặp lại ông Cơ thêm một lần nào nữa. Nhiều năm sau, tôi có trở lại tìm để gửi lại số tiền mà năm xưa ông ấy đã chìa tay ra với tôi trong một buổi chiều mưa, cũng như nói một câu cảm ơn. Nhưng người ta nói ông ấy đã bán tất cả mọi thứ ở Việt Nam để trở về Đài Loan rồi. Có người thì nói ông ấy chết trong một tai nạn, và vợ con từ xứ Đài đã sang đây thanh lý tài sản rồi đưa ông về quê nhà an táng. Người thì nói ông ấy cưới một cô gái trẻ rồi cả hai cùng đến Mỹ sinh sống. Tôi không biết thực hư ra sao, nhưng dù ngay từ đầu ông Cơ đối với tôi như thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn biết ơn ông ấy.

❉❉❉

Trong những lần đi lấy hàng cùng bà chủ, tôi manh nha tìm hiểu được những nguồn hàng siêu lợi nhuận từ khu chợ biên giới. Tôi định bụng sẽ đi đến đó một chuyến xem xét, tìm cơ hội cho bản thân mình. Cậu Út có đến thăm mẹ con tôi và xác thực với cậu Tư về tình hình bệnh tật của mẹ. Chúng tôi vỡ lẽ ra rằng, suốt thời gian qua, cậu Tư vẫn luôn lo lắng cho mẹ con tôi, chỉ là cậu không ra mặt. Những khoản tiền mà cậu gửi cho chúng tôi, nhưng vì nhiều lý do mà chúng tôi chưa bao giờ nhận được. Mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu trong cơn sốt cao và tình hình sức khoẻ chuyển biến xấu. Tôi chạy đi làm thủ tục, bác sĩ gấp rút đẩy bà vào phòng mổ vì khối u đã vỡ ra. Hai tay cầm đồ đạc, tôi nặng nhọc chạy nhanh về phía phòng phẫu thuật đang khép cửa lại nhưng không kịp.

Tôi ngồi một mình trước phòng mổ, kim đồng hồ nhích dần chỉ mười hai giờ đêm. Không một ai đến. Một người anh họ của tôi leo qua hàng rào bệnh viện, dúi vào tay tôi hai hộp nước yến rồi lại chạy đi vì phải làm ca đêm. Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn ba giờ đồng hồ. Tôi ngủ gật trên băng ghế trước phòng mổ. Trong giấc mơ, tôi thấy ba về ngồi cạnh mình, ông im lặng như chờ đợi. Tôi giật mình tỉnh giấc, đồng hồ chỉ ba giờ năm phút sáng. Cánh cửa phòng mổ bật mở, bác sĩ đi ra nhìn tôi mỉm cười như báo hiệu cuộc phẫu thuật đã thành công. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Những ngày chăm sóc mẹ tại bệnh viện, nhìn những đau đớn hậu phẫu của mẹ, những ống truyền dịch chằng chịt, ống bài tiết dẫn từ ổ bụng vào một túi treo bên cạnh giường thỉnh thoảng bị trào ngược vì đầy hoặc vì mẹ tôi trở mình nằm nghiêng, tôi chạy khắp nơi gọi bác sĩ nhưng phải rất lâu sau nhiều lần thúc giục, họ mới xuống kiểm tra và thay túi mới. Việc tiêm thuốc cho mẹ tôi đều được sinh viên thực tập thực hiện, họ bắt ven không chuẩn làm vỡ ven, chảy máu và gây đau đớn cho mẹ. Nhiều đêm mệt lả, tôi lót báo nằm ngoài hành lang. Thỉnh thoảng, tôi nằm mơ thấy ba và mẹ nắm tay tôi đi qua một rừng hoa rất đẹp, những cánh bướm dập dìu bay, họ cười với tôi. Giật mình bừng tỉnh, những cánh bướm bay đâu mất, những nụ cười cũng vụt tắt để lại tiếng băng ca xổn xoảng và tiếng còi xe cấp cứu não nề kéo dài bất tận giữa màn đêm tĩnh mịch…

❉❉❉

Sau cơn thập tử nhất sinh của mẹ, chúng tôi có được một căn nhà, hay nói chính xác hơn thì đó là một căn phòng rộng khoảng hai mươi mét vuông trong một con hẻm sâu cách xa thành phố được các cậu mua cho. Tôi không mảy may xúc động, ngược lại, vì cám cảnh đồng tiền, tôi đã trở nên lì lợm từ lúc nào không biết. Tôi muốn làm chủ cuộc đời, làm chủ vận mệnh mình chứ không phải đợi chờ mòn mỏi một tác động từ bên ngoài nào đó thì mẹ tôi mới được sống.

❉❉❉

Tôi rất mê hát. Tôi cất tiếng hát mỗi khi vui, những lúc buồn hay cả những khi đi về một mình ngang qua khu nghĩa trang vắng bóng người. Tôi hát để vơi đi những tâm sự trong lòng, khi không biết nói cùng ai. Một chị làm cùng thấy tôi hát say sưa lúc làm việc nên đã đưa cho tôi một mẩu quảng cáo về cuộc thi hát trong thành phố, bảo tôi đăng ký dự thi thử, nếu đoạt giải còn có tiền thưởng. Thấy vui vui nên tôi cũng thử xem sao.

Đêm dự thi, tôi mặc chiếc đầm màu đỏ mà bà chủ cho mượn, mẹ thoa cho tôi một tí son đỏ lên môi, mái tóc dài đen nhánh xoã ngang lưng. Tôi hát “Cha yêu”, giai điệu ngân nga như tiếng lòng tôi:

“Một chiều lang thang mình tôi bước âm thầm, đường về hôm nay đã vắng bóng cha.

Nhớ mãi dáng người cha yêu xưa, cha yêu ơi mình con trong mưa.

Giờ này ngồi đây, lòng thương nhớ cha đã ngàn xa…”

Ngày còn bé, tôi vẫn thường ngân nga ca khúc này vào mỗi buổi chiều đi học về. Ngày đó chỉ biết bi bô hát theo ca sĩ trên tivi chứ tôi nào đã hiểu ý nghĩa của từng lời hát và cũng đâu biết được rằng chưa đầy mười năm sau, bài hát lại giống cuộc đời tôi đến như vậy.

Tôi cứ hát, cứ hát, hình ảnh của ba lại hiện ra, ba hình như đang ngồi dưới hàng ghế khán giả mà tươi cười nhìn tôi trìu mến, nước mắt tôi đã giàn giụa lúc nào không hay.

Tiếng vỗ tay không dứt đánh thức tôi quay về với thực tại. Một vài người dưới sân khấu cũng sụt sùi, có lẽ họ đồng cảm với tôi. Kết thúc đêm thi, tôi ra về với giải nhất và một phần thưởng khuyến khích nhỏ dành cho tiết mục được yêu thích nhất. Cầm phần thưởng trên tay, mẹ con tôi hân hoan ra về. Tôi và mẹ đi ăn hủ tiếu. Quán hủ tiếu gõ ven đường nhưng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được ăn một bát hủ tiếu có thịt, tôi cứ tíu tít cười nói với mẹ mà không hay biết rằng có người đang theo dõi mình.

❉❉❉

Ba ngày sau cuộc thi hát, khi tôi đi làm về, mẹ nói có người gửi quà cho tôi, mẹ không dám nhận nhưng người ta cứ cương quyết để ở cửa rồi bỏ đi. Tôi không biết bên trong là gì nhưng cũng đánh liều mở ra, là một chiếc vòng đeo tay bằng vàng nạm đá quý sáng lấp lánh. Tôi và mẹ đều thảng thốt. Còn có một mẩu giấy nhỏ với nội dung chỉ vỏn vẹn:

“Quà cho người hát hay nhất.”

Tôi không biết từ đâu lại rơi xuống một món quà giá trị như vậy. Cả đêm trằn trọc hoang mang, mẹ quay sang bảo tôi hãy mang đi báo công an vì không có gì là tự nhiên mà đến cả, nhất là những thứ đáng giá như thế, tôi cũng đồng ý với mẹ.

Sáng hôm sau, khi tôi vừa ra khỏi cửa đã thấy một chiếc ô tô màu đen đậu trước nhà. Một người đàn ông bước xuống, tiến về phía tôi, trông anh ta bặm trợn với quả đầu đinh và cái kính đen trên mặt. Thấy tôi nhìn, anh ta tháo kính ra và cười làm thân: “Em đeo có vừa không?”

“Thì ra là của anh. Nhưng xin lỗi, em không biết anh là ai?” Tôi tỏ ra dè chừng.

“Anh là người hâm mộ em. Đêm hôm trước, em đã hát rất hay, rất xúc động! Anh có thể mời em bữa sáng có được không?”

“Xin lỗi anh, em không biết anh là ai, em đang định đi báo công an về món quà lạ rơi vào nhà mình đây. Cảm ơn anh nhưng em xin gửi lại. Bây giờ, em phải đi làm, sắp trễ giờ rồi!” Vừa nói, tôi vừa mở túi xách lấy chiếc vòng dúi vào tay anh ta rồi vội vàng bước nhanh.

Anh ta lập tức chạy theo, tỏ ra kiên nhẫn: “Em, em à! Khoan đi đã! Anh tên Thẩm. Nếu hôm nay em bận, anh sẽ đến vào ngày mai nhé!”

Tôi bước vội vã hơn và xem như không nghe thấy những gì anh ta nói. Tiếng cửa xe đóng sập sau lưng tôi, rồi chiếc xe chạy vụt qua. Thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, tôi đi thẳng đến chỗ làm.

Sáng hôm sau, vừa bước ra, tôi lại thấy anh ta đứng trước cổng đợi từ lúc nào. Vứt vội điếu thuốc đang hút, anh ta đến trước mặt tôi với biểu cảm không thể hớn hở hơn: “Em, chào buổi sáng! Hôm nay, em đã rảnh chưa? Có thể nhận lời mời ăn sáng của anh không?”

“Không ạ!” Tôi nói nhanh rồi lại đi thẳng.

Liên tục trong một tháng trời ròng rã, mưa cũng như nắng, sáng nào Thẩm cũng đứng trước nhà tôi như thế chỉ để hỏi đúng một câu như thế. Tôi kể với mẹ, bà nhìn tôi mỉm cười rồi nói: “Bé An mười tám tuổi rồi, thiếu nữ rồi, bắt đầu có người để ý bé An của mẹ.”

Tôi đỏ mặt không nói gì.

Một buổi tối, tôi được nghỉ học nên hai mẹ con ăn cơm sớm, vừa xong bữa thì có tiếng gõ cửa. Mẹ ra mở, tôi rửa chén bát nhưng tai dỏng ra ngoài cửa xem ai đến.

“Con chào cô, con là Thẩm, bạn của An ạ! Em ấy có nhà không cô?”

“À… ờ… An ơi, con có bạn tìm này.” Mẹ tôi có vẻ bối rối nhưng cũng gọi với vào.

Tôi chùi nhanh tay rồi đi ra, mặt hầm hầm, tôi nạt: “Sao anh dám đến tận đây?”

Mẹ tôi hết nhìn tôi rồi lại nhìn Thẩm. Bà gỡ rối cho tôi bằng cách mời Thẩm vào nhà uống nước. Rót ly nước xong, mẹ tôi hỏi: “Cháu là ai? Vì sao lại theo con cô nhiều ngày như vậy? Bé An kể cho cô rồi.”

Trái với sự suy đoán của tôi, không chút rụt rè, Thẩm đĩnh đạc trả lời: “Dạ, cháu là Thẩm, ngưỡng mộ bé An từ đêm thi hát nhưng chưa có cơ hội được trò chuyện để làm bạn. Cháu xin lỗi cô, nhưng hôm nay, cháu đường đột đến nhà là để xin phép cô cho cháu được làm bạn với An ạ!”

“Chuyện bạn bè của con bé, cô không có ý kiến. An lớn rồi sẽ tự quyết định chọn bạn mà chơi. Nhưng cô không đồng ý với cách tặng quà của cháu. Bạn bè mến nhau, tôn trọng nhau, không cần làm quen với nhau bằng những thứ hiện vật đắt tiền như vậy.”

Thẩm cúi đầu khi nghe mẹ tôi nói.

Gần nửa năm sau, tôi nhận lời yêu Thẩm. Sự kiên trì của Thẩm đã lay động tôi. Thực chất, Thẩm là một tay giang hồ có máu mặt, tôi biết điều đó nhưng không quan trọng. Thẩm cưng chiều và nâng niu tôi như một viên ngọc quý, đi đâu anh cũng muốn đưa tôi theo. Dưới tay Thẩm có rất nhiều đàn em, nhiều lần, tôi nhận ra rằng hình như tôi yêu Thẩm vì trong anh, tôi nhìn thấy lẩn khuất hình ảnh của ba mình trước đây.

Một ngày tháng Tư, Thẩm đến nhà đón và đưa tôi đến một quán bar có rất nhiều đàn em của Thẩm đang đợi ở đó. Trước mặt mọi người, Thẩm tuyên bố sẽ lấy tôi làm vợ. Tiếng hò reo vang lên không ngớt và kể từ đêm hôm đó, đàn em của Thẩm đổi sang gọi tôi là “chị Hai”.

Trong lòng tôi nở một nụ cười nhạt.

Cá đã cắn câu.

❉❉❉

Ngay trong đêm thi hát của gần hai năm trước, tôi đã biết Thẩm là người có quyền lực trong giới xã hội đen, một bầu sô đã rỉ tai tôi như thế khi hắn nhìn thấy ánh mắt Thẩm nhìn tôi. Hắn còn trơ tráo hỏi tôi có muốn qua đêm với Thẩm không để hắn sắp xếp. Nực cười! Tôi mà phải làm điều tầm thường đó sao? Nhưng giải nhất ư? Tôi thừa biết mình không hát hay đến như vậy. Tất cả đều từ tiền của Thẩm mà ra. Tôi đã lọt vào tầm mắt của Thẩm hay chính Thẩm đã sa vào lưới của tôi? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng cuối cùng thì điều mà tôi chờ đợi suốt một thời gian dài cũng đến, ngày mà Thẩm đưa tôi ra mắt toàn bộ đàn em của anh, ngày mà toan tính của tôi dần trở thành sự thật.

Tôi đã quá thực dụng, tôi muốn lợi dụng Thẩm sao? Không, tôi yêu anh đó chứ! Nhưng tôi cũng muốn thoát khỏi cái nghèo vây khốn lấy mình, mùi nghèo mà đến thở tôi cũng ngửi thấy nó. Cuộc đời này chỉ yêu thôi thì chưa đủ để sống. Tôi muốn vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng phải là tự tôi làm chủ nó. Bởi vì nếu sống trong nhung lụa và lại mất đi quyền tự chủ của bản thân thì tôi cũng không thoả mãn. Trên đời này có một người đàn ông vừa đưa tôi thoát nghèo vừa cho tôi tự do sao? Tôi không lạc quan một cách mơ mộng đến như vậy. Tôi đạp lên người khác hoặc người khác sẽ đạp lên tôi, cho-đến-chết.

Ai đó có thể dùng muôn vàn phạm trù đạo đức để phán xét một cô gái thực dụng, nhưng biết toan tính thì có gì là sai? Là cuộc đời đã dạy cho cô gái biết toan tính, là những người thân đã dạy cho cô ấy điều đó. Sinh tồn thì không có lý lẽ đâu! Người đời ư? Họ không thể thay cô gái sống những ngày tháng tủi nhục kia, nên họ không có quyền phán xét, quyền duy nhất mà họ có là hãy sống tốt hơn những gì mà họ muốn phán xét. Thẩm nói với tôi rằng anh muốn đến xin phép mẹ tôi về việc đám cưới. Tôi tìm cách thoái thác và bảo mình cần phải học xong đại học, Thẩm nghe đến việc tôi đi học thì xuôi lòng vì quả thật, một tay giang hồ tứ chiến như anh cũng mong muốn có một cô vợ trí thức để hãnh diện với đời.

Một người đàn ông quá gai góc, quá mạnh mẽ luôn cần một người phụ nữ yếu đuối để bảo vệ, để thể hiện năng lực và sức mạnh của mình. Nếu người phụ nữ của anh ta cũng mạnh mẽ như thế thì anh ta sẽ bảo vệ ai? Từ ngày yêu Thẩm, tôi ngộ ra như vậy. Phải chăng đó cũng là lý do ba tôi ngoại tình? Mẹ tôi đã quá mạnh mẽ, quá gai góc. Còn tôi, với Thẩm, tôi luôn là người cần được che chở. Tôi tỏ ra mạnh mẽ để làm gì cơ chứ? Thẩm yêu tôi cuồng nhiệt, vì với Thẩm, tôi thanh tân, trong sáng, và tôi khác những người đàn bà mà anh đã gặp. Thẩm nói họ chỉ muốn tiền của anh, tôi cười nhạt trong lòng. Họ muốn tiền của anh còn tôi thì muốn thứ khác của anh để có thể tự mình kiếm tiền. Đó là “quyền lực”!

Thỉnh thoảng, tôi đến nhà Thẩm nấu bữa trưa, tôi đã tìm cách xem trộm các loại sổ sách của anh và sao lưu lại vì sau này, chắc chắn tôi sẽ có dịp dùng đến. Dần dà, tôi hiểu hơn về đường đi nước bước trong công việc của Thẩm.

Sau vài năm yêu nhau, Thẩm rất tin tưởng và bắt đầu giao cho tôi quản lý tiền bạc tại quán bar cũng như cho tôi giao tiếp với các đối tác làm ăn của anh. Đã có lúc, tôi nghĩ rằng có lẽ mình thật may mắn khi gặp Thẩm. Tôi cũng từng nghĩ mình nên làm đám cưới với anh và bỏ qua ý định thâu tóm thêm quyền lực, vì tôi sợ, tôi sợ mình sẽ mất tất cả nếu cứ tiếp tục để tham vọng điều khiển mình một cách đầy bản năng. Thẩm đã chờ đợi tôi quá lâu, đủ để tôi tin rằng anh thật lòng yêu tôi.

❉❉❉

Thẩm chết.

Đó là một buổi chiều mưa tầm tã, cơn mưa Sài Gòn chưa bao giờ dai dẳng đến thế. Thẩm gọi, khi tôi vừa nhấc máy thì có tiếng nổ chát chúa ở đầu dây bên kia…

Tôi chỉ còn kịp nghe anh gọi một tiếng “An…!” Lần cuối cùng trong cuộc đời này, anh gọi tên tôi.

Tôi như rơi xuống vực thẳm. Anh bị bắn khi vừa bước xuống xe…

Thẩm nằm ở đó, bất động, mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Chân tôi đông cứng lại, không thể bước nổi thêm một bước nào nữa, tôi ngã khuỵu. Lần mò hết bức tường của căn phòng lạnh lẽo, tôi mới cầm được tay anh. Tôi muốn đánh thức anh dậy, tôi muốn nói rằng anh đừng ngủ như thế nữa! Nhưng sao tôi chẳng thể thốt nên lời. Tôi lặng đi như bầu trời trong mắt bão, chiều hôm đó, tôi đã định nói với Thẩm về đám cưới khi chúng tôi gặp nhau. Nhưng số phận đã mang Thẩm đi xa quá, khi tôi còn chưa kịp nói gì... Thẩm từng hứa sẽ đợi tôi, dù bao lâu cũng đợi, nhưng có lẽ, tôi đã bước đi một cách quá chậm chạp nên anh không chờ được nữa…

Gắng gượng lo tang lễ cho Thẩm, vì anh không còn ai là người thân ngoài tôi. Thẩm không có bố mẹ, anh xuất thân từ cô nhi viện. Có lẽ vì vậy mà Thẩm luôn dành trọn cho tôi một tình yêu vô bờ. Thẩm yêu với bản năng của một người đàn ông nhưng cũng với bản chất của một đứa trẻ thiếu thốn tình thân. Thẩm luôn muốn tôi sinh cho anh những đứa con để anh được nếm trải hương vị gia đình, thứ mà anh chưa từng được biết qua. Vậy mà tôi đã từng tàn nhẫn xem Thẩm là một quân cờ trên bàn cờ danh vọng của mình.

Đàn em của Thẩm mấy năm qua luôn xem tôi là vị hôn thê của anh dù chúng tôi chưa hề tổ chức lễ đính hôn. Vì vậy mà sau cái chết đột ngột của Thẩm, tôi lên thay thế quản lý công việc của anh. Quán bar không thể kinh doanh nữa vì phía công an chưa có kết luận chính thức về kẻ đã bắn Thẩm, nhưng họ cho rằng Thẩm bị thanh toán bởi một băng nhóm nào đó có mâu thuẫn với anh. Tôi không muốn lộ diện vì tôi đang ở ngoài sáng còn kẻ thủ ác vẫn ở trong bóng tối.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện