Đây là cái quy tắc điên rồi gì thế!

Lúc nàng ở thời hiện đại, vẫn luôn sống một mình cho đến hơn bốn mươi tuổi, gì mà yêu đương rồi kết hôn, nàng chưa bao giờ nghĩ tới cả. Có lẽ là bởi trời sinh đã chẳng có cái gen đó nên đối với phương diện và vấn đề tình cảm mới không có chút phản ứng nào.

Tại sao mọi người nhất định phải kết hôn? Ngọc Trúc uể oải không vực dậy được tinh thần.

Nàng biết rõ nơi đây không phải là hiện đại, trừ khi đồng ý xuất gia, bằng không thì sẽ trở thành kẻ dị hợm trong đoàn người nếu như không lập gia đình. Ngay đến bản thân lúc ở thời hiện đại, khi bốn mươi tuổi mà vẫn không kết hôn còn gặp phải cảnh chỉ trỏ huống chi gì là thời phong kiến cổ đại này.

Ngọc Dung thấy tinh thần của nàng không được tốt cho lắm, còn tưởng là thân thể nàng lại không ổn ở đâu nên bế nàng sờ soạng trước sau mấy lượt. Cuối cùng vẫn là Ngọc Trúc tự nghĩ thông, tinh thần cũng khá hơn, nên hai vị tỷ tỷ mới thở phào yên lòng.

Dẫu sao bây giờ nàng mới có bốn tuổi, tới khi hai mươi tuổi vẫn còn mười sáu năm nữa, nên bây giờ rầu rĩ vì cái quy định kia quả có hơi sớm.

Ngọc Trúc nghĩ thông mối vướng bận của mình, lúc này mới có tâm trạng ghé vào vai của đại tỷ ngắm nhìn khung cảnh xung quanh.

Càng nhìn thì càng thấy hài lòng.

Lần đầu tiên khi vừa nghe đến vịnh Hà nàng đã có dự cảm rằng nhà mới của nàng sẽ nằm trong một vịnh.

Giờ đây khi đang đi trên con đường này, ngửi thấy mùi gió biển mằn mặn, trông đằng xa là vùng biển rộng và bãi cát xa, cả người Ngọc Trúc phấn chấn hẳn lên.

Đây là môi trường sống mà nàng quen thuộc!



So với sự phấn khích của Ngọc Trúc thì những người khác lại lặng thinh hơn nhiều. Bọn họ chưa từng tới biển bao giờ nên nhìn con đường trước mặt chỉ thấy mịt mờ.

Ở cái chỗ này có thể ăn no không? Người ở thôn Thượng Dương có dễ hòa hợp hay không? Còn bản thân liệu có thể cắm rễ ở nơi đây không?

Các cô nương ôm tâm trạng bất an lo sợ theo Thái điển lại đi tới cổng thôn Thượng Dương.

Hệt như Ngọc Trúc phỏng đoán, thôn Thượng Dương đúng là một thôn trang nhỏ nằm trong vịnh. Mặt hướng ra biển rộng, lưng tựa vào núi lớn. Đi qua núi lớn là có thể trông thấy nội thành của thành Hoài, quả đúng là rất gần.

Ở cổng thôn lúc này đã có rất nhiều người đứng để hóng vui. Người đứng đầu chắc là trưởng thôn Thượng Dương, áo quần ông thẳng thớm sạch sẽ, vuốt vuốt chòm râu trông rất hiền hậu. Đứng phía sau là mấy hán tử cao to tráng kiện, mặt nghiêm, tướng dữ. Có điều con người ấy à, không thể chỉ nhìn vẻ ngoài được.

“Ôi chao! Thái điển lại, sao lại dẫn nhiều miệng ăn tới thế! Trời ạ! Còn gầy gò hết như thế này nữa… thôn Thượng Dương chúng ta nghèo lắm! Tần đại nhân cũng không châm chước cho chút ít!”

Vừa nói ông vừa dùng ánh mắt ghét bỏ đánh giá đoàn người một lượt.

Các cô nương da mặt mỏng, nghe thấy mấy lời này thì đỏ mặt cúi đầu. Ngục Trúc vẫn chỉ là một đứa trẻ, da mặt lại dày nên nàng cũng mặc kệ ý tốt ý xấu gì, cứ mở to mắt quan sát cẩn thận mọi người đứng ở cổng thôn.

Người xem náo nhiệt đa phần đều là trẻ con, mặc dù quần áo trên người chúng đều cũ nát nhưng sắc mặt hồng hào tươi tắn, tinh thần phấn chấn. Hoàn toàn không hề có chút cảm giác cơm không đủ no áo không đủ mặc tí nào. Hơn nữa, tuy ngoài miệng thôn trưởng ở đây tỏ ý ghét khinh các nàng nhưng trong ánh mắt lại toát vẻ vui mừng, hiển nhiên là rất hài lòng với những cô nương mới đến này.

Nếu đã hài lòng, cớ sao lại tỏ vẻ không thích?

Ngọc Trúc tỏ ý khó mà hiểu thấu.

Nhưng nàng sẽ nhanh chóng biết được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện