Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng tháng chạp lành lạnh, tôi dậy thật sớm, lúc mặt trời vừa ửng lên, khoác áo ấm, giày vở đủ bộ rồi leo hàng rào sang nhà Minh mập. Tôi có hẹn sẽ theo ba nó đi chặt mai. Ba mẹ Minh kiếm sống bằng cách trồng đủ thứ trong khu vườn nhỏ sau nhà: dưa leo, cũ kiệu, hành ngò, hoa hồng, hoa cúc và mang ra chợ bán. Có khi lỗ, có khi lời. Nhưng chặt mai mới là nghề "cha truyền con nối" từ thời ông cố nó. Mỗi năm chỉ được một lần, nhưng nhờ đó mà tới chiều 30 mới kiếm được tiền ăn Tết.

Năm nay, ba Minh bảo sẽ cho nó đi theo để "nối nghề". Vì Tết nào, ba tôi cũng mua giúp cho nhà Minh mập cành mai to nhất, đẹp nhất và đắt tiền nhất nên tôi phải hứa với Minh là chỉ đi theo cho biết thôi, không được chặt cành nào vì như thế ba mẹ nó sẽ mất mối.

Khi tôi thò đầu qua cửa sổ thì thấy ngay Minh mập và đám em út lau chau đang ngồi quây quần bên chiếc bàn gỗ thấp, đứa nào cũng áo trắng, quần soọc xanh, cũ kỹ nhưng thẳng thơm, tinh tươm. Cả bọn chụm đầu quanh một chiếc nồi gang to, đen bóng vì ám khói, bên trong chứa đầy hồ dán. Tôi biết rõ nó là hồ dán. Thời đó, chưa có những lọ "keo dán" công nghiệp xinh xinh như bây giờ, mỗi khi tôi có môn thủ công ở trường, ba tôi vẫn lấy bột mì trong kho ra, cho vào xoong nước, bắc lên bếp rồi khuấy đều tay cho tới lúc chất lỏng trắng đục như sữa kia biến thành một thứ bột sền sệt, dẻo quánh và trong veo.

- Đây là hồ dán- ba tôi tuyên bố.

Vậy mà bây giờ, anh em nhà Minh mập xúm vào nồi, mỗi đứa một chiếc muỗng, hăm hở múc hồ dán chấm vào nước mắm cho vào miệng ăn ngon lành. Nhìn thấy tôi, Minh mập vui ra mặt:

- Ăn sáng không mày? Tôi nhìn đám em nó mặt mũi dính tèm lem thứ chất dẻo trong veo, buột miệng:

- Hồ dán làm sao ăn được, ghê thấy mồ!

Minh mập lừ mắt:

- Không ăn thì thôi, đồ làm phách!

May mà nó không giận đến nỗi đuổi tôi về nhà, nhưng suốt buổi chặt mai hôm đó, Minh mập đâm ra lầm lì, chẳng thèm nói với tôi câu nào. Tôi cũng chẳng để ý gì đến những cành mai xem chúng nhiều hoa hay nhiều nụ, dáng đẹp hay không đẹp, vì mải nghĩ đến món hồ dán. Thứ bột mì đó, tôi chỉ mới thấy bà ngoại trộn với rau bằm để cho heo ăn mà thôi.

***

Chuyện tôi phát ngôn một câu xanh dờn ở nhà Minh mập, không hiểu sao ba mẹ tôi lại biết. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mẹ đặt lên bàn ăn một nồi hồ dán còn bốc khói. Ba xoa xoa hai tay, tỉnh rụi:

- Lạnh quá, lạnh quá! Ăn sáng thôi!

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn "hồ dán", thứ bột mì pha với nước rồi khuấy lên một cách giản đơn. Ba quấn quanh chiếc đũa, chấm với nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà. Mẹ múc vào chén, chan nước mắm, vừa ăn vừa cười tủm tim. Còn tôi, sau vài phút ngỡ ngàng cũng nếm thử vì tò mò. Và tôi nhớ mãi vị nhạt thếch của nó.

Buổi sáng hôm ấy, ba nói với tôi rằng không nên phần biệt, coi thường người này hay người khác chỉ vì ở họ có những điều xa lạ với lối sống của mình. Những món ăn ngon tôi vẫn ăn và món ăn nghèo nàn, đơn giản của gia đình Minh mập đều kết tinh từ mồ hôi của con người. Ba nói với tôi rằng người ta có thể làm ra bao nhiêu thức ăn ngon từ thứ bột mì tầm thường đó. Rằng trên đời này không có gì là xa lạ với cuộc sống của con người. Rằng nếu ta nhìn mọi người với đôi mắt và tâm hồn mở rộng, ta sẽ không bao giờ phải nói những lời khiến người khác bị tổn thương.

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi lớn lên mà không xa lạ với bất cứ cách sống nào. Tôi đi từ miền sông nước đến cao nguyên, bước chân vào bất cứ "thế giới mới" nào mà không hề chùn chân e ngại. Tôi có thể sẵn lòng đi tình nguyện ở những vùng quê xa hẻo lánh, nghèo đói và khó khăn. Tôi có thể ngủ ngon trên đống rơm cạnh chuồng bò, nghe mùi phần bò xộc vào mũi. Từ bữa điểm tâm bằng hồ dán, tôi đã ăn những món ăn kỳ lạ nhất trên đời.

Minh mập bây giờ là một ông chủ miệt vườn trẻ chuyên trồng hoa, vẫn đi chặt mai mỗi mùa Tet đến và thỉnh thoảng, vẫn khuấy một nồi hồ dán để ăn. Nó viết thư nói với tôi rằng: "Mình đã lớn lên từ những bữa ăn hồ dán đó". Tôi đưa thư Minh cho ba xem và nói:

- Cả con cũng vậy.

- Đông Vy

Những chiếc hộp

Một lần, tôi tình cờ phát hiện chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba tôi nói, nó đựng di chúc của ông nội. Trong đó viết rõ ông để lại cho tôi cái gì khi ông về với đất.

Khi ông mất đi, ba tôi mở hộp ra và đọc cho mọi người nghe tờ di chúc, thứ duy nhất ông để lại là những khoảnh đất, chia đều cho tất cả mọi người, đất trồng cây ăn trái, đất trồng khoai sắn và đất trồng lúa... Ông để lại cho tôi tủ sách và một rẻo đất nhỏ hình tam giác, nằm cạnh những mảnh ruộng mà ông đã làm lụng suốt đời trên đó. Một mảnh đất đủ để tôi trồng những cây cà chua và những luống rau muống, ông viết vậy, với tất cả tình thương yêu.

Tôi đứng trước rẻo đất ấy, khóc rất nhiều, và nhận ra cuộc sống thật ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi chợt nghĩ, nếu mình cũng phải đi xa, xa thật xa, mình sẽ để lại gì cho những người thân còn lại. Và tôi quyết định làm di chúc. Cũng cất trong chiếc hộp có khóa, cùng với gia tài của tôi.

Bản di chúc đầu tiên tôi viết năm lên 8 tuổi, rất ngắn vì những thứ mà tôi có thể để lại chẳng có gì nhiều. Những bức ảnh gia đình khi tôi còn bé xíu để cho mẹ, và ba. Để lại cho hai đứa em trai những chiếc xe điện... để lại cho ông ngoại cây gậy mà tôi nhặt được ở nhà kho. Để lại cho Bảo Vi, đứa bạn thân nhất của tôi, chiếc nón vải.

Rồi tôi lớn lên, dù có ra sao tôi vẫn về nhà vào mỗi đêm giao thừa, ngồi vào chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời tối đen, mịn màng của đêm ba mươi và viết. Mỗi năm, tôi đến nhiều nơi hơn trong những chuyến du lịch, hay đi công tác... và những thứ tôi nhặt nhạnh về cũng nhiều hơn: một chiếc lược đồi mồi từ Hà Tiên, những nụ hoa ngọc lan khô cong vẫn thơm nồng nàn như khi chúng đánh thức tôi dậy vào một đêm rất trong bên cạnh sông Tiền, một chiếc vỏ ốc tầm thường dạt vào bãi biển Nha Trang, một mảnh đá xấu xí văng ra khi tôi đi ngang qua những người thợ đục đá Non Nước. Và mỗi lần nhặt lên, tôi đều nghĩ rằng tôi sẽ dành lại chúng cho ai đó mà tôi đã gặp trong đời. Chúng đánh dấu sự hiện hữu của tôi trên thế gian, đánh dấu những bước chân của tôi đã đặt lên mảnh đất này, miền đất nọ, và đánh dấu tình yêu mà tôi dành cho những con người đã đến rồi đi trong đời tôi. Mỗi năm, những đồ vật chẳng đáng giá gì mấy cứ chất đầy chiếc hộp, cả một quả bằng khô, một con ve sầu chưa kịp lột xác còn giữ nguyên lớp vỏ màu xanh óng...

Những chiếc hộp chất đầy mãi trong phòng tôi. Cho đến một ngày, tôi nhìn lại chiếc hộp đựng tờ di chúc của ông, nhận ra rằng trong đó không có đồ vật nào khác ngoài tờ di chúc. Tôi bèn lôi những món đồ mà tôi định dành làm "di vật" ra và phần phát cho tất cả mọi người. Tôi cảm nhận trong lòng mình niềm vui được chia sẻ, và tôi cảm nhận trong ánh mắt mọi người niềm hạnh phúc vì biết mình được yêu mến. Chiếc hộp trống không của ông đã dạy tôi một điều: "Tình yêu không phải là thứ có thể cất trong những chiếc hộp". Tình yêu thương của ta có ích gì, những món đồ mà ta nâng niu như bảo vật kia có ích gì, nếu ta cứ nhặt nhạnh chỉ để cất vào trong hộp kín, thay vì mang tặng chúng cho những người ta yêu?

- Đông Vy

Trở về mái ấm

Tha thứ tức là dẹp bỏ đi chuyện sầu thảm đớn đau và tiếp tục song với niềm hạnh phúc của riêng mình.

- Amanda Ford

Trong suốt năm học, Jeff và tôi đã trò chuyện với nhau rất nhiều, nhưng có một chuyện khiến tôi nhớ mãi là lần anh kể cho tôi nghe về gia đình mình. Mẹ anh -một người phụ nữ hết mực yêu thương con và chu đáo -đã qua đời không lâu sau khi Jeff tốt nghiệp trung học. Còn cha anh, một bác sĩ thành đạt và theo lời Jeff, là một người lạnh lùng và nghiêm khắc. Ông tin chắc rằng một người sẽ không bao giờ có thể đóng góp có giá trị cho thế giới được nếu không theo học và tốt nghiệp đại học. Thậm chí ông đã chuẩn bị cho Jeff vào học ở ngôi trường ông đã học ngày xưa và sẽ chu cấp toàn bộ tiền học phí cũng như mọi chi phí ăn ở sinh hoạt cho Jeff trong suốt thời gian anh theo học. vốn là một người năng động, ông rất phấn khởi với ý nghĩ một ngày nào đó con trai ông sẽ nối nghiệp mình.

Giờ đây, Jeff đã 27 tuổi và là một nhà hoạch định kinh doanh thành công tại một trong những công ty lớn nhất trong nước mà chẳng có một bằng cấp nào. Thật ra, niềm đam mê của anh là môn trượt tuyết. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh quyết định từ chối những gì cha đã sắp đặt cho mình và chuyển đến Colorado để làm việc trong một đội tuần tra trượt tuyết. Jeff kể cho tôi, với nỗi đau còn hiện rõ trên đôi mắt, rằng anh vẫn còn nhớ như in cái ngày anh nói với cha về niềm đam mê trượt tuyết và leo núi của anh cùng những dự định của mình. Cha anh nhìn ra xa xăm, gương mặt ông từ từ đỏ lên và nhìn Jeff một cách chán nản rồi thốt ra những lời mà đến giờ vẫn còn văng vẳng bên tai Jeff:

"Mày là một thằng lười biếng. Tao không có đứa con nào làm việc cho khu trượt tuyết và không học đại học cả. Lẽ ra tao nên biết mày chẳng được tích sự gì. Đừng quay về cái nhà này đến chừng nào mày có đủ lòng tự trọng để dùng cái đầu mà Thượng Đế đã ban cho mày mà đi học!"

Ke từ lúc đó, hai cha con anh không nói với nhau một lời nào nữa.

Jeff không chắc rằng cha anh có biết là anh đã quay về và ở gần nhà hay không và dĩ nhiên anh không muốn ông biết là anh đang học đại học. Anh lặp đi lặp lại rằng anh đang làm điều ấy cho chính bản thân anh chứ không phải vì ông ấy.

Jeff có một người chị gái tên là Janice, luôn ủng hộ những quyết định của anh. Chị vẫn liên lạc với cha nhưng Jeff không cho chị kể gì về Jeff với ông.

Lễ tốt nghiệp của Jeff năm đó là một ngày nắng nóng trong tháng sáu. Khi tôi đi quanh nói chuyện với mọi người trước khi lễ tốt nghiệp diễn ra, tôi nhận thấy có một người đàn ông vẻ mặt bối rối:

- Xin lỗi, ông ta đến gần tôi và lịch sự hỏi, hôm nay ở đây đang diễn ra cái gì vậy?

- Lễ tốt nghiệp đấy bác ạ! Tôi mỉm cười đáp.

- Lạ nhỉ - ông nói - con gái tôi bảo tôi đến gặp nó ở đây. Rồi đôi mắt ông rạng rỡ và bất giác ông mỉm cười

- Có lẽ nó hoàn tất một đại học nào nữa và muốn làm tôi ngạc nhiên đây!

Tôi giúp ông tìm một chỗ ngồi và khi chia tay tôi ông nói:

- Cám ơn cháu đã giúp bác. Nhân tiện, bác cũng xin giới thiệu bác là bác sĩ Holstrom.

Tôi lạnh cứng người trong một giây. Jeff Holstrom. Bác sĩ Holstrom. Đây có phải là người mà tôi được nghe kể hồi năm ngoái không? Đây chính là người đàn ông lạnh lùng nghiêm khắc buộc con trai phải học đại học, nếu không thì không bao giờ được trở về nhà nữa đây sao?

Không lâu sau, những giai điệu quen thuộc của bài "Pomp and Circumstance" vang lên. Tôi quay về chỗ của mình và liếc nhìn bác sĩ Holstrom. Dường như ông ta đang tìm con gái trong số những sinh viên tốt nghiệp đang đứng trên sân khấu. Những bài diễn văn được đọc lên, lời chúc mừng được gửi đến các sinh viên tốt nghiệp và chủ nhiệm khoa bắt đầu đọc danh sách những người tốt nghiệp.

Jeff là người cuối cùng lên nhận bằng. Tôi nghe người ta đọc tên anh: Jeff Holstrom. Anh bước ngang qua sân khấu, nhận tấm bằng từ tay ông hiệu trưởng và ngay khi bắt đầu bước xuống bậc thang, anh đã đưa mắt xuống hàng ghế khán giả phía dưới tìm chị mình.

Trong hàng ghế khán giả, có một dáng người đứng dậy - đó chính là bác sĩ Holstrom. Tôi không biết làm thế nào mà Jeff có thể thấy được ông trong đám đông, nhưng tôi biết mắt họ đã gặp nhau. Bác sĩ Holstrom mở rộng cánh tay, như thể để ôm không khí quanh ông. Ông cúi thấp đầu, gần như muốn xin lỗi. Trong một khoảnh khắc thời gian dường như ngưng đọng, và dường như chỉ có hai người trong khán phòng. Jeff bước xuống cầu thang, đôi mắt anh đẫm lệ.

- Cha mình đấy! - anh thì thào với tôi - Tôi mỉm cười.

- Bây giờ anh định làm gì? Tôi hỏi.

- À - anh nói - tôi nghĩ tôi sẽ về thăm gia đình mình.

Gã khổng lồ một mắt

Vẻ đẹp thật sự nằm ở ngay trong trái tim của bạn.

- AI Bernstein

Sao mà lũ bò cái này luôn chọn những đêm giá rét như vầy để sinh con không biết? - Bill nói với giọng Ồm Ồm, lộ rõ sự e ngại hơn là khó chịu khi cùng Scott và tôi bước về khu chuồng trại. Bây giờ đã là nửa đêm, nhiệt độ ở thung lũng Singing đã xuống tận âm 5 độ!

Con Valentine thuộc giống bò khoang đen của vùng núi Friesland, Hà Lan. Lần này nó sinh muộn gần một tháng. Chúng tôi rất lo lắng vì nó mập một cách bất thường - nặng gần 164 kg. Suốt ba giờ nó chuyển dạ, chúng tôi luôn ở bên canh chừng. Con vật tội nghiệp cứ thở khò khè mệt nhọc, cào cấu vào đám rơm khô vương vãi ở xung quanh. Cuối cùng nó ngã vật ra đất và với sự giúp đỡ của chúng tôi, nó sinh được một con bê khoảng 63 kg, nặng gấp đôi bình thường với bộ lông màu vàng sậm như kẹo bơ nấu đường. Xong xuôi, chúng tôi vội vã quay về tiếp tục giấc ngủ còn dang dở.

Tờ mờ sáng, tôi đi xuống khu chuồng để xem đám bê con đã thức giấc và bú sữa chưa. Mới đến cửa chuồng, tôi đã nghe tiếng mút sữa của chúng ồn ào ở góc trong. Bất chợt chân tôi vấp phải một vật gì cưng cứng vùi trong đống rơm. Một tiếng ré đau đớn vang lên như muốn xé toạc bóng đêm.

Tôi vội vàng bật đèn lên và hết sức bất ngờ với những gì nhìn thấy trước mắt - một con bê màu đen xấu xí đã được sinh ra sau con bê vàng đêm hôm qua. Hình thù của nó hết sức quái dị, cái đầu to quá khổ, trên lưng nhô lên một cái bướu to tương, bốn chân lùn xủn của nó xoắn lại và các đầu guốc chân phình to. Nó đang run lẩy bẩy.

Bỗng nhiên tôi thấy thương hại con bê, tôi quỳ xuống đưa tay chạm vào người nó. Con bê rống lên thảm thiết và sục vào các ngón tay tôi để tìm sữa. Tôi xoay nhẹ đầu nó để trông rõ mặt. Tim tôi như thắt lại. Con bê chỉ có một mắt. Tạo hóa lại có thể tàn nhẫn đến thế sao?

Tôi chẳng hiểu sao mình lại không giết quách con bê ấy đi. Con bê vàng sinh đôi với nó cũng tỏ ra kinh sợ nó. Đến cả con bò mẹ cũng ghét bỏ nó. Mỗi khi nó lần tới để mút sữa, con Valentine liền đá vào mặt và húc vào cạnh sườn cho nó ngã xuống. Dù rất đau đớn và bị rỉ máu ở các vết thương, nó vẫn gượng đứng dậy và cố gắng thử thêm lần nữa. Sau nhiều lần như thế, nó đành lủi ra góc chuồng chờ cho tới khi Valentine nằm xuống nghỉ ngơi mới lén tới bú. Những lúc đó trông nó như một thủy thủ sắp chết đuối vớ được phao.

Ban đầu bọn trẻ đều khiếp sợ nó. Nhưng rồi nhìn cảnh con bê con tật nguyền cố vật lộn để sống khiến chúng mủi lòng. Scott bảo:

- Nó cũng dễ thương lắm. Mỗi lần tụi con mang đồ ăn đến nó đều loạng choạng chạy ra đón và nhất định bám theo đến khi được gãi đầu mới thôi.

Một buổi chiều, Jennifer - con gái tôi - kể cho tôi nghe về truyện Ơiysses của Homer mà cháu được học trên lớp, trong đó có nói đến người khổng lồ một mắt mang tên Cyclops!

- Con thấy cái tên Cyclops cũng hợp với con bê của mình đó chứ ba?

Thế là từ đó con bê tật nguyền được gọi là Cyclops. Chỉ trong vài tháng, nó đã chiếm được tình cảm của nhiều người và trở thành con vật cưng của nông trại. Đám con nít thì thích chơi và đút kẹo cho Cyclops ăn. Còn nó, để tỏ lòng biết ơn, thường liếm vào tay hay đôi má ửng hồng của đám trẻ. Lâu lâu, bọn trẻ lại gọi tôi:

- Ba ơi, xem Cyclops thương con này!

Chúng tôi nhận thấy những con vật khác trong nông trại cũng rất thích Cyclops. Vào mùa đông, con mèo con nằm cuộn tròn trên cái bướu khổng lồ của nó để sưỏi ấm; còn khi hè đến, đám gà và chó nằm trốn nắng ngay dưới cái bóng to lớn của nó.

Trong số đó, Cyclops thân với một chú gà con tên là Omelette nhất. Chúng biết nhau khi Omelette chưa đầy một tuần tuổi. Đầu tiên, chú gà mon men đến bên con

Cyclops, đưa mỏ nhấm những giọt mồ hôi đang chảy xuống cánh mũi đen bóng của chú bò con đang nằm ngủ. Bất thần, Cyclops khịt mũi mạnh khiến chú gà con này văng ra xa. Không hoảng sợ, Omelette tiếp tục vòng lại và cuối cùng nhảy lên mặt Cyclops, mổ tiếp vào đôi sừng kỳ lạ của nó, đôi sừng cong gập thành những khối u sần sùi tạo điều kiện cho rận và ruồi làm tổ. Điều này làm cho Cyclops hết sức khó chịu dù nó cố cọ vào các thân cây để đuổi đám khách không mời đi.

Con Omelette đã nhanh chóng phát hiện ra bữa tiệc thịnh soạn của mình ngay dưới đôi sừng của Cyclops. Đến cuối mùa hè, chú gà trống choai đã lớn phổng và chẳng ai thấy ngạc nhiên khi bắt gặp Omelette đậu trên sừng Cyclops, lùng sục những con sâu bọ quấy rối giấu mặt.

Tuy thế, Cyclops vẫn bị đồng loại hắt hủi. Suốt hai năm đầu, chẳng một con bò hay con bê nào chấp nhận sự hiện diện của nó.

Đến khi lên ba, Cyclops cân nặng gần 80 kg. Mỗi tháng nó ăn gần hết một tấn cỏ khô. Chúng tôi tránh đả động tới sự vô dụng của nó so với đám bò lông đỏ nòi Hereford của Bill. Tại sao chúng tôi lại chịu tốn tiền bạc và thời gian giữ lại cái hậu quả đáng tiếc từ sai lầm của tạo hóa này nhỉ?

Rồi mùa xuân, mùa sinh sản của bầy gia súc, lại đến. Người ta thả những con bò đực và bò cái cùng giống vào cánh đồng cỏ mà họ đã chọn sẵn. Như mọi người, Bill cũng tách 20 con bò cái tơ ra riêng một cánh đồng.

Điều khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất trong việc gây giống là phải xác định đúng thời điểm một con bò cái động đực. Chúng tôi phải mất nhiều giờ liền quan sát xem đám bò cái có biểu hiện cho thấy chúng sẵn sàng để phối giống hay chưa. Lúc đó, Cyclops chẳng còn được tự do chạy rông. Do e rằng nó có thể khiến cho đàn bò sợ hãi nên chúng tôi đã nhốt nó lại. Cyclops phát cuồng vì cô đơn. Nó chạy tới chạy lui, cào cấu, rống mãi cho đến lúc kiệt sức, chỉ còn thều thào được.

Sau nhiều tháng, chúng tôi chỉ phối giống được cho hai trong số hai mươi con bò cái tơ. Trong lúc Bill bắt đầu nản lòng thì chúng tôi chợt để ý Cyclops. Nó thôi không đi tới đi lui nữa mà ngó đăm đăm về phía một con bò cái tơ. Suốt mấy tiếng đồng hồ, nó cất giọng thế thé của mình lên và con bò cái cũng cất giọng ngọt ngào đáp lại. Bill quay sang tôi:

- Anh nghĩ biết đâu con vật tội nghiệp này biết những điều mà chúng ta không biết.

- Vậy ta thả nó ra xem sao - Scott nói - Do khuyết tật bẩm sinh mà Cyclops bị bất lực. Dau sao nó cũng không thể phối giống được. Nhưng nó đâu có gây hại gì?

Chúng tôi mở cửa chuồng. Cyclops khịt mũi mạnh rồi loạng choạng chạy ra bãi cỏ trên những cái chân vặn vẹo ngắn ngủn. Đàn bò bỏ chạy tán loạn, nhưng anh chàng đã nhanh chóng tìm ra đối tượng của mình. Khi nghe tiếng rống của Cyclops, cô nàng bò cái đứng sựng lại ngay. Cyclops thận trọng tiến tới gần, hơi nghiêng đầu để cạ cái mồm mềm như nhưng vô cổ cô nàng. Cuối cùng, cô nàng cũng để cho chàng tựa đầu vô vai. Cyclops của chúng tôi chỉ có thể làm được đến thế. Vậy là nàng bò cái đã sẵn sàng cho phối giống.

Trong hai năm kế tiếp đó, Cyclops đã trở thành công cụ dò tìm chuyên giúp chúng tôi xác định xem cô bò cái nào đã sẵn sàng để cho phối giống. Năm đầu tiên đó, nó đạt được độ chính xác đến 98 % và đến năm sau là 100 %. Từ đó, chẳng có ai cho chú bò đực nhà tôi là vô tích sự và Cyclops cũng không còn cô đơn nữa.

Tuy thế, Cyclops chỉ sống với chúng tôi được đến bốn tuổi rưỡi. Nó ra đi nhẹ nhàng ngay bên dưới bóng cây nó vẫn thường nằm. cổ họng tôi nghẹn đắng khi sờ tay lên cổ Cyclops. Lúc hay tin ấy, mấy đứa trẻ đều òa khóc.

Tôi chợt nhận ra rằng chú bò kỳ quặc của mình đã đánh thức trong chúng tôi một điều tưởng chừng đã bị lãng quên - đó là thái độ cảm thông sâu sắc đối với những ai kém may mắn hơn đồng loại.

Cyclops chỉ khác biệt những con bò khác ở vẻ bề ngoài. Còn trái tim nó cũng cháy bỏng một khát vọng sống mà Thượng Đế đã ban đều cho muôn loài. Nó yêu mến chúng tôi và ngược lại, chúng tôi cũng thương yêu nó vô cùng.

Một tâm hồn trào dâng lòng nhân ải và sự đồng cảm thì lúc nào cũng sẽ rạng rỡ.

- Parke Gogwin

Tiếng nói không lời

Nếu có người nào đó nói rằng họ vừa giàu có lại vừa hài lòng với những gì họ có, bạn hãy chắc rằng họ hài lòng bởi họ biết cách để được hài lòng, chứ không phải vì họ giàu có.

- Charles Wagner

Dường như tôi đã hoàn toàn chịu thua, không thể tìm ra cách gì khác để cải thiện tình hình. Ngay từ ngày đầu tiên bước vào cấp hai, Willard P. Franklin đã bắt đầu sống trong thế giới của riêng mình. Em khép kín lòng mình đối với các bạn cùng lớp cũng như với tôi, giáo viên của em. Những nỗ lực thiết lập một mối quan hệ thân thiện của tôi với em chỉ được đáp trả bằng sự lãnh đạm. Thậm chí những lời chào hỏi thân thiện của tôi em cũng chỉ đáp lại bằng những câu lầm bầm trong cửa miệng. Tôi nhận thấy bạn bè cùng lớp cũng không nhận được điều gì dễ chịu hơn từ Willard so với tôi. Willard hoàn toàn là một kẻ cô độc, dường như em không có mong muốn hay thấy cần phải phá vỡ bức tường im lặng của mình. Sau ngày lễ Tạ ơn không lâu, lớp chúng tôi nhận được lời kêu gọi quyên tiền Giáng Sinh hàng năm cho những học sinh kém may mắn trong trường chúng tôi.

- Giáng Sinh là mùa trao tặng - tôi nói với các học sinh của mình - Trường chúng ta có một số bạn có thể không đủ điều kiện để hưởng một kỳ nghỉ lễ hạnh phúc. Bằng cách ủng hộ tiền cho việc quyên góp nhân dịp Giáng Sinh này, chúng ta có thể mua thực phẩm, quần áo và đồ chơi để làm quà tặng cho những bạn còn thiếu thốn đó.

- Chúng ta sẽ bắt đầu quyên tiền vào ngày mai các em nhé! - tôi dặn các học trò của mình.

Ngày hôm sau, tới giờ quyên góp, tôi phát hiện ra rằng hầu như các học sinh đều đã quên mất chuyện ấy, ngoại trừ Willard P. Franklin. Em thọc sâu tay vào túi quần của mình khi đi đến bàn tôi và cẩn thận bỏ hai đồng 25 xu vào chiếc thùng nhỏ.

- Em không cần phải uống sữa vào bữa trưa - em nói lí nhí trong miệng.

Thoáng qua mắt tôi, trong một khoảnh khắc hiếm hoi, tôi thấy Willard mỉm cười. Sau đó, em xoay người và bước về bàn mình. Chiều hôm đó, sau giờ tan học, tôi đem số tiền quyên góp ít ỏi đến cho ông hiệu trưởng. Tôi không thể nào ngăn mình không chia sẻ với ông ấy câu chuyện về Willard.

- Có thể là tôi sai, nhưng tôi tin rang Willard có lẽ đang sẵn sàng để hòa nhập vào thế giới xung quanh em. Tôi nói với thầy hiệu trưởng.

- Vâng, tôi tin vào dấu hiệu sáng sủa mà cô vừa nói, ông gật đầu. Và tôi có linh cảm rằng có thể chúng ta đã có đủ thông tin để giúp em ấy chia sẻ một phần thế giới của em với chúng ta. Tôi vừa nhận được danh sách các gia đình cần được trợ giúp nhất của trường chúng ta trong dịp Giáng sinh này. Đây, cô hãy nhìn xem!

Khi nhìn vào danh sách, tôi đọc thấy tên Willard P. Franklin và gia đình em nằm ngay hàng đầu của danh sách này.

Mẹ và con gái

Mẹ đừng quên đem theo máy nghiền khoai tây nghe mẹ? Tôi dặn mẹ qua điện thoại như thế sau khi báo với bà rằng tôi vừa trải qua một cuộc tiểu phẫu ở ngực. Dù đã bước vào tuổi tám mươi và đang ở cách xa tôi ba ngàn dặm, nhưng mẹ biết những gì tôi cần - súp khoai tây nghiền.

Đó là món ăn mà mẹ vẫn thường nấu mỗi khi tôi đau ốm hay gặp tai nạn hồi còn bé - chén súp khoai tây nóng hổi và một chiếc muỗng. Nhưng hồi nhỏ rất ít khi tôi ốm. Và món khoai tây của mẹ là liều thuốc hiệu nghiệm giúp tôi vượt qua cơn cúm nhanh chóng. Tuy nhiên, lần này thì khác: bệnh của tôi rất nặng.

Đáp một chuyến bay dài từ Virginia đến nơi tôi sinh sống ở Caliíornia, mẹ không hề lộ vẻ mệt mỏi mà trái lại, trông bà rất tươi khi bước vào nhà. Tôi vừa xuất viện được một ngày và vẫn còn rất mệt. Nhưng điều cuối cùng mà tôi thấy trước khi chìm vào giấc ngủ là hình ảnh mẹ đang mở chiếc vali và lấy ra cái máy nghiền khoai tây đã 60 tuổi được gói cẩn thận. Cái máy đó là của hồi môn của mẹ, có tay cầm bằng gỗ đã mòn nhưng chất chứa biết bao kỷ niệm.

Ngày tôi buồn bã đến bảo mẹ rằng tôi phải chữa bệnh bằng hóa học trị liệu, mẹ đang ngồi nghiền khoai tây. Bà dừng tay lại và nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Mẹ sẽ ở bên con dù phải mất bao lâu đi nữa. Trong cuộc đời mẹ, chẳng có gì quan trọng hơn việc chăm lo cho các con cả.

Trước kia, tôi luôn nghĩ tôi là đứa bướng bỉnh trong gia đình, nhưng đến những năm tháng sau đó tôi mới nhận ra tính cách thực sự của mình.

Mẹ quả quyết rằng tôi không được rồi khỏi thế giới này trước bà. Đơn giản là bà không muốn điều đó. Mỗi ngày bà đều dẫn tôi đi bộ, thậm chí khi tôi không thể đi xa hơn chiếc cổng nhà mình. Bà nghiền những viên thuốc mà tôi phải uống rồi đặt chúng vào một cái lọ vì dù đã ở tuổi trung niên và có con cái đã trưởng thành, tôi vẫn không thể nuốt được một viên thuốc tốt hơn hồi tôi còn bé. Khi tóc tôi bắt đầu rụng, mẹ mang cho tôi những chiếc nón xinh xắn. Bà pha cho tôi những cốc nước gừng để làm ấm dạ dày và ngồi xuống cạnh tôi trong những đêm tôi mất ngủ. Khi tôi ngồi, mẹ đứng. Còn khi mẹ ngồi, hẳn tôi đã ngủ. Chưa lần nào tôi trông thấy mẹ ngồi yên cả.

Cuối cùng, tôi cũng bình phục. Và tôi lại tiếp tục công việc của mình.

Giờ đây, tôi khám phá ra rằng Ngày Của Mẹ không phải chỉ là ngày chủ nhật nào đó trong tháng 5, mà mỗi ngày đều là ngày của mẹ nếu ta may mắn có một người mẹ bên mình để yêu thương.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện