Cổ nhân đã nói [yên hoa tam nguyệt hạ Giang Nam] là một chuyện cực kỳ phong lưu. Nói cách khác, muốn đạt đến đỉnh cao của phong nhã thì pháo hoa, tháng ba, Giang Nam là ba thứ không thể thiếu.

Cho nên lão tử lần này đến phương nam, một chút cũng không dính được đến hai từ phong nhã.

Tháng năm âm lịch, theo lịch hiện đại là tầm tháng sáu. Đúng vào thời điểm trời nắng chang chang. Ta ở vương phủ chỉ việc ăn với nằm, mặc bộ đồ mỏng mỏng là đủ mát. Vừa ra khỏi cửa, mặt trời thiêu đốt, mồ hôi vã ra như tắm. Ta và Tô công tử lảo đảo ngồi trong xe la mà nóng phát sợ. Đáng thương cho Phù tiểu hầu gia cùng tiểu tư của hắn, ngồi trên lưng ngựa lãnh đủ. Đi vài ngày đường, gương mặt của Phù tiểu hầu gia vốn trắng trẻo như chạm ngọc cũng đỏ ửng, đến ta nhìn cũng thập phần thương tiếc, mời hắn cùng vào xe ngồi.

Phù tiểu hầu gia chẳng biết thấy có gì không ổn, ta mời kiểu gì cũng không chịu lên xe. Phòng chừng là vì trước đó đã lên mặt nhạo báng cái xe la của ta. Bệnh sĩ chết trước bệnh tim là thế đấy.

Đi ba bốn ngày đường, tới được một trấn nhỏ thuộc địa giới Trung Châu có tên là Chính Hưng. Tiểu Thuận cùng Mặc Dư – tiểu tư của Phù Khanh Thư, theo thông lệ đặt mấy gian thượng phòng trong khách điếm được coi là đầu bảng. Ta, Tô công tử, Phù tiểu hầu gia mỗi người một gian, Trung thúc, Tiểu Thuận, Mặc Dư ba người một gian. Tiểu Thuận nhân lúc không có ai ở đó xin chỉ thị của ta, “Vương gia, chúng ta cứ ở lại nơi này hai ngày đi.”

Ta hỏi, “Đang yên đang lành vì sao phải ở lại hai ngày?” Tiểu Thuận nhếch mép, “Vương gia mấy ngày nay bận lòng lo nghĩ. Ngài quên rồi sao? Mai là Đoan Ngọ!”

Ta giật mình tỉnh ra, hôm nay là mùng bốn tháng năm, mai là mùng năm tháng năm. Đúng Đoan Ngọ rồi còn gì! Buổi tối trong nhã gian của khách điếm kiêm tửu lâu bày một bàn tiệc nhỏ, ta hứng thú thương lượng với Tô công tử và Phù Khanh Thư, “Ngày mai Đoan Ngọ, không bằng chúng ta ở lại đây một ngày đi. Dạo chơi ngắm cảnh một chút.”

Tô công tử tự nhiên nói ta thế nào thì hắn thế đó. Phù Khanh Thư hừ một tiếng từ chối thẳng thừng, “Chỉ là một cái trấn nhỏ, có gì hay đâu mà đi dạo chứ. Chẳng bằng gấp rút lên đường, đỡ phải chậm trễ chính sự. Vương gia nghĩ thế nào?”

Phù Khanh Thư lúc cho ý kiến vẻ mặt nghiêm túc như vội về chịu tang. Hứng chí bừng bừng của ta bị dội cho nguyên một chậu nước lạnh. Gì chứ! Thực lòng muốn đối nghịch với lão tử sao! Ta buông đũa thần sắc nghiêm nghị, “Phù tiểu hầu gia nói có lý. Hoàng thượng phái chúng ta đi công vụ chứ không phải đi du lịch. Không nên vì tiết Đoan Ngọ mà chậm trễ hành trình. Mai cứ tiếp tục đi đi.”

Không được như ý thành ra ăn cũng mất ngon. Tắm rửa qua loa xong mọi người liền chuẩn bị đi ngủ. Tiểu nhị của khách điếm mang trà lên, thuận miệng tán gẫu với ta mấy câu, “Công tử ngày mai đã muốn đi rồi sao?”

Ta một cục hờn dỗi nén trong ngực, nói đúng vậy. Tiểu nhị vẻ mắt luyến tiếc nhìn ta, “Vậy mai công tử không được xem náo nhiệt rồi. Lễ hội đua thuyền rồng ở Sa Hà thành tây năm nào cũng cực kỳ náo nhiệt. Năm nay buổi tối ở trên phố còn có hội pháo hoa. Chiều hôm qua đều đã bố trí xong cả rồi. Nhân tiện tối nay cũng nên ra ngoài thăm thú một chút, gần khách điếm của chúng ta cũng có rất nhiều chỗ đáng xem.”

Chỉ một câu nói đã đả thông thất khiếu lục mạch của ta. Chờ tiểu nhị xoay người ra khỏi cửa, ta thay một bộ y phục sạch sẽ, cầm quạt đi gõ cửa phòng Tô công tử.

Tô Diễn Chi còn chưa ngủ, ăn mặc rất chỉnh tề, hé cửa phòng cho ta vào, ta từ bên ngoài lôi kéo, “Tô công tử, có muốn ra ngoài đi dạo không?”

Tô Diễn Chi có chút kinh ngạc, ta thích thú túm tay áo hắn lôi ra khỏi cửa, “Tốt xấu gì mai cũng là ngày tết, cứ đi như vậy chả biết còn phải đến nơi hoang sơn dã lĩnh nào. Tối nay ra ngoài thăm thú, vừa lúc tìm cái gì chơi.”

Lời tiểu nhị quả nhiên không trật chút nào. Ra khỏi khách điếm hướng đại lộ bên phải đèn đuốc sáng trưng. Các sạp hàng thủ công mỹ nghệ bày ra muôn màu muôn vẻ. Tiếng đàn ca sáo nhạc cồng chiêng náo nhiệt vô cùng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện