ISAAC NÉM VÀI TẤM CHĂN lên vai tôi và đưa tôi một cốc dung dịch nóng hổi dậy mùi sô cô la nóng và hơi thoáng mùi rượu.

“Bác đang nói dở về Carax...”

“Cũng chẳng có gì nhiều để kể. Người đầu tiên nhắc đến Carax với ta là Toni Cabestany, người xuất bản cuốn ấy. Đó là chuyện hai mươi năm về trước, khi đó công ty ông ấy vẫn còn hoạt động. Mỗi bận trở về sau những chuyến kiếm tìm tài năng từ London, Paris hoặc Vienna, Cabestany thường rẽ qua và bọn ta cùng chuyện trò đôi chút. Hồi đó ta và ông ấy đều góa vợ, ông ấy thường phàn nàn rằng giờ đây hai ta đều kết hôn với sách mất rồi, ta thì với đống sách cũ còn ông ấy thì lấy cái đống sổ sách. Bọn ta là bạn tốt. Trong một lần thăm hỏi, Cabestany kể cho ta bằng cách nào, mà với một số tiền ít ỏi, ông ấy lại giành được quyền phát hành tiếng Tây Ban Nha các cuốn tiểu thuyết của Julián Carax, một nhà văn trẻ gốc Barcelona sinh sống tại Paris. Chuyện này xảy ra hồi năm 1928 hay 1929. Hình như vào ban đêm tay Carax đó làm nhạc công piano ở một nhà chứa tầm tầm nào đó ở khu Pigalle còn ban ngày thì viết sách tại một gác xép tồi tàn trên phố Saint-Germain. Paris là thành phố duy nhất trên thế giới nơi mà chịu đói đến chết vẫn còn được coi là một nghệ thuật. Carax từng xuất bản vài cuốn tiểu thuyết tại Pháp, nhưng thảy đều thất bại thảm hại. Tại Paris không ai chịu thừa nhận anh ta, với cả Cabestany luôn thích mua đồ rẻ.”

“Vậy Carax viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp?”

“Ai biết được? Có lẽ cả hai. Mẹ của Carax là người Pháp, giáo viên dạy nhạc, chắc vậy, và anh ta sống tại Paris từ năm mười chín hay hai mươi tuổi gì đó. Cabestany chỉ nói rằng bản thảo của Carax gửi đến bằng tiếng Tây Ban Nha. Còn đó là bản dịch hay bản nguyên gốc thì ông ấy chẳng quan tâm. Ngôn ngữ ông ấy yêu thích là tiền, còn lại thì chẳng có nghĩa lý gì. Dường như với Cabestany thì có lẽ, nhờ vào chút may mắn nào đó, ông ấy có thể bán được vài nghìn bản in trên thị trch Tây Ban Nha.”

“Thế ông ấy có bán được không?”

Isaac nhíu mày khi rót cho tôi thêm một chút dung dịch chất hồi phục của mình. “Ta nghĩ rằng cuốn bán chạy nhất, Ngôi nhà màu đỏ, bán được khoảng chín mươi bản.”

“Nhưng ông ấy vẫn tiếp tục xuất bản sách của Carax, dù bị lỗ,” tôi chỉ ra.

“Đúng thế. Ta chịu thôi. Cabestany không hẳn là một tay thích lãng mạn. Nhưng ta nghĩ hẳn ai cũng có bí mật của mình. Từ năm 1928 đến năm 1936, ông ấy xuất bản tám cuốn tiểu thuyết của Carax. Dù sao, lĩnh vực Cabestany thực sự kiếm ra tiền là nhờ bán những cuốn vấn đáp giáo lý và một loạt tiểu thuyết ủy mị rẻ tiền ngợi ca một nhân vật nữ quê mùa có tên Violeta LaFleur. Mấy thứ đó bán chạy như tôm tươi. Ta đoán rằng Cabestany xuất bản sách của Carax bởi chúng thỏa mãn cơn mộng tưởng của ông ấy, hoặc chỉ là để phủ nhận quy luật đào thải của Darwin.”

“Vậy chuyện gì đã xảy ra với Señor Cabestany?”

Isaac thở dài, ngước nhìn lên. “Tuổi già - cái giá mà tất thảy chúng ta đều phải trả. Ông ấy trở nên ốm yếu và gặp phải vài ba vấn đề về tiền nong. Năm 1936, con trai cả của ông ấy thay cha quản lý việc kinh doanh, nhưng gã là cái loại thậm chí kích cỡ quần lót của mình còn chẳng đọc nổi. Chưa đầy một năm mọi thứ đều sụp đổ. May thay, Cabestany chẳng bao giờ phải chứng kiến những gì mà đám thừa tự của mình làm với thành quả làm việc của cả đời ông ấy, hay những gì chiến tranh đã gây ra cho đất nước ông ấy. Một cơn tai biến mạch máu não đã tiễn đưa ông ấy đứng vào đêm Ngày Lễ Các Linh Hồn, với điếu xì gà Cuba trên môi và một cô ả hai lăm trên đùi. Ra đi như thế mới là ra đi chứ! Thằng con thì như hoàn toàn thuộc nòi giống khác. Ngạo mạn đúng y kiểu những thằng ngu ngạo mạn. Ý tưởng vĩ đại đầu tiên của gã là cố gắng bán toàn bộ đống sách còn trong kho của công ty, vốn là của thừa kế từ cha, và chuyển sang chuyên sản xuất tạp chí rẻ tiền hay cái gì đó tương tự. Bạn gã, một thằng nhóc có nhà ở khu Caldetas và một chiếc xe thể thao của Ý, đã thuyết phục gã rằng truyện tình bằng ảnh và sách kiểu như Cuộc chiến đấu của tôi[1] sẽ bán chạy như điên, và kết quả là sẽ nảy sinh nhu cầu khổng lồ về giấy.”

[1. Cuộc chiến đấu của tôi (Mein Kampf): cuốn sách khét tiếng của Adolf Hitler.]

“Gã có làm thế thật không?”

“Đáng lẽ là có nhưng hắn không có thời gian. Chẳng bao lâu sau khi tiếp quản việc kinh doanh, một người nào đó đã xuất hiện tại văn phòng của gã đưa ra một đề nghị rất hào phóng. Người đó muốn mua toàn bộ số sách của Julián Carax còn tồn trong kho và sẵn sàng trả gấp ba lần giá bìa trên thị trường.”

“Chẳng cần nói cũng biết. Là để đốt chúng,” tôi làu bàu.

Isaac cười. Ông ta có vẻ ngạc nhiên. “Quả đúng là như vậy. Thế mà nãy giờ ta cứ tưởng cậu hơi cù lần cơ đấy, cứ hỏi một đống câu hỏi như thế mà chẳng hiểu ra được điều gì.”

“Người đó là ai?”

“Ai đó tên như là Aubert hay Coubert, ta không nhớ rõ lắm.”

“Laín Coubert?”

“Cái tên đó cậu nghe quen sao?”

“Đó là tên một trong các nhân vật trong Bóng hình của gió, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Carax.”

Isaac nhíu mày. “Một nhân vật hư cấu sao?”

“Trong cuốn tiểu thuyết, Laín Coubert là cái tên được dùng bởi quỷ dữ.”

“Hơi bị màu mè quá, nếu cậu hỏi thì ta nói thế. Nhưng dù có là ai, ít nhất hắn ta cũng có khiếu hài hước đấy,” Isaac suy đoán.

Với những hình ảnh về cuộc gặp gỡ đêm đó vẫn còn tươi mới trong ký ức, tôi không thể nhìn ra mặt hài hước của vấn đề, dù từ góc độ nào, nhưng tôi lưu lại ý kiến của mình để dành cho dịp nào đó thuận tiện

“Người đó, Coubert, hay tên hắn có là gì đi nữa - mặt hắn có bị bỏng nặng, thành ra biến dạng không?”

Isaac nhìn tôi với nụ cười để lộ cả sự hứng thú lẫn quan tâm. “Ta chẳng biết mô tê gì hết. Người kể ta chuyện này chưa bao giờ gặp mặt hắn trực tiếp, mà chỉ biết chuyện là nhờ hôm sau con trai Cabestany kể cho thư ký của mình nghe. Gã chẳng nhắc gì đến khuôn mặt bị bỏng cả. Cậu có chắc mình không lấy cái chi tiết đó từ chương trình truyền thanh nào đó không đấy?”

Tôi hất đầu ra sau, như thể muốn làm nhẹ vấn đề. “Vậy chuyện đó kết thúc ra sao ạ? Gã con của tay xuất bản sách ấy có bán đống sách cho Coubert không?” tôi hỏi.

“Cái thằng đần ngu ngơ ấy cứ ráng giở trò ma lanh ma giáo. Gã đòi nhiều tiền hơn mức mà Coubert đưa ra, thế là Coubert rút lại lời đề nghị. Vài ngày sau, vừa quá nửa đêm, nhà kho của Cabestany tại khu nghĩa trang Pueblo Nuevo cháy rụi đến tận móng. Và là miễn phí luôn.”

Tôi thở dài. “Chuyện gì xảy ra với đống sách của Carax? Tất cả đều bị thiêu hủy sao?”

“Gần như tất cả. May sao, khi nghe kể về lời đề nghị của Coubert, thư ký của Cabestany liền có một dự cảm. Người này, hoàn toàn do tự ý mình, đi đến nhà kho đem theo các cuốn của Carax, mỗi nhan đề một cuốn. Chính cô ấy là người giao dịch thư từ với Carax, và qua năm tháng giữa họ đã hình thành cái gì đó tựa như tình bạn. Tên cô ấy là Nuria, và ta nghĩ rằng Nuria là cái người duy nhất trong cái nhà xuất bản đó, rất có khả năng là trên toàn Barcelona này, đã từng đọc các tiểu thuyết của Carax. Nuria luôn yêu mến những người sa cơ lỡ vận. Khi còn nhỏ, con bé thường cưu mang những con thú nhỏ nhặt được trên phố. Lớn lên thì nó thành ra cưu mang đám nhà văn thất bại, có lẽ bởi cha nó từng muốn thành nhà văn mà chẳng bao giờ thực hiện được.”

“Bác có vẻ biết nhiều về cô ấy.”

Isaac lại nhoẻn nụ cười ranh ma. “Nhiều hơn là nó nghĩ. Con bé là con gái ta mà.”

Sự tĩnh lặng và ngờ vực gặm nhấm tôi. Càng nghe câu chuyện, tôi càng hoang mang lẫn lộn. “Hình như Carax trở về Barcelona vào năm 1936. Có người nói ông ấy qua đời tại thành phố này. Vậy ông ấy có còn người họ hàng nào tại đây không? Người nào đó có thể biết về ông ấy?”

Isaac thở dài. “Chúa mới biết được. Cha mẹ của Carax đã chia tay từ lâu, chắc vậy. Bà mẹ di cư sang Nam Mỹ rồi tái hôn ở đó. Ta không cho rằng Carax còn liên lạc với cha mình từ khi chuyển đến Paris.”

“Tại sao thế ạ?”

“Ta chịu. Con người ta thường có xu hướng phức tạp hóa cuộc sống của họ, cứ như thể việc sống không thôi chưa đủ phức tạp vậy.”

“Bác có biết liệu cha của Carax có còn sống?”

“Ta hi vọng thế. Ông ấy còn trẻ hơn ta, nhưng hồi này ta chẳng mấy khi ra ngoài và cũng đã nhiều năm rồi không còn đọc trang cáo phó – người thân quen rơi rụng xuống mồ cứ như ruồi ấy, với cả, nói trắng ra thì điều đó cũng khiến ta sợ chứ. À, với lại, Carax là họ của mẹ gã. Cha của gã thì được gọi là Fortuny. Ông ấy sở hữu một tiệm mũ trên đại lộ San Antonio.”

“Vậy, bác có nghĩ rằng liệu có khả năng khi quay về Barcelona Carax lại nảy sinh mong muốn đến thăm con gái bác, Nuria, vì họ là bạn, bởi ông ấy không có quan hệ tốt với cha mình?”

Isaac cười vẻ cay đắng. “Cái đó thì e ta chẳng cách nào biết được. Nói gì thì nói, ta chỉ là cha nó. Ta chỉ biết là có một lần, vào năm 1932 hay 1933, Nuria tới Paris vì công chuyện cho Cabestany, và con bé ở tại căn hộ của Julián Carax khoảng vài tuần. Là Cabestany nói với ta. Chứ còn theo con gái ta thì nó trọ tại khách sạn. Khi ấy nó còn chưa có chồng, và ta ngờ rằng tay Carax đó có hơi bị con bé hút hồn. Nuria của ta là loại chỉ cần đi vào cửa tiệm là cũng đủ làm tan vỡ trái tim một gã đàn ông.”

“Ý bác rằng họ là người tình?”

“Cậu thích các câu chuyện tình lâm ly hử? Này, ta chẳng bao giờ can thiệp vào đời tư của Nuria, bởi cuộc đời ta cũng chẳng phải bức tranh hoàn hảo gì cho cam. Nếu cậu mà có con gái - một phúc lành mà ta chẳng mong ai được hưởng, bởi lẽ đương nhiên là chẳng chóng thì chày con bé cũng làm tim cậu tan nát thôi - dù sao thì đấy là ta đang nói là nếu cậu có con gái, cậu sẽ bắt đầu, mà không ý thức được, chia đám đàn ông ra thành hai nhóm: những kẻ khiến cậu ngờ rằng đã ngủ với con bé và những kẻ không khiến cậu ngờ như vậy. Kẻ nào bảo nói thế không đúng thì cầm chắc là đang nói dối. Ta ngờ rằng Carax thuộc nhóm đầu tiên, nên ta chẳng quan tâm gã có là thiên tài hay kẻ bất hạnh khốn khổ. Với ta gã sẽ luôn là một tên vô lại.”

“Nhỡ đâu bác nhầm.”

“Đừng phản ứng thế, cậu còn rất trẻ và chẳng biết nhiều về phụ nữ bằng ta biết về nướng bánh hạnh nhân đâu.”

“Thôi không tranh cãi chuyện đó nữa,” tôi nói. “Chuyện gì đã xảy ra với những cuốn sách mà con gái bác lấy được từ nhà kho?”

“Chúng ở đây.”

“Ở đây?”

“Thế cậu nghĩ cuốn sách của cậu đến từ đâu - cái cuốn cậu tìm thấy vào ngày cha cậu dẫn cậu tới nơi này ấy?”

“Cháu không hiểu.”

“Rất đơn giản thôi. Một đêm nọ, vài ngày sau vụ cháy ở kho nhà Cabestany, con gái ta, Nuria, đã đến đây. Trông nó có vẻ lo lắng. Con bé nói có ai đó đang đi theo nó và nó sợ rằng người đó là cái gã tên Coubert, kẻ đang cố gắng chiếm đoạt mấy cuốn sách để tiêu hủy chúng. Nuria nói nó tới đây để giấu những cuốn sách của Carax. Nó tới chỗ phòng lớn và giấu chúng trong mê cung những giá sách, giống như chôn vùi vật báu vậy. Ta không hỏi nó đã giấu sách ở đâu, mà nó cũng chẳng nói cho ta. Trước khi đi, con bé bảo rằng ngay khi tìm được Carax nó sẽ quay lại lấy sách. Vẻ như con bé vẫn còn yêu tay đó, nhưng ta chẳng nói gì. Ta hỏi dạo gần đây nó có gặp Carax không, hay có nghe tin tức gì không. Con bé nói hàng tháng rồi nó chẳng ngóng được tin gì từ gã, chính xác là từ lần cuối gã gửi con bé những sửa chữa cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của gã. Ta chẳng rõ nó có nói thật hay không. Điều ta biết là kể từ sau ngày hôm đó Nuria chẳng bao giờ nghe được tin gì từ Carax nữa, và những cuốn sách ấy cứ nằm đây mà phủ đầy bụi.”

“Bác có nghĩ con gái bác sẽ sẵn lòng kể cho cháu về chuyện này không?”

“Cũng có thể, nhưng ta không biết liệu con bé có thể cho cậu biết điều gì mà cậu còn chưa được nghe kể. Nhớ lấy, tất cả những chuyện này đều đã xảy ra từ rất lâu rồi. Sự thật là hai cha con ta không hòa thuận như ta mong muốn. Mỗi tháng ta và con bé gặp nhau có mỗi một lần. Khi đó bọn ta thường đi đâu đó gần gần để ăn trưa, rồi con bé bỏ đi cũng nhanh như khi đến vậy. Ta được biết là vài tháng trước con bé kết hôn với một người đàn ông tốt, một phóng viên, hơi nông nổi đôi chút, đó là ta nghĩ vậy, một trong những kẻ luôn vướng vào rắc rối với chính quyền, nhưng có trái tim thiện lương. Hai đứa tổ chức một đám cưới không theo nghi thức tôn giáo và chẳng mời vị khách nào. Một tháng sau đó ta mới biết. Con bé chẳng bao giờ giới thiệu chồng nó với ta. Miquel, đó là tên chồng nó. Hay gì đó từa tựa thế. Chắc nó chẳng tự hào gì lắm về cha mình đâu, và ta không trách nó. Giờ đây nó ra dáng phụ nữ lắm rồi. Tưởng tượng mà xem, nó thậm chí còn học cách đan lát, và ta nghe kể giờ nó không còn mặc những cái váy như Simone de Beauvoir nữa. Rồi một ngày nào đó, chắc ta sẽ được biết mình đã thành ông ngoại. Hàng năm trời nó ngồi nhà, dịch tiếng Ý và tiếng Pháp làm kế sinh nhai. Ta chẳng biết nó lấy đâu ra tài năng ấy, nói trắng ra là vậy. Không phải từ cha nó, chắc chắn rồi. Để ta ghi lại địa chỉ của con bé, dù ta không chắc rằng bảo nó ta cử cậu tới gặp nó là một ý hay.”

Isaac nguệch ngoạc vài chữ lên góc một tờ báo cũ và đưa tôi mảnh giấy.

“Cháu rất cảm kích. Biết đâu được, có khi cô ấy lại nhớ ra điều gì đó...”

Isaac mỉm cười hơi chút buồn bã. “Hồi còn bé nó nhớ mọi điều. Tất thảy mọi điều. Rồi trẻ em đều lớn lên và ta chẳng còn biết chúng nghĩ gì hay cảm thấy gì nữa. Và có lẽ mọi chuyện đều phải như thế, ta tin vậy. Đừng cho Nuria biết ta đã kể với cậu những gì, được chứ? Những chuyện được nhắc đến trong đêm nay không được tiết lộ cho ai.”

“Bác đừng lo. Bác có nghĩ, vẫn còn nghĩ về Carax?”

Isaac hắt ra một tiếng thở dài và cụp mắt xuống. “Có Chúa mới biết. Ta chẳng biết liệu nó có thực yêu gã đó hay không. Những điều ấy đều được khóa kín trong lòng, và giờ nó đã có chồng. Khi bằng tuổi cậu, ta từng có bạn gái, Teresita Boadas, đó là tên cô ấy - cô ấy may tạp dề trong nhà máy dệt Santamaria trên phố Comercio. Hồi đó cô ấy mười sáu, trẻ hơn ta hai tuổi, và là người phụ nữ đầu tiên ta yêu. Đừng nhìn ta như vậy. Ta biết giới trẻ các cậu cho rằng người già bọn ta chưa bao giờ biết yêu đương. Cha của Teresita có một cái xe làm đá và bán hàng ở chợ Borne, ông ấy bẩm sinh vốn đã hơi đần. Cậu chẳng thể hình dung nổi ta đã sợ thế nào vào cái ngày ta hỏi xin cưới con gái ông ấy, ông ấy liền nhìn chằm chằm ta suốt những năm phút đồng hồ, chẳng có phản ứng rõ ràng nào, tay lăm lăm dùi đục đá. Ta đã dành dụm hai năm ròng để mua cho Teresita một chiếc nhẫn cưới thì cô ấy lâm bệnh. Thi thoảng ở chỗ làm người ta bắt gặp cô ấy đang ho, Teresita kể với ta như vậy. Sáu tháng sau cô ấy qua đời vì bệnh lao. Ta vẫn còn nhớ người cha ngớ ngẩn của Teresita gào khóc nhường nào khi chôn cô ấy ở nghĩa trang Pueblo Nuevo.”

Isaac rơi vào im lặng sâu thẳm. Tôi chẳng dám thở mạnh. Một lúc sau ông ngước lên rồi mỉm cười.

“Ta đang kể về những năm mươi lăm năm về trước, thử nghĩ mà xem! Nhưng nếu phải nói thật thì chẳng có ngày nào ta không nghĩ về cô ấy, về những cuộc dạo bộ của hai ta tới tận khu Triển lãm Quốc tế 1888 nay đã hoang phế, hay cách cô ấy cười mỗi khi ta đọc những vần thơ ta viết tại phòng đọc của ông bác Leopoldo trong tiệm tạp phẩm. Ta thậm chí vẫn còn nhớ khuôn mặt người phụ nữ Digan trên bãi biển Bogatell đã tiên đoán rằng hai ta sẽ luôn luôn bên nhau. Theo cách riêng của mình, bà ấy đúng. Ta có thể nói gì đây? Hừm, phải, ta cho rằng Nuria vẫn còn nghĩ về gã đàn ông đó, dù con bé chẳng hề nói thế. Và sự thực là, ta sẽ chẳng bao giờ tha thứ Carax về điều đó. Cậu vẫn đang trẻ lắm, nhưng ta thì biết quá rõ những chuyện này đớn đau nhường nào. Nếu cậu muốn biết quan điểm của ta, thì Carax là một kẻ đánh cắp trái tim, và gã đã đem trái tim con gái ta theo xuống mồ, hay địa ngục. Ta chỉ yêu cầu cậu một điều: nếu cậu gặp và nói chuyện với con bé, hãy cho ta biết con bé thế nào. Hãy tìm hiểu xem nó có hạnh phúc không. Và liệu con bé có tha thứ cho cha nó hay không.”

NGAY SAU KHI BÌNH MINH LÊN, chỉ với một chiếc đèn dầu để soi đường, tôi quay vào lại Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Vừa đi tôi vừa mường tượng hình ảnh cô con gái của Isaac lang thang suốt những hành lang dằng dặc tối tăm với cùng một quyết tâm đang dẫn lối cho tôi lúc này: nhằm cứu lấy cuốn sách. Tôi cứ ngỡ tưởng còn nhớ được lối đi khi theo cha lần đầu tới thăm nơi này, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra những góc lượn và rẽ ngoặt của mê cung này uốn cong các lối đi thành những đường vặn xoắn đến mức không thể nhớ nổi đâu là đâu. Ba lần tôi cố gắng lần theo lối đi những tưởng vẫn còn nhớ rõ, thì cả ba lần mê cung gửi tôi về lại cùng một vị trí. Isaac đợi sẵn tôi ở đó, một nụ cười giễu cợt trên môi.

“Cậu có định một ngày nào đó sẽ quay lại lấy cuốn sách này?” ông ta hỏi.

“Đương nhiên rồi.”

“Nếu thế cậu nên ăn gian một chút.”

“Ăn gian ư?”

“Chàng trai trẻ, cậu hơi chậm hiểu thì phải? Hãy nhớ lại truyền thuyết về Minotaur đi.”

Mất vài giây tôi mới hiểu ông ta đang gợi ý điều gì. Isaac lấy trong túi áo ra một con dao nhíp cũ đưa cho tôi.

“Hãy đánh dấu ở tất cả các góc. Một vết khía mà chỉ mình cậu có thể nhận biết. Ở đây toàn gỗ cũ toàn vạch khía lẫn vết trầy xước nên sẽ chẳng ai chú ý trừ cái người biết rõ mình đang tìm kiếm cái gì.”

Tôi làm theo lời khuyên của ông ta và một lần nữa thâm nhập vào mê cung. Mỗi lần đổi hướng, tôi dừng lại để đánh dấu các giá sách với một chữ C và X bên vách lối đi mình định chọn. Hai mươi phút sau tôi đã ở sâu trong tòa tháp và, một cách khá tình cờ, nơi tôi định chôn giấu cuốn tiểu thuyết bỗng lộ ra trước mắt. Ở bên phải tôi để ý thấy một hàng tập sách về việc giải thể tài sản của nhà thờ do tác gia lỗi lạc Jovellanos chấp bút. Với đôi mắt tuổi mới lớn của tôi, sự ngụy trang ấy hẳn có thể khiến ngay cả bộ óc xảo quyệt nhất cũng phải nản lòng. Tôi lấy ra vài tập sách và rà soát tầng thứ hai được che khuất đằng sau những bức tường chữ như khắc bằng cẩm thạch kia. Giữa những đám bụi nhỏ, vô số vở kịch của Moratín và một cuốn Cial e Güelfa mới toanh đứng liền kề với Tractatus Theologico Politicus của Spinoza. Bỗng nhiên, tôi quyết định sẽ giấu cuốn sách của Carax giữa cuốn niên giám năm 1901 gồm tường thuật các vụ kiện tại tòa án dân sự Gerona và một bộ các tiểu thuyết của Juan Valera. Để tạo khoảng trống, tôi quyết định lấy cuốn Thi ca thời hoàng kim nằm kẹp giữa hai cuốn kia ra ngoài, đoạn nhét Bóng hình của gió thay vào đó. Tôi chào tạm biệt cuốn tiểu thuyết bằng một cái nháy mắt rồi đặt bộ hợp tuyển của Jovellanos trở về chỗ cũ, và xếp sách ở hàng trước vào che kín hàng sau.

Tôi rời nơi đó mà không gặp mấy khó khăn nhờ lần tìm đường ra dựa vào những dấu hiệu mình đã khắc lên lúc đi vào. Khi bước trong bóng tối xuyên qua những hành lang và đường hầm toàn những sách, tôi không khỏi bị nhấn chìm bởi một cảm giác buồn. Tôi không khỏi ngẫm ngợi rằng nếu như mình, chỉ nhờ tình cờ, đã tìm ra cả một vụ trụ ẩn chứa trong một cuốn sách vô danh bị chôn vùi trong cái nghĩa trang vô tận đó, thì còn hàng vạn vũ trụ nữa sẽ vẫn chưa hề được khám phá, vĩnh viễn bị lãng quên. Tôi thấy mình như bị vây quanh bởi hàng triệu trang sách bị bỏ rơi, bởi những thế giới và những linh hồn vô chủ đang chìm dần vào đại dương đen tối, trong khi cái thế giới hối hả bên ngoài thư viện dường như đang ngày ngày mất đi ký ức của chính nó mà không tự biết, càng quên bao nhiêu thì lại càng thấy mình thông thái bấy nhiêu.

***

BÌNH MINH ĐANG TAN DẦN KHI TÔI TRỞ LẠI CĂN HỘ trên con phố Santa Ana. Khẽ mở cửa chính, không với tay bật đèn, tôi nhẹ nhàng lách vào trong. Từ tiền sảnh, tôi có thể thấy phòng ăn ở cuối hành lang, bàn ăn được bày biện cho bữa tiệc vẫn chưa bị dọn đi. Chiếc bánh ngọt vẫn ở đó, còn nguyên vẹn, bộ đồ sứ vẫn đang chờ đợi các món ăn được bày ra. Tôi có thể nhìn ra hình bóng bất động của cha tôi trên chiếc ghế bành, ông đang quan sát cảnh vật bên ngoài cửa sổ. Cha tôi còn thức và vẫn đang bận bộ vét đẹp nhất của ông. Những vòng khói uể oải bốc lên từ điếu thuốc lá ông kẹp giữa ngón trỏ và ngón đeo nhẫn như thể đó là một cây bút. Đã nhiều năm nay tôi không thấy cha hút thuốc.

“Chào buổi sáng,” cha tôi lầm rầm, dúi điếu thuốc lá vào tàn thuốc đầy ứ những đầu mẩu thuốc mới cháy được một n

Tôi nhìn cha mà không biết phải nói gì. Ánh sáng từ sau lưng lóa mờ đi đôi mắt ông.

“Tối qua Clara gọi đến vài lần, mấy tiếng sau khi con rời nhà,” ông nói. “Cô ấy có vẻ rất lo lắng. Cô ấy nhắn con gọi lại, bất cứ lúc nào cũng được.”

“Con không định sẽ gặp hay nói chuyện với Clara nữa đâu,” tôi nói.

Cha tôi gật đầu nhưng không đáp lại gì. Tôi buông mình xuống một trong các ghế tại bàn ăn và nhìn chăm chăm xuống sàn nhà.

“Con không định kể xem tối vừa rồi đã đi đâu ư?”

“Chỉ loanh quanh thôi ạ.”

“Con làm cha sợ kinh hồn đấy.”

Không chút giận dữ nào ẩn trong giọng ông và gần như không có chút chê trách, chỉ có sự mệt mỏi.

“Con biết. Con xin lỗi,” tôi trả lời.

“Con đã làm gì với mặt của mình thế?”

“Con trượt ngã do nước mưa.”

“Cơn mưa đó hẳn đã có cú móc phải khá được đấy. Bôi cái gì lên đó đi.”

“Chẳng sao đâu. Con còn chẳng nhận thấy mà,” tôi nói dối. “Giờ con cần ngủ một chút. Con gần như không đứng được nữa rồi.”

“Ít ra hãy mở quà trước khi đi lên giường,” cha tôi nói.

Ông chỉ về phía gói quà bọc trong giấy bóng kính mà đêm trước ông đã đặt sẵn lên bàn cà phê. Tôi do dự trong chốc lát. Cha tôi gật đầu. Tôi nhấc gói quà lên và thử sức nặng của nó. Không mở gói quà, tôi trao nó lại ta

“Cha gửi trả nó đi, con chẳng xứng đáng được nhận bất cứ món quà nào.”

“Quà tặng sinh ra là để đem lại niềm vui sướng cho người tặng chúng, không phải vì phẩm chất của người được nhận quà,” cha tôi nói. “Với cả, cái này không hoàn trả được. Cứ mở ra đi.”

Tôi cẩn trọng mở gói quà trong ánh ban mai nhập nhoạng. Bên trong chứa một chiếc hộp gỗ khảm sáng bóng, rìa mép đóng đinh tán bằng vàng. Thậm chí trước khi mở hộp, tôi đã nhoẻn miệng cười. Tiếng chiếc móc gài bật mở nghe vô cùng tinh tế, như tiếng tích tắc của đồng hồ. Bên trong, chiếc hộp được lót một lớp nhung màu lam thẫm. Cây bút Meisterstück huyền thoại hiệu Montblanc của Victor Hugo nằm ở chính giữa. Hình ảnh đó khiến tôi sững sờ. Tôi cầm chiếc bút lên hướng ra ánh sáng ngoài ban công nhìn cho rõ. Phần thân trên vàng óng của chiếc bút được khắc một dòng chữ.

DANIEL SEMPERE, 1950

Tôi chằm chằm nhìn cha, ngơ ngẩn. Tôi không nhớ từ trước đến nay mình từng thấy vẻ mặt cha hạnh phúc được như giây phút ấy. Không nói năng gì, ông đứng dậy khỏi ghế bành và ôm chặt lấy tôi. Tôi nghe cổ họng nghèn nghẹn, không thốt nổi một lời và rơi vào lặng im tuyệt đối.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện