Căn hộ của Catơrin Mêđixit ở Luvrơ được căng vải nâu, quanh tường là những tấm ván ghép bằng gỗ sồi màu sẫm. Goá bụa mới được vài tháng, trong lúc này bà mặc tang phục mà có lẽ mặc trong cả cuộc đời còn lại của bà, thoạt nhìn cho cảm giác thật tang tóc nhưng đủ để ngẩng đầu lên long đỉnh mà bà ngồi dưới đó để tin chắc người ta không hề ở trong mộ địa.

Thực tế, trên chiếc long đỉnh có một vòng cầu vồng được viền quanh một câu châm ngôn Hilạp của nhà vua cho con dâu, được dịch ra những từ sau: “ Ta đem lại ánh sáng và sự thanh bình”.

Ngoài chiếc cầu vồng này như một chiếc cầu nối quá khứ và tương lai, giữa tang tóc và lễ hội đã không đủ làm bình tâm người lạ đột nhiên vào trong căn hộ này, người ấy chỉ có đưa mắt nhìn từ trên xuống dưới chiếc long đỉnh và nhìn con người thực sự đẹp đẽ ngồi trong chiếc ghế bành có tên là Catơrin-đờ-Mêđixit, vây quanh là bảy người đàn bà trẻ mà người ta gọi là hội tao đàn hoàng gia.

Sinh năm 1519, con gái của Lôrăng đã bước sang tuổi tứ tuần và nếu màu sắc y phục của bà gợi nên vẻ chết chóc trong tất cả sự cứng rắn lạnh lùng của bà thì đôi mắt tinh anh sắc sảo toả ánh sáng siêu tự nhiên biểu lộ cuộc sống trong toàn bộ sức mạnh và sắc đẹp của bà. Ngoài ta, sắc trắng ngà của vầng trán, nước da sáng, sự trong sáng, vẻ cao quý, tính nghiêm khắc của những đường nét trên bộ mặt bà, cái nhìn kiêu hãnh, sự bất động của vẻ mặt, không ngừng đối lập với đôi mắt luôn đưa đẩy của bà, tất cả tạo nên từ cái đầu ấy một bộ mặt của nữ hoàng La Mã và nhìn nghiêng, với con mắt chiếu thẳng, đôi môi bất động, ta tưởng đó là một tượng đá cổ.

Tuy nhiên, vầng trán lúc bình thường u tối còn lúc này vừa sáng lên, đôi môi lúc thường vẫn mím chặt vừa hé mở mấp máy và khi bà đô đốc bước vào, bà gắng lắm mới kìm nổi tiếng kêu ngạc nhiên khi nhìn thấy nụ cười của bà này chỉ hơi mỉm miệng.

Nhưng bà sớm đoán ra ngay dưới sức mạnh bí mật nào mà nụ cười ấy hé mở.

Ngồi gần hoàng thái hậu là ngài hồng y giáo chủ Loren, tổng giám mục Rem và Nacbon, giám mục ở Metj, Tun và Vecđoong, Têruan, Luyxông, Valăngxơ, linh mục ở Xanh Đơnit, Fêcăm, Cluyny và Macmuchiê vân vân…

Hồng y giáo chỉ Loren mà hầu như chúng tôi quan tâm nhiều hơn bà hoàng Catơrin, xét tới địa vị quan trọng mà ông đảm nhiệm trong lịch sử cuối thế kỉ mười sáu; hồng y giáo chủ Loren là con trai thứ của quận công Đờ Ghidơ đệ nhaant, anh của Balafrê; hồng y giáo chủ Loren này mà mọi ân sủng của giáo hội, được biết và không được biết ở Pháp cùng lúc được truyền tụng; cuối cùng con người này được cử tới La Mã năm 1548, đã tạo được một cảm nghĩ thật lớn lao trong cái thành phố của giáo hội bởi sự trẻ trung, vẻ đẹp trai, sự duyên dáng, vóc người oai vệ, phong cách tuyệt vời, những cách ứng xử lịch thiệp, tình yêu khoa học của ông; mọi sự thiên tư nhận được của tạo hoá hoàn thiện và đóng khung bới nền giáo dục đã chứng minh ở món quà tặng là chức hồng y giáo chủ La Mã mà giáo hoàng Pôn đệ tam đã phong cho ông từ một năm nay.

Sinh năm 1525, vào thời này, ông ba mươi tư tuổi. Đây là một kị sĩ phi thường, đẹp trai, kiêu căng và phóng khoáng, nhắc lại với mẹ nuôi Catơrin của ông khi người ta trách cứ họ về nền tài chính kiệt quệ.

- Ta phải ca ngợi Chúa Trời về tất thảy; nhưng ta phải sống.

Mẹ nuôi Catơrin của ông, vì chúng ta đã gán cho ông cái từ gia đình thân thuộc ấy, thực sự là mẹ đỡ đầu của ông theo mọi nhận thức của từ này, vào thời ấy, bà không làm việc gì mà không hỏi ý kiến ngài hồng y giáo chủ Loren. Sự thâm giao này cắt nghĩa bởi sự chế ngự mà hồng y giáo chủ tác động tới tinh thần của hoàng thái hậu và cho ta hiểu thế lực vô biên và quyền uy tuyệt đối của dòng họ Loren tại cùng đình nước Pháp.

Khi nhìn thấy hồng y giáo chủ Loren tựa người vào chiếc ghế bành của Catơrin, bà đô đốc tự giải thích nụ cười của hoàng thái hậu: chắc chắn hồng y giáo chủ vừa kể một câu chuyện nào đó với tinh thần châm biếm cao độ của ông.

Những nhân vật khác vây quanh hoàng thái hậu là Frăngxoa-đờ-Ghidơ và ông hoàng Gioanhvin, con trai của ông và là vị hôn phu của tiểu thư Xanh Ăngđrê; thống chế Xanh Ăngđrê; ông hoàng Môngpăngxiê và vợ ông là Giăccơlin Hôngri thật nổi tiếng bởi được tín nhiệm gần gũi Catơrin-đờ-Mêđixit, ông hoàng LaRôtxơ-suya-yông.

Sau họ là: ngài Buôcđây (Brăngtôm); Rônga; Baip; “ cũng hiền lành như là thi sĩ tồi”, nói như hồng y giáo chủ Đuyperông Đôra là “ tinh thần đẹp đẽ, thi sĩ xấu xa và là Panhđa ( Pindare : ông trùm các nhà thơ trữ tình Hy Lạp (521-441 trước Thiên chúa giáng sinh). Tư tưởng mạnh bạo và ẩn dụ, văn phong rạng rỡ, uy nghiêm, hình ảnh dồi dào, phong phú, chuyện thuật nồng nhiệt và hoa mỹ là những nét nổi bật của những bài thơ của ông, tuy nhiên hơi khó hiểu và kiêu kì.(N.D)) của nước Pháp” như những người đương thời của ông nói.

Rồi đến Rơmi Belô, ít được biết bởi bản dịch tồi Anacrêông và bài thơ của ông về sự khác nhau của những viên đá quý, nhưng nổi tiếng bởi bài ca tươi mát về tháng tư; Pôngtuyt-đờ-Tia, nhà toán học, triết học, thần học và thi sĩ, “ Con người này, theo Rôngxa, là người đưa khổ thơ mười bốn câu và nước Pháp”; Giôđen, tác giả kịch bản Clêôpattrơ, vở kịch đầu tiên của nước Pháp, Chúa tha thứ cho ông ở trên trời như chúng ta tha thứ cho ông ở thế gian! Tác giả vở Điđông, vở kịch thứ hai: vở Ơgien, hài kịch và một loạt những bài thơ về bốn câu, những bài Catơrin, thơ trữ tình và bi ca phổ biến vào thời kì ấy nhưng lại không được biết tới ở thời hiện đại chúng ta, cuối cùng là toàn bộ nhóm bảy nhân vật nổi danh trừ Clêmăng Marô chết năm 1544 và Giôaxim-đuy-Belay được Macgơrit-đờ-Nava mệnh danh là Ôviđơ nước Pháp.

Tối nay, mọi nhà thơ ấy đều tụ họp tại nhà hoàng thái hậu mà lúc bình thường đã ít cố gắng để có mặt với sự hiện diện của những người này với những người khác vì đây là do tai nạn xảy ra đêm hôm trước với nữ hoàng trẻ Mari Stuya.

Ít ra đó là cái cớ cho mỗi người vịn vào, bởi vì nói đúng ra, sắc đẹp , sự trẻ trung, vẻ duyên dáng, tinh thần của người đàn bà trẻ đối với họ đã nhạt nhoà trước vẻ oai vệ và đầy quyền lực của hoàng thái hậu. Vì vậy, sau vài lời chia buồn sáo rỗng về một sự kiện hẳn có những hậu quả khủng khiếp trong tương lai, việc mất một kẻ thừa kế vương miện, người ta chóng quên lý do cuộc viếng thăm để chỉ còn nghĩ tới những ân huệ, những sự ưu ái hoặc lợi lộc mà người ta xin xỏ cho những người của họ hoặc cho chính bản thân họ.

Người ta cúng nói tới hai lá thư đe doạ lần lượt gửi tới nhà vua nước Pháp qua các cửa sổ của thống chế Xanh Ăngđrê, nhưng câu chuyện không hề tỏ ra có đầy đủ hứng thú nên tự nó bị rơi tõm mất.

Khi bà đô đốc tới, mọi bộ mặt tươi tỉnh ấy liền cau có và cuộc nói chuyện đang vui vẻ trở nên lạnh nhạt và nghiêm trang.

Người ta nói rằng đó là việc một kẻ thù đến trong một phe liên minh.

Thật thế, do lòng mộ đạo khắt khe, bà đô đốc Côlinhi là một cái bóng che mờ bảy ngôi sao vây quanh Catơrin.

Như bảy cô gái của Atlat, những vì sao sáng chói ấy cảm thấy khó chịu trước đức hạnh không gì lay chuyển nổi ấy và biết bao lần người ta tìm cách làm tổn thương và họ đã buộc phải vu khống do không thể gièm pha.

Giữa sự im lặng thật có ý nghĩa ấy, bà đô đốc tỏ ra không hề để tâm, bước đến hôn bàn tay bà hoàng thái hậu Catơrin và trở lại ngồi trên một chiếc ghế đẩu, bên phải là ông hoàng Gioanhvin, bên trái là ông hoàng La Rôtxơ-suya-yoong.

- Này! Các ông ở Thi đàn- Catơrin nói sau khi bà đô đốc đã ngồi xuống – Không ai trong các ông không thể kể cho chúng tôi nghe bài ca mới nào, bài thơ bát cú nào hoặc bài thơ hay ho nào chứ? Nào, nhạc trưởng Rôngxa, ông Giôđen, ông Rơmi Benlô, chính các ông hãy khơi mào câu chuyện đấy; có đáng tự hào có ở nhà mình những con chim, nếu những con chim này lại không biết hót! Ông Piê đờ Buôcđây vừa làm chúng ta vui vì câu chuyện hay, các ông hãy làm chúng ta vui bằng những bài thơ đẹp nào.

Bà hoàng nói những lời này bằng âm tiết nửa Pháp, nửa Ý, đem lại một sự duyên dáng thật màu mè cho câu chuyện của bà khi bà vui vẻ tự nhiên, nhưng miệng lưỡi của Đăngtơ, bà biết lấy giọng chì chiết khủng khiếp khi vẩn là câu chuyện ấy trở thành u tối.

Vì Catơrin nhìn cắm vào ông Rôngxa làm ông này phải đi đầu đáp lại lời kêu gọi ấy:

- Tâu nữ hoàng kiều diễm- ông nói- Tất cả những gì tôi nói thì lệnh bà đã biết cả còn đối với những gì lệnh bà chưa biết thì thần không quá lời để lệnh bà biết.

- Tại sao thế? Nhạc trưởng- Catơrin hỏi.

- Bởi vì đó là những loại thơ tình được làm cho những kẻ ở trong buồng buồng ngủ mà mẫu hoàng khá oai nghiêm thì sao người ta lại dám hát trước mặt người những bản tình ca của những mục đồng ở Nhiđơ được.

- Chà – Catơrin nói- ta chẳng phải là người ở xứ sở của Pêtraccơ và Bôcaxơ ư? (Pêtraccơ(Péttrarque), thi sĩ Ý nổi tiếng về những bài thơ có ngôn ngữ nôm na – Bôcaxơ(Boccace), thì sĩ và văn sĩ Ý đã nâng cao cao và làm phong phú ngôn ngữ Ý) Hãy nói đi, nói đi, thày Piê, tất nhiên nếu bà đô đốc cho phép.

- Nữ hoàng là nữ hoàng ở đây cũng như mọi nơi khác, lệnh bà đã ra lệnh thì những lệnh đó phải được vâng lời!- Bà đô đốc nghiêng mình đáp.

- Ông thấy đấy, nhạc trưởng – Catơrin nói – ông có tất cả đặc quyền. Nào! Chúng ta nghe đây.

Rôngxa tiến lên một bước, lùa bàn tay vào trong bộ râu hung, ngước cặp mắt đầy vẻ dịu dàng trang trọng lên trời như lục tìm trong kí ức nguồn thi hứng và với giọng duyên dáng, ông đọc một bản tình ca mà không một ai trong những nhà thơ đương thời của chúng ta thèm muốn cả.

Sau ông này, đến lượt Rơmi Benlô đọc, theo yêu cầu của nữ hoàng Catơrin, một bản mục ca nói về những luyến tiếc của một con chim gáy đực đối với con chim gáy cái, bạn tình của nó. Đó là một ác ý ám chỉ bà đô đốc Côlinhi, bị những miệng lưỡi xấu xa ở trong Cung đình kết tội là bà có lòng thương cảm âu yếm thống chế Strôdi bị sát hại bởi một phát súng hoả mai năm trước ở giáo hội Tiôngvin.

Cử toạ vỗ tay trước sự ngỡ ngàng của bà đô đốc dẫu bà có sức mạnh tự chủ, bà vẫn không thể ngăn nổi máu dồn lên mặt.

Sự yên tĩnh gần được lặp lại thì Piê đờ Buôcđây, lãnh chúa Brăngtôm được mời kể về một vài giai thoại đàng điếm được kết thúc bởi một trận cười điên dại của cả cử toạ: người này cười ngất, người kia oằn người hoặc tựa người ngồi cạnh để khỏi ngã. Mọi cửa miệng thốt ra những tiếng kêu, những giọt nước mắt tuôn chảy từ những khoé mắt và ai nấy đều rút khăn tay nói:

- Ôi! Thôi đi ông Đờ Brăngtôm, xin ông hãy thôi đi cho! Thôi đi!

Cũng như những người khác, bà đô đốc bị co thắt thần kinh không cưỡng nổi mà người ta gọi là cười, và cũng như mọi người bà rút mạnh khăn tay trong túi ra.

Thế là trong lúc rút chiếc khăn tay, bà đã cùng lúc lôi theo lá thư định mệnh định đem đưa cho bà Đăngđơlô.

Chỉ có điều bà đưa khăn tay lên lau nước mắt, thì lá thư rơi xuống đất.

Như chúng tôi nói, ông hoàng Đờ Gioanhvin ngồi cạnh bà đô đốc. Cười ngất nghiêng ngả, cố giữ lấy mạng sườn, ông hoàng trẻ đã nhìn thấy lá thư rơi, một lá thư thơm phức, được gấp cẩn thận, một lá thư thực sự êm dịu từ túi bà đô đốc rơi xuống. Ông hoàng Đờ Gioanhvin cũng rút khăn tay như mọi người. Ông cố để rớt chiếc khăn trùm lên lá thư và cúi xuống nhặt cả lá thư và chiếc khăn tay.

Rồi, tin chắc là cái này đã bọc cái kia, ông nhét cả hai thứ đó vào túi dành để đọc lá thư vào lúc thích hợp.

Thời gian thích hợp ấy chính là lúc bà đô đốc đi khỏi.

Như ở mọi cực điểm của sự vui vẻ, đau đớn hay cười cợt, tiếp sau những tiếng ồn ào của xã hội hoàng gia là một vài giây yên lặng trong đó chuông đồng hồ đã báo nửa đêm.

Tiếng chuông đồng hồ và cái giờ ấy nhắc bà đô đốc đã đến lúc bà trả lại lá thư cho Đăngđơlô và trở về lâu đài Côlinhi.

Bà lục trong túi tìm lá thư. Bức thư không còn trong túi nữa.

Bà tiếp tục lục soát trong tất cả các túi tiền đeo ở thắt lưng, trong ngực, nhưng hoàn toàn vô ích. Bức thư đã biến mất, bị đánh cắp hay đánh mất.

Bà đô đốc còn cầm chiếc khăn tay. Ý nghĩ chợt loé lên trong đầu bà là khi rút chiếc khăn tay ra khỏi túi, bà đã kéo theo cả lá thư.

Bà nhìn xuống đất: lá thư không có ở đấy. Bà dịch chiếc ghế: không có lá thư!

Bà đô đốc cảm thấy thất sắc.

Ông Đờ Gioanhvin theo dõi mọi hành động ấy của bà đô đốc không nén được hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Thưa bà đô đốc. Hình như bà tìm cái gì đó thì phải? - Tôi ư? Không… Có… Không có gì… không có gì… tôi không mất gì cả - Bà đô đốc đứng lên, ấp úng.

- Ồ! Lạy Chúa tôi, bà bạn thân mến – Catơrin hỏi- Có chuyện gì xảy đến với bà vậy? Mặt bà chuyển từ trắng sang đỏ tía…

- Tôi cảm thấy khó chịu trong người,- Bà đô đốc bàng hoàng nói – Xin lệnh bà cho phép tôi cáo lui…

Catơrin bắt gặp cái nhìn của ông Đờ Gioanhvin và hiểu ý cái nhìn ấy, thấy cần để bà đô đốc hoàn toàn tự do.

- Ồ! Bạn thân mến – Bà hoàng nói với bà đô đốc- có Chúa mới che chở tôi đi giữ bà trong tình trạng bà đau khổ như thế này! Hãy trở lại nhà bà và hãy giữ gìn sức khoẻ vì sức khỏe của bà thật thân thiết đối với tất cả chúng tôi.

Bà đô đốc gần như nghẹn ngào tức tối, cúi mình không trả lời và đi ra.

Cùng với bà ra về còn có các ông Rôngxa, Ba-ip, Đôra, Giôđen, Ti-a, và Belô đưa tiễn bà; bà luôn lục tìm trong túi cho tới tận kiệu của bà; rồi sau khi thấy những người khiêng kiệu đi về hướng lâu đài Côlinhi, sáu thi sĩ đến bến cảng vừa chuyện trò về tài hùng biện và triết lý rồi đi về phố Fôtxe-Xanh-Victo, tại đây có ngôi nhà của Ba-ip, một kiểu viện hàn lâm cũ mà mọi thi sĩ tụ tập hàng ngày, đúng hơn là một số đêm để sáng tác, bình thơ hoặc tất cả những vấn đề văn học hoặc triết học.

Chúng ta hãy để họ đi bởi họ tách khỏi con đường dẫn dắt chúng ta vào trong mê hồn trận của những âm mưu chính trị và tình ái mà chúng ta được tham dự, vậy chúng ta hãy trở lại chỗ ở của Catơrin.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện