“Cô rất là đẹp, senorita,” Dolores suýt soa.

Bóng của Canuela trong gương nói với cô rằng bộ áo cải trang trông rất xứng với cô. Thân áo chẽn đen phô bày vòng eo thon, và chiếc áo cánh cổ cắt thấp bằng muslin thêu những đường nhún hình tổ ong màu đỏ càng tôn thêm vẻ mỏng mịn của làn da.

Bên dưới vành nón sombrero mái tóc được bao kín bằng khăn tay đỏ, và đôi mắt trông thật to trên khuôn mặt thanh tú.

“Đeo mặt nạ lên đi, senorita,” Dolores nhắc, cho cô. Trong lúc Canuela thay áo, cô gái đã xuống dưới lầu đem lên chiếc mặt nạ này. Canuela thấy món đồ rất xinh xắn, nhưng che rất kín. Phần vòng qua mũi và chung quanh mắt làm bằng nhung, nhưng dưới đáy gắn tua bằng ren đen theo kiểu Venetian hầu như che khuất môi. Cô mang mặt nạ vào và nhận ra người nào tinh mắt lắm mới đoán được danh tính của cô.

“Bây giờ cô xuống dự tiệc được rồi,” Dolores tuyên bố.

“Tôi không thể nào... em biết mà tôi không thể xuống dưới đâu!” Canuela phản đối.

“Tại sao lại không được, senoriata?” Dolores hỏi tới. “Em hứa với cô, không có ai nhận ra cô đâu, bảo đảm cô sẽ thích thú tất cả các bộ đồ hóa trang tuyệt vời đó cũng như em vậy.”

Cô gái nhỏ giọng như sợ có người nghe trộm và nói thêm.

“Em tiết lộ cho cô một bí mật nhé: senor mặc đồ như qúy tộc Anh hồi xưa đấy.”

“Tôi không biết mình cải trang như vậy có đủ không?” Canuela nói với chính mình hơn là với Dolores.

Rồi cô nghĩ điều mình nên làm là cởi bộ áo ra ngay lập tức và lên giường đi ngủ cho xong. Ở địa vịa của cô mà gia nhập với những người dự hội hè đình đám dưới kia thì thật hoang đường, tuy vậy Ramón lại mời cô tham dự chung với khác khứa của hắn khiến cô ngờ vực không hiểu động cơ của hắn là gì. Nhưng đồng thời cô không thể biện hộ cho tính rụt rè của mình bằng cách cho rằng mình không được mời.

Vậy thì cô rụt rè, e lệ, hay nhút nhát đây? Cô tự hỏi mình và cảm thấy xấu hổ vì cô chưa bao giờ là người nhút nhát cả. Cô lúc nào cũng nghĩ về mình như là người can đảm có óc phiêu lưu, tuy nhiên không hiểu vì lý do nào cô lại e sợ dấn thân vào chuyến phiêu lưu này mà suy cho cùng chỉ là một mạo hiểm nhỏ nhoi.

Trước kia cô chỉ là khán giả – là người ngoài cuộc đứng xem những lễ hội chỉ quan trọng đối với dân chúng Argentine. Nhưng bây giờ giả sử cô chỉ đi vài phút thôi – chỉ để xem vườn tược, đèn màu, và vũ sảnh được trang hoàng ra sao thôi. Như cảm giác được tâm trạng do dự của cô, Dolores thúc giục.

“Mau đi, senorita – đi mau đi! Chuyện nguy hiểm nhất là bị bắt gặp lúc đi xuống thang lầu, nhưng em sẽ dẫn cô đi lối khác và đến khi xuống vũ sảnh thì cô đã lẫn vào đám đông rồi.”

Không sai, năm phút sau Canuela mới nghĩ ra.

Cô đã len vào được trong đám đông.

Cô đoan chắc không có ai lưu ý đến cô trong lúc cô len lỏi giữa rừng người trang phục vui nhộn đang dạo trong vườn, khiêu vũ trong phòng, hay đứng tán gẫu với nhau. Dường như có khá nhiều phụ nữ giống như cô, đứng riêng một mình, hay có lẽ đang đi tìm người đàn ông đặc biệt giữa bao đàn ông ẩn danh.

Dolores hoàn toàn đúng khi nói rằng đồ hóa trang đẹp đến độ mê ly. Trước mắt cô là vô số các bộ y phục như những loài hoa Columbines, rồi vũ công ballet, Harlequines (vai hề trong tuồng câm), và các chú hề ngộ nghĩnh. Rồi còn một số giả trang trong váy tròn phồng to và đội tóc giả to tướng theo thời trang khởi xướng bởi hoàng hậu Pháp Marie-Antoinette trong thế kỷ 18.

Kia là gần cả chục Portias (vệ tinh của thiên vương tinh) trong đồ lụa đỏ, loại đồ thích hợp với những người tóc màu sậm, và đây là sáu bảy Persephones (hoàng hậu của địa ngục trong thần thoại Hy Lạp) mà Canuela đinh ninh là đang đội tóc giả bạck kim.

Khi dõi mắt tìm hắn, dù cô không muốn thừa nhận điều này ngay cả với chính mình, Canuela thấy Ramón de Lopez trong đám đông. Hắn đang đi từ vũ sảnh ra ngoài vườn và đang dìu một nàng Carmen (cô gái du mục trong tiểu thuyết Prosper Mérimée) trong trang phục thật ấn tượng. Hắn mặc bộ dạ phục vừa khít người, áo khoác đuôi tôm và quần chẽn màu champagne theo kiểu quý ông thời Georgian. Cravat trắng tinh được hồ cứng cao đến tận đường cằm sắc nét. Hắn che mặt nhưng Canuela vẫn nhận ra được hắn ở bất cứ nơi nào.

Cô không thể nào quên được vầng trán vuông vức, mà cô thường ngắm mỗi khi dùng cơm với hắn trong suốt mười hai ngày trên tàu, hay là mái tóc dày màu sẫm và đường viền môi hắn. Cô vẫn nhớ như in vành môi đó uốn lên châm biếm hay đanh lại như thế nào khi cô khiến hắn nổi giận.

Giờ thì hắn đang trò chuyện sôi nổi với người đi bên cạnh, thấy thế Canuela vội vã rẽ sang hướng ngược chiều. Rồi cô thấy họ đang đi về phía những luống hoa, nơi đó chỉ có ánh đèn lồng mờ ảo quyến rũ và những ánh đèn màu nhấp nháy như đưa đường dẫn lối vào sâu trong bóng tối của lùm cây.

Canuela không dằn nổi câu hỏi cứ thôi thúc trong lòng mình rằng nàng Carmen duyên dáng bên cạnh Ramón sẽ dùng cái cớ nào để cám dỗ hắn vào chỗ khuất như vậy. Nhưng cô lại tự trả lời mình hắn đâu cần đến bất cứ cái cớ nào. Cô từng biết quá rõ suốt thời gian trên tàu hắn đã phải ép mình sống như nhà tu khổ hạnh, thì giờ hắn phải tìm kiếm lại những nét lôi cuốn và mọi sự đãi ngộ nơi những người đàn bà khêu gợi chứ.

Phải cố hết sức Canuela mới tự nhủ rằng đây không phải là lúc nấn ná xem Ramón sẽ làm gì trong vườn, nhưng phải nắm lấy cơ hội tham quan vũ sảnh. Cô đi vào trong phòng ngang qua lối đi đã được tháo cửa sổ. Buổi sáng khi ghé qua đây cô chưa nhận ra là Ramón đã có ý thắp sáng căn phòng chỉ bằng đèn sáp. Những ngọn nến lung linh tỏa ánh sáng quyến rũ trên những người đàn bà đang dìu dặt trong điệu waltz với bạn nhảy của họ trên sàn nhảy bóng loáng. Hoa được trưng bày khắp nơi – trên những dây hoa treo dọc theo tường, chất cao trong các góc phòng, và hầu như che khuất cả ban nhạc trên sân khấu nhỏ.

Hương hoa, mùi các loại nước hoa lạ, và tiếng cười nói dường như hoà lẫn với giai điệu lãng mạn. Toàn thể khung cảnh nơi đây đều đẹp đẽ, đồng thời thật thú vị cho những ai chưa một lần được tham dự vũ hội của những người trưởng thành.

Lần đầu tiên Canuela thấy được dáng dấp phụ nữ tao nhã như thế nào trong lúc khiêu vũ, làn váy rộng xòe quanh thân người như những cánh hoa, rồi đầu cô gái ngửa ra sau để ngước lên nhìn người bạn nhảy.

Thế rồi điệu nhạc waltz đã chấm dứt và giờ đây các cặp đang đưa nhau ra vườn dạo hay đến bên dãy bàn dài trên đấy là thức ăn hay các món giải khát đã được dọn sẵn trong phòng bên ngoài thông với vũ sảnh.

Canuela đang phân tự hỏi không biết có ai để ý cô đang đứng một mình trong lúc nhạc bắt đầu trổi lên hay không. Lần này dàn nhạc chơi điệu tango. Cô lúc nào cũng muốn xem điệu nhảy này vì ba từng dạy cho cô, nhưng giờ thì cô không thể ra nhảy và chỉ đành đứng ngắm điệu vũ uyển chuyển với những bước nhảy cầu kỳ và đôi khi khó khăn được trình diễn ngay trước mắt cô.

Trong lúc cô đang say mê thưởng thức thì bỗng có giọng nói vang lên bằng tiếng Tây Ban Nha.

“Senorita, cho tôi hân hạnh được nhảy với cô bản này chứ?”

Nghe tiếng nói cô giật mình hoảng sợ và trước khi kịp quay đầu lại cô đã biết ai đang đứng đó. Trong giây lát cô vẫn đứng đờ người không cất tiếng nổi, cảm thấy giọng mình như tắc ngẹn trong cổ. Rồi cứ xem như cô đã chấp thuận Ramón choàng tay qua eo cô và dìu cô ra sàn nhảy.

Canuela cảm nhận được bàn tay vững vàng của hắn trên hông mình. Vì mặc y phục nông dân nếu như mang găng thì không hợp nên cô để tay trần, không những thế bàn tay trái của Ramón cũng không đeo găng. Khi hắn chạm vào ngón tay cô, Canuela cảm thấy một luồng rung chuyển như đang xuyên suốt thân thể mình mà cô nghĩ đấy là vì lo sợ.

“Tôi e rằng tôi nhảy không tương xứng với hắn,” cô băn khoăn.

Nhưng cô nhận ra họ đang phối hợp thật hài hoà trong những kiểu cách lạ lùng mà thậm chí hắn vừa nhảy bước này là cô đã đoán được bước kế tiếp của hắn là gì. Cô thật không biết nguyên do vì sao, có lẽ là do tay hắn đang áp trên eo cô hay là vì cô đang ở sát bên hắn quá chăng.

Cô chỉ biết mình bước thật dễ dàng theo bất cứ kiểu nào hắn muốn, và không cần nghĩ suy gì ngoại trừ niềm vui thú được khiêu vũ với người đàn ông tài nghệ điêu luyện.

Hắn lên tiếng hỏi sau khi họ di chuyển đến nửa vòng quanh phòng.

“Cô thích dạ vũ này không?”

Cô toan trả lời nhưng chợt nhận ra nếu nói bằng tiếng Tây Ban Nha hắn sẽ biết được giọng cô. Trong phút chốc cô ngập ngừng, rồi bỗng tâm trí cô lóe lên một ý tưởng.

“Buổi dạ vũ này rất vui, signor,” (ông, anh) cô trả lời bằng tiếng Ý.

Ramón chưa bao giờ nghe cô nói tiếng Ý, cho dù cô không thạo thứ ngôn ngữ này như tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhưng cô từng được Maria, đầu tiên là bà vú rồi sau này là người hầu của cô, chỉ dạy.

Lionel Arlington từng cương quyết bắt Canuela phải học tiếng Ý, nhưng cô lại học được ở Maria cách nói tiếng lóng, thường gọi là “Lunfardo.” Thứ tiếng này được hình thành bởi thành phần người Ý nhập cư và được sử dụng trong các bài hát Argentine, đặc biệt là các bản điệu tango. Canuela biết hắn chắc chắn không thể nào hình dung được cô biết nói “Lunfardo.”

“Thì ra cô đang sống trong Buenos Aires, signorita,” (cô) Ramón nhận xét.

Giờ thì hắn cũng nói tiếng Ý nhưng là thứ tiếng Ý thuần túy và có văn hóa của thành phần qúy tộc.

“Si, signor.” (vâng, thưa ông)

Canuela hy vọng rằng hắn đừng hỏi cô nhiều quá. Dù thế nào đi nữa, trong ngày lễ hội mà cố truy nguyên danh tính của bạn nhảy mình là điều không phải. Vì cái vui của ngày hội là được ẩn danh khuất tính! Có như thế thì người chồng không nhận ra được vợ mình đang mặc áo nào để biết đâu cô vợ mình có thể tán tỉnh mình mà anh ta vẫn không hay biết. Còn riêng đối với các tiểu thư Argentine thì đây luôn luôn là dịp để đoạt được nhân tuyển kết hôn mới hay khám phá thêm người ái mộ bất ngờ.

Dường như Ramón đoán được ý nghĩ của cô họ tiếp tục nhảy trong yên lặng và Canuela biết hắn phối hợp với cô rất ăn ý nên các bước của cô hầu như không có tì vết nào. Ramón không đưa cô vào những bước mà theo lời mẹ cô nói là sẽ khiến những bà phu nhân khả kính phải kinh hoàng, nhưng hình như hắn nhận ra cô rất thành thạo nên họ lại càng tạo những kiểu rối rắm hơn khó khăn hơn.

Canuela thầm nghĩ một cách hãnh diện, “tôi vẫn chưa để lộ sơ xuất nào.”

Cuối cùng bản nhạc cũng kết thúc Canuela cảm thấy hắn nắm tay cô bên ngay bên dưới khuỷu tay và đưa cô len lỏi qua đám đông ra ngoài vườn. Tâm trạng vẫn còn nửa bàng hoàng nửa hưng phấn với điệu nhảy cô chưa kịp nhận ra hắn đang đưa cô đi, cho đến khi cô thình lình nhận ra mình đang đứng trên lối đi hẹp viền đèn màu và họ dường như đã bỏ lại đám đông mãi phía sau.

Cô tự nhiên dừng lại ngay và ngước mắt lên nhìn hắn.

“Cô nhảy rất đẹp, signorita,” hắn trầm giọng nói.

“Grazie,” (cám ơn) cô đáp lại, giọng nhỏ rứt gần như là thì thào.

Hắn không nói tiếp câu nào và dường như đối với Canuela sự im lặng của hắn đầy ý nghĩa – ý nghĩa nào đấy cô không cách nào hiểu nổi.

Ramón cúi xuống nhìn cô và cô cảm thấy hắn áp đảo làm sao, áp đảo như lần hắn bước vào cabin của cô và dáng dấp hắn hình như quá to lớn trong căn phòng ấy.

“Chúng ta phải... quay trở lại,” cô ấp úng nói.

“Nếu cô muốn vậy,” hắn đáp lại.

Hắn vẫn nhìn xuống cô, dọ dẫm. Cô bứt rứt suy nghĩ chắc hắn muốn nhìn tận phía sau lớp mặt nạ của cô để đoán xem cô lại có thể là ai. Nhưng hắn tuyệt nhiên không hề cử động và Canuela cảm thấy chân mình như bị chôn chặt. Rồi thật bất ngờ hắn đưa tay ra cầm lấy tay cô.

“Cám ơn nhé,” hắn nói thật khẽ và hôn lên tay cô.

Cô cảm nhận được làn môi hắn ấm áp, áp mạnh trên da mình và cảm giác thật lạ lùng như một lằn chớp bạc đang xuyên ngang thân thể. Rồi hầu như có điều gì đấy thật khó hiểu đang kiềm tỏa họ, hai người họ quay bước trở về khu vườn tràn ngập khách khứa.

Khi họ đến gần nhóm người đầu tiên đang đứng trò chuyện trên tay cầm rượu champagne, bỗng một bóng người trong y phục La Dame aux Camélias (trà hoa nữ) tách khỏi đám đông và kêu lên nho nhỏ.

“Em tìm anh từ nãy đến giờ – em đang đợi anh đấy.” Giọng điệu cô ta lộ rõ vẻ nồng nàn.

Không đợi nghe câu trả lời của Ramón Canuela quay đi nhanh như cắt và không hề quay đầu lại cô len lỏi qua nhóm người đang đứng trên cỏ tiến về phía ngôi nhà. Cô vào qua lối cửa ngỏ, khi thấy hành lang vắng lặng cô lẻn lên lầu không để cho ai hay biết.

Cô lao vội đến phòng mình, đóng ngay cửa lại phía sau và kéo nón xuống. Giờ đây toàn thân cô như hãy còn rộn ràng thao thức với tiếng nhạc và điệu vũ tuyệt diệu.

Họ vừa cùng nhau khiêu vũ điệu tango!

Bây giờ cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, không ai có thể tước đoạt đi hồi ức đẹp đẽ đó. Cô được khiêu vũ như cô hằng ao ước với người mà bước nhảy thật tương xứng với cô, và di chuyển với tài nghệ điêu luyện mà cô phải công nhận là hiếm có.

Thật chậm rãi Canuela lần lượt cởi chiếc váy đỏ, áo chẽn đen, và chiếc áo cánh thêu, rồi mặc áo ngủ và tháo khăn choàng đầu để tóc buông dài xuống vai. Tận xa xa cô nghĩ mình hãy còn nghe được tiếng nhạc dập dìu.

Vào giường nằm lặng im trong bóng đêm, cô suy ngẫm lại những chuyện vừa mới xảy ra. Cho đến bây giờ cô vẫn không nhận rõ được khi hai người nhảy tango người đàn ông sẽ ôm người đàn bà gần đến thế. Thâm tâm cô hãy còn bồi hồi với cảm giác thầm kín khi ngực cô tựa vào ngực anh.

Họ đã gần bên nhau – rất gần đến độ cô hơi e ngại anh nghe được nhịp tim của cô. Chỉ đến lúc này cô mới cảm thấy lạ là họ nói với nhau ít quá. Tuy nhiên cô biết thật khó mà nói khi họ đang nhảy những bước thật khó khăn phức tạp và uyển chuyển của điệu tango. Nhưng chắc chắn nếu chỉ là người bạn nhảy bình thường cô sẽ có rất nhiều điều để nói với Ramón. Thế nào cô cũng khuyến dụ anh như “trà hoa nữ” hiển nhiên đang làm trong lúc này, sẽ chu đôi môi đỏ như senora Sánchez, sẽ ngửa ra sau phô bày cần cổ trắng mịn màng. Nhưng kiểu nào Canuela cũng không thực hiện.

Cô cảm thấy e thẹn vì, dù rằng Ramón không hề biết, vẫn cảm nhận thật rõ rệt khi anh hiển hiện bên cô. Thân thể anh toát lên vẻ nam tính vừa uy nghi vừa mạnh mẽ làm sao. Dáng vẻ đó cứ quấy nhiễu cô khi họ làm việc chung với nhau và mỗi khi cô tự nhủ là mình căm ghét anh.

Nhưng giờ đây cô lại dao động.

Tay cô vẫn còn cảm giác mang dấu ấn nụ hôn của anh.

“Tôi đã sai rồi khi đi dự tiệc của anh ấy. Ramón đã phản bội ba và vì chuyện đó mà tôi căm thù anh.”

Nhưng không hiểu sao trong căn phòng phủ đầy bóng tối cô chỉ cảm nhận được đôi môi anh áp trên tay mình.

-o0o-

Vì cảm thấy lương tâm áy náy vì cách hành xử của mình tối qua, sáng hôm sau Canuela xuống làm việc thật sớm.

Xuống đến nơi cô đã thấy một số thư và khá nhiều điện tín đã nằm trên bàn của cô, Canuela liền đi mở thư và giải mã. Khi cô tự hỏi không biết khi nào Ramón sẽ gọi cô thì senor Náon đã bước vào phòng.

“Buenos dias, senorita,” ông chào cô. “Tôi hy vọng đêm rồi cô ngủ ngon và không bị tiếng nhạc làm phiền?”

“Không có gì đâu, senor, cám ơn ông hỏi thăm. Tôi ngủ ngon lắm,” Canuela đáp lại, dù điều đó không mấy thành thật.

“Vậy thì tốt, tôi thấy là cô đã sẵn sàng bắt tay làm việc.”

“Vâng, đúng vậy,” Canuela trả lời. “Thế senor có trong văn phòng không?”

“Không, sáng nay ông ấy ra ngoài cưỡi ngựa.”

Senor Náon mỉm cười nói thêm.

“Thông thường khi senor ngủ trễ ông ấy ‘ra ngoài vận động cho tinh thần sảng khoái,’ như cách nói trong tiếng của cô bằng cách chạy ngựa dữ lắm. Ông ấy nói làm thế tốt cho gan.”

“Ba tôi cũng thường nói như vậy!” Canuela reo lên, nhưng bất chợt cô nhận ra nói như thế sẽ tiết lộ bản thân mình, điều mà cô không bao giờ muốn.

“Ba cô cũng thích ngựa à?” Senor Náon hỏi han.

“Như hầu hết người Anh,” Canuela lạnh lùng nói. “Tôi hy vọng senor Lopez sẽ không đi lâu. Có một số điện tín từ Anh cần hồi đáp.”

Senor Náon nở nụ cười.

“Senor lúc nào cũng làm theo đường lối của ông ấy. Ngoài ra, ông ấy có thể đang tìm những lối thông thường ra khỏi thành phố vì đường xá sáng nay đã bị chặn.”

Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Canuela senor Náon nói tiếp.

“Tối qua xảy ra bạo động và Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến đã dựng rào cản trong một vài nơi, có lẽ cảnh sát chưa kịp dọn đi.”

“Tình trạng bất an sao?” Canuela hỏi.

“Rắc rối hơn thường ngày một chút. Tôi không hiểu cô có nghe về thành phần cấp tiến mới này trong Buenos Aires hay chưa.”

Qủa tình Canuela đã nghe tới nhưng cô cảm thấy mình tốt hơn nên giữ im lặng, thay vì thế cô chỉ nói.

“Ông nói có những thành phần chống đối à? Nghe đáng sợ quá!”

“Bắt đầu từ bốn năm qua rồi, trong năm 1889,” senor Náon nói, thái độ ông tỏ rõ hài lòng khi giải thích cho Canuela, vì ông tin cô không am tường vấn đề này. “Và khởi sự bằng những sự tố cáo các hành động xấu xa của nouveaux riches (nhà giàu mới phất) bởi các thành viên của giới qúy tộc thủ cựu, bảo thủ.”

“Tôi nghĩ ông nói họ là những người cấp tiến?”

“Họ là một số thành viên bất bình và ảo tưởng trong xã hội, bọn người này thấy mình có vài điểm tương đồng với nỗi bất mãn, cay đắng của công nhân,” senor Náon giải thích.

“Thế nên họ lập thành tổ chức?” Canuela hỏi một cách gợi ý, vì có cảm tưởng senor đang chờ cô hỏi câu đó.

“Đó là tổ chức chính trị gọi là Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến, và họ tập hợp những người trong các phe phái chống đối và bạo động.”

“Họ thành công chứ?” Canuela chất vấn.

“Họ gây cho mọi người nhiều trở ngại lắm,” senor đáp lại. “Đã có những cuộc biểu tình đại chúng rầm rộ xảy ra và họ đã khởi đầu phong trào chống chính phủ, vì có sự hậu thuẫn của hải quân.”

“Hải quân cũng chống đối sao?” Canuela ngạc nhiên hỏi.

“Chính vì họ có khả năng tấn công quân đội chính phủ, vấn đề này khiến tổng thống phải cân nhắc lại vị thế của ông ấy. Tổng thống đã cố bám víu vào chức vụ, nhưng đã hết hy vọng và ông ấy phải từ chức.”

Canuela thật sự ngạc nhiên.

Cô từng nghe danh của Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến trước khi rời Buenos Aires, nhưng không nhận thức rõ họ đã phát triển mạnh mẽ đến tầm cỡ nào hoặc trên thực tế đã trở thành một đảng phái lớn mạnh đủ để chính phủ cần lưu ý một cách nghiêm trọng.

Senor Náon thở dài.

“Dĩ nhiên, như tình trạng lúc nào cũng xảy ra với các sự kiện này, phần tử phiến loạn đã vượt khỏi tầm kiểm soát, và đấy là chuyện xảy ra tối qua.”

“Họ đã gây chuyện gì?” Canuela hỏi.

“Đập nát cửa kính trong các cơ sở của chính phủ, gây trở ngại cho cảnh sát, và không cần phải nói cũng biết họ là đâu dây mối nhợ của rất nhiều cái chết.”

Canuela biết sự việc này cũng không phải mới mẻ gì trong ngày quốc khánh. Đồng thời cô nhớ lại phiến quân trở thành phần tử nguy hiểm thế nào khi họ chống đối an ninh trật tự hết sức cực đoan.

“Chúng ta hãy hy vọng senor không gặp phải chống đối nào trên đường đi.”

“Chuyện đó thì tôi thấy khó lòng lắm,” senor Náon đáp lại, “nhưng tôi không quá sốt ruột đợi ông ấy về đâu, senorita. Nếu cao hứng, biết đâu ông ấy đến tận estancia cũng không chừng.”

“Từ đây đi chắc cũng mất khoảng hai tiếng?” Canuela kêu lên hầu như thất thần.

“Tôi không tin là senor mất nhiều thời gian như thế,” senor vừa cười vừa nói. “Mặt khác biết đâu ông ấy có thể trở về bất cứ lúc nào.”

Canuela nghĩ đúng là thái độ điển hình của dân Argentine.

Sau một hồi cô bỏ cuộc hết nóng lòng trông ra cửa đợi Ramón về, và nhắn lại cho người trong văn phòng biết họ có thể đi đâu tìm cô, Canuela bỏ ra vườn. Ngoài đó khá nhiều gia nhân đang lúi húi thu dọn rác rến từ tối qua. Hoa đã được đem khỏi vũ sảnh, các ly đĩa dơ cũng được gom lại. Các người làm vườn đang gỡ đèn lồng trên cây xuống và tháo luôn những dây đèn màu khỏi những lối đi.

Không để ý đến đôi chân đã đưa mình đến đâu, Canuela thấy mình đang đi dọc theo lối đi hẹp đã cùng sóng bước với Ramón. Tại sao khi điệu vũ chấm dứt họ gần như không nói lời nào với nhau? Có thể nào anh ấy cũng có cùng cảm giác nhiệm màu như cô khi bước nhảy của họ rất đồng nhất với nhau không? Giờ đây cô nhận ra rằng giây phút ấy say mê đến không ngờ khiến cô khiêu vũ điệu tango cùng anh thật hài hòa, không một chút nào ngập ngừng hay vấp váp, hay thậm chí lo lắng đến bước kế tiếp sẽ là gì.

“Chúng ta phối hợp thật hoàn hảo!” cô tự nhủ.

Rồi không muốn nghĩ tới anh nữa, cô vội vã quay trở lại. Vào đến văn phòng, cô lại dọn dẹp dù đã sắp đặt ngay ngắn đâu vào đó trước khi đi, và đến cuối cùng cô lấy một quyển sách kinh tế ra đọc. Nhưng toàn bộ thời giờ cô chỉ chú tâm nghe ngóng đến khi nào chủ mình trở về một cách lo lắng. Cô tự bảo mình đó chẳng qua vì cô muốn biết anh sẽ trả lời điện tín từ Anh tới ra sao.

Cơm trưa của cô được dọn trong căn phòng trông ra sân, cùng nơi cô dùng cơm tối đêm đầu tiên đến đây. Nhìn qua các ô cửa sổ đang mở cô thấy được nền cẩm thạch được điêu khắc tuyệt đẹp trên đài nước và nghe tiếng nước dìu dặt phun lên không trung rồi lại rớt xuống bể đá. Cô thấy mình đang ngắm nghía đài nước, tuy nhiên vẫn có cảm giác mình đang chờ đợi, nghe ngóng.

Nóng lòng với cả chính mình, Canuela ngồi xuống viết một bức thư dài cho mẹ. Cô cố nhớ mọi chi tiết nhỏ nhặt sẽ làm cho mẹ thích thú – Buenos Aires trông ra sao, rồi mô tả về ngôi nhà của Ramón, vũ hội nhộn nhịp tối qua.

“Con đã khiêu vũ cùng senor Lopez...” cô mở đầu thư với hàng chữ ấy, rồi lại xóa đi. Cô không thể giải thích vì sao mình làm vậy, nhưng cô không muốn mẹ biết họ đã cùng nhau khiêu vũ.

Cô viết xong thư, ghi địa chỉ, dán tem rồi bỏ hòm thư. Khi senor Náon vào văn phòng thì vừa đúng bốn giờ. Canuela biết ông vừa nghỉ trưa khoảng hai tiếng sau khi dùng cơm.

“Vẫn chưa có tin tức của senor Lopez. Theo tôi đoán, chắc ông ấy đã đi estancia. Tôi thật ngạc nhiên vì cứ nghĩ mai ông ấy mới đi.”

“Có lẽ ông ấy lo lắng muốn xem mọi người đã trở lại làm việc chưa,” Canuela mỉm cười nói. “Tôi cho rằng họ cũng ăn mừng quốc khánh như mọi người khác.”

“Cái làng nhỏ đó sẽ được trang hoàng,” senor Náon trả lời, “senor Lopez cũng cung cấp cho họ pháo hoa. Mọi người ở đó đều do ông ấy thuê vào làm mà.”

“Có nhiều người không?” Canuela hỏi.

“Hơn hai trăm,” senor đáp. “Làng đó là một làng có kiểu mẫu đặc trưng, được xây chung quanh một ngôi nhà thờ cổ.”

“Tôi mong ngày nào đó có dịp xem.” Canuela nói.

“Tôi chắc thế nào senor cũng mời cô đến estancia,” senor đáp lại nhưng giọng ông lại thiếu sức thuyết phục.

Khi cô toan trả lời ông thì cửa đột nhiên mở toang và một gia nhân bước vào phòng. Nét mặt anh ta có vẻ lạ lùng miệng thì nói một hơi.

“Senor Náon, là Alberto. Anh ta vừa về tới!”

“Alberto?” Senor Náon ngạc nhiên kêu lên.

Ngay sau đó một người đàn ông bước vào văn phòng, anh ta mặc quần áo gaucho trông lịch sự của người phục vụ cá nhân.

“Senor Náon! Ông không thể nào tin – không thể nào hình dung chuyện gì đã xảy ra đâu, nhưng tôi được phái mang tin nhắn về cho ông. Ông phải hành động – ông phải hành động ngay tức thời!”

“Toàn bộ chuyện này là sao đây?” senor Náon lo âu hỏi.

“Senor de Lopez – họ bắt ông ấy rồi. 15 đứa cả thảy. Chúng tôi không còn cách nào – không làm gì được cả!”

Canuela đứng dậy. Cô thấy Alberto đưa cho senor Náon một mảnh giấy, ông ta cầm lấy và chậm rãi đọc.

Canuela không thể kiềm chế được nữa.

“Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì vậy?”

“Bọn du kích quân, senorita,” Alberto trả lời. “Bọn du kích của Liên-đoàn-nhân-dân. Họ đã bắt giam senor.”

Cô nhận ra ngay đó là chữ viết của Ramón và trong thoáng chốc những hàng chữ ấy như nhảy múa trước mắt cô.

Tôi đã bị các thành viên của Liên-đoàn-nhân-dân bắt giữ. Họ đòi tiền chuộc một triệu peso, phân nửa số tiền phải giao bằng vàng. Họ cho tôi biết nếu tiền không được giao vào 12 giờ trưa mai, tôi sẽ bị bắn. Alberto có chỉ thị về địa điểm liên lạc với họ.”

Ramón de Lopez

Canuela chậm chạp đọc mảnh giấy và cảm thấy những từ ngữ đó không thể nào ngấm vào trí não cô.

“Không thể nào là sự thật! Không thể nào cả!” Senor Náon thốt lên hoài nghi.

“Đó là sự thật, senor,” Alberto rầu rĩ bảo đảm với ông. “Bọn chúng đến quá bất ngờ. Chúng tôi đang ra khỏi estancia. Chúng tôi phóng nhanh lắm, vì senor có ngựa mới.”

Anh ta hoa tay diễn tả.

“Dù cho ngựa còn sung sức, chúng tôi cũng không thoát kịp. Bọn nó đón đầu chúng tôi và thoạt đầu chúng tôi không nhận ra chúng là ai.”

“Anh nói có 15 đứa?” Senor Náon hỏi.

“Khoảng 15 đứa, senór, có lẽ hơn. Tôi đâu có đếm. Lúc đó tôi rất là hoảng, rất sợ! Rồi chúng bao vây chúng tôi.”

“Lúc đó senor làm gì?”

“Ông ấy hỏi bọn nó muốn gì,” Alberto trả lời. “Chúng nói với ông ấy một lúc lâu. Tôi không nghĩ là có chuyện gì nghiêm trọng. Tôi chỉ nghĩ bọn nó nhờ senor giúp đỡ gì đó thôi.”

“Tôi hiểu được,” senor Náon xen vào. “Làm sao anh lại cho rằng senor, chứ không là ai khác, lại bị nguy hiểm?”

“Họ nói họ tranh cãi không phải vì cá nhân ông ấy,” Alberto giải thích, “nhưng vì họ muốn tiền. Vì vậy chúng quyết định bắt cóc người giàu đầu tiên nào ra khỏi thành phố mà không có người bảo vệ đi kèm.”

“Anh có mang súng lục chứ?” Canuela hỏi.

“Chỉ có hai người chúng tôi, senorita,” Alberto trả lời, “chỉ có hai thôi! Ngoài ra, khi chúng nó đang bao vây muốn bắn đi chăng nữa cũng đâu có lợi ích gì.”

Anh ngưng lại rồi nói tiếp một cách áo não.

“Chúng tôi chỉ có thể hạ hai đứa, nhưng bọn nó sẽ giết sạch chúng tôi.”

Quả thật là lý lẽ không thể nào có câu trả lời và Canuela nói.

“Vậy chuyện gì xảy ra khi senor nắm được ý bọn chúng?”

“Ông ấy yên lặng và bình tĩnh lắm, senorita. Ông ấy bảo bọn nó làm vậy chả có lợi lộc gì, nhưng tụi nó không chịu nghe.”

“Rồi chuyện gì xảy ra nữa?” senor Náon vặn hỏi.

“Chúng nói chúng phải có một triệu pesos, và senor là người đề nghị tôi mang tin về.”

“Ông ấy muốn cứu anh khỏi bị bắt giữ.” Canuela nhận xét.

“Tôi hiểu được, senorita, nhưng tôi thà là đi chung với ông ấy,” Alberto đáp lại. “Nhưng ông ấy không cho, nên tôi phải quay về đưa tin cho senor Náon, senor sẽ biết phải làm cách nào.”

“Tôi sẽ biết phải làm gì à?” Senor Náon kêu lớn. “Nhưng tôi phải làm gì đây? Làm cách nào tôi có thể đưa cho bọn nó một triệu? Cái lũ hạ tiện – cái bọn cặn bã! Bọn chúng sẽ dùng tiền đó để mua thêm vũ khí giết thêm người!”

“Quân đội có thể làm gì không?” Canuela hỏi.

Senor Náon lắc đầu.

“Họ sẽ tấn công đám du kích nếu tìm được chúng,” ông trả lời, “nhưng đồng cỏ hoang ở khắp mọi nơi và một tên đê tiện như tụi nó chỗ nào chẳng chui rúc được.”

“Trước đây quân du kích có làm như vậy không?” Canuela hỏi.

“Năm ngoái họ bắt cóc một nhà chính trị,” senor Náon đáp lại. “Nhưng ông ta nghèo và đảng của ông không cho ông là người có ảnh hưởng quan trọng. Khi chúng nó không nhận được tiền, mỗi ngày chúng gửi một ngón tay về thành phố.”

“Ồ không phải như thế chứ!” Canuela kêu lên kinh hoàng.

“Cuối cùng thì tiền cũng gửi tới,” senor Náon tiếp tục, “nhưng nạn nhân xui xẻo đó thì mãn đời thiếu năm ngón tay.”

“Thật là kinh tởm... khủng khiếp... khủng khiếp quá! Canuela lẩm bẩm.

Cô nghĩ đến những ngón tay của Ramón chạm vào người cô tối qua và cảm giác lạ lẫm cô có được khi họ khiêu vũ với nhau. Thật không thể nào chịu đựng nổi khi nghĩ đến anh lâm vào cảnh tàn tật.

Cô thở sâu.

“Ông phải nghĩ cách lấy tiền ngay đi, senor Náon!” cô cố nài. “Vì senor thì con số đó đâu phải lớn lao gì.”

“Tôi không nghĩ là lớn lao,” senor Náon trả lời. “Tôi sẽ ra ngân hàng giải thích với họ.”

“Trước khi tôi đi bọn nó còn nói với tôi một điều nữa,” Alberto lên tiếng.

“Điều gì?” Canuela gặn hỏi.

“Họ nói rằng: ‘mang tiền tới một mình. Nếu mang lính hoặc cảnh sát theo, bọn ta sẽ giết senor.’”

“Điều đó thì mình cũng đoán được,” Canuela thấp giọng nói.

“Thật là nhục nhã!” Senor tức tối kêu lên, “quá nhục nhã rằng vào thời buổi này mà một quốc gia văn minh còn phải chịu những hành động vi phạm trắng trợn như vậy.”

Giọng ông vang lộng khi ông tiếp tục.

“Bọn nó cũng tự bôi tro trát trấu vào mặt bọn nó – là sự sỉ nhục với đảng của chúng! Đưa tiền cho chúng chỉ càng tạo điều kiện cho chúng gây tội ác dễ dàng hơn – càng ngày càng gia tăng khiến không chúng ta không có ngày yên ổn.”

“Nhưng trong lúc này mình phải cứu senor!” Canuela khẽ nói.

“Tôi sẽ đi ngân hàng.”

Senor Náon quay ra cửa nhưng Canuela ngăn ông lại.

“Nếu tôi là ông tôi sẽ không nói quá nhiều về những chuyện xảy ra,” cô đề nghị, “ngoại trừ có thể nói riêng với giám đốc ngân hàng thôi.”

Thấy senor Náon có ý đợi cô tiếp tục.

“Thế nào cũng có nguy cơ các thành viên chính phủ có thể sẽ suy nghĩ giống ông, rằng trao tiền cho du kích sẽ khuyến khích bọn chúng hơn nữa. Biết đâu họ sẽ nhất quyết phái quân đội đến cứu senor – trong trường hợp đó ông ấy sẽ mất mạng!”

“Tôi hiểu ý của cô,” senor Náon nói. “Tôi sẽ bắt giám đốc ngân hàng phải thề giữ bí mật. Khi nào trở ra có lẽ senor de Lopez sẽ có cách trừng trị bọn này.”

Ông ngưng lại rồi nói tiếp.

“Tôi hy vọng sau khi nhận tiền bọn chúng sẽ thật sự thả người.”

Canuela nín thở, vì cô chưa từng nghĩ đến điều đó. Đối với cô không có gì quan trọng nữa ngoại trừ anh được phóng thích.

Senor rời khỏi phòng và Alberto vẫn đứng đấy một lúc nhìn Canuela. Cô có cảm tưởng anh ta đang cố tìm từ ngữ để giải thích rằng anh ta không phải là người hèn nhát – anh ta không rút súng chỉ vì lúc ấy đã hết hy vọng. Cô thấu hiểu lòng kiêu hãnh của gaucho là họ không bao giờ thừa nhận bị đánh bại. Họ là bị giết còn hơn phải chịu đầu hàng!

Trước khi anh ta kịp lên tiếng cô nói thật khẽ.

“Tôi biết anh không thể làm gì hơn nữa, Alberto.”

“Tôi thà là chết vì senor – cô có nghe tôi nói không, senorita? Tôi có thể chết vì ông ấy! Nhưng lúc tôi rút súng ông ấy nói: ‘Đừng, Alberto,’ nên tôi biết ông ấy đã quyết như vậy.”

“Tôi chắc chắn ông ấy có ý như vậy,” Canuela nói. “Quăng bỏ mạng sống của anh thì thật vô nghĩa.”

“Cám ơn cô hiểu cho tôi, senorita.”

Anh ta toan đi ra khỏi phòng nhưng Canuela chặn lại.

“Anh nghĩ bọn họ đưa ông ấy đi đâu, Alberto? Họ sẽ giấu ông ấy ở đâu?”

Alberto so vai.

“Có nhiều chỗ lắm, senorita, gần đầm lầy, gần sông, hay là biển.”

“Nếu bọn chúng có 15 đứa,” Canuela nói, “và cộng thêm senor là 16, như thế thì khá đông. Cho dù đồng cỏ hoang cỏ mọc cao cũng không thể che kín bọn họ hoàn toàn.”

“Đúng vậy, senorita, nhưng tôi không cho rằng bọn nó sẽ đi đến đồng cỏ hoang. Lũ rác rưởi đó muốn nấu ăn, và cho ngựa nghỉ ngơi. Bọn nó sẽ nấp ở đâu đó.”

“Phải... nhưng ở đâu mới được?” Canuela hỏi.

Alberto lại đưa tay làm cử chỉ và định quay ra cửa.

“Khi anh bỏ đi, anh đi ngược về hướng thành phố. Vậy anh có nhìn lại không?”

“Có, senorita, tôi nhìn lại thấy bọn nó dong ngựa đi chung quanh còn senor thì ở giữa. Tôi đoán chúng sợ senor bỏ trốn.”

“Tôi chắc chắn bọn chúng nghĩ như thế,” Canuela tán thành. “Thế bọn chúng đi hướng nào? Đông hay tây?”

“Khi tôi nhìn lại lần đầu thì bọn chúng đi về hướng nam, senorita, và rồi tôi nhìn lại lần thứ nhì thì bọn chúng đã đi xa lắm, nhưng lại rẽ về phía đông.”

Canuela thở dốc.

Khi Alberto vừa nói đến đấy thì dường như có ai mách bảo cho cô biết bọn du kích đã đưa Ramón đi đâu. Cô tin chắc như thể nhìn thấu được sự việc.

“Nghe đây, Alberto,” cô hạ giọng nói, “anh sẽ chuẩn bị tinh thần tối nay đi với tôi để đi cứu senor chứ?”

Anh ta nhìn cô, đôi mắt đen giương to vì sửng sốt.

“Cứu ông ấy sao, senorita? Nhưng chúng ta đâu có biết bọn nó dẫn ông ấy đi đâu.”

“Tôi nghĩ rằng tôi biết... tôi đoan chắc tôi biết,” Canuela nói, “nhưng nếu cho mọi người trong nhà biết dự định của mình thì sẽ có sơ xuất. Họ sẽ cản mình.”

“Cô muốn nói là chỉ có cô và tôi, senorita, là có thể cứu được senor sao?” Alberto hỏi một cách ngờ vực.

“Chỉ có tôi và anh thôi, Alberto,” Canuela đáp lời. “Nếu có thêm người ngoài hai chúng ta sẽ rất nguy hiểm khi đến gần chỗ trốn của bọn du kích, chúng ta phải đi riêng.”

“Senorita, cô không nghĩ là sẽ báo cho senor Náon biết chứ?”

“Mình không nói với ai cả!” Canuela cương quyết, “anh phải hứa danh dự với tôi, Alberto, là anh sẽ giữ bí mật. Tôi hứa với anh đó là cách duy nhất chúng ta có thể cứu senor.”

“Để cứu senor tôi sẽ làm bất cứ điều gì!” Alberto khẳng định. “Bất cứ điều gì!”

Anh ta ngưng lại rồi chán nản nói thêm.

“Tôi biết người khác sẽ nghĩ sao khi họ nghe chuyện này. Họ sẽ cho tôi là đồ chết nhát nên mới bỏ rơi ông ấy. Và đúng ra tôi phải giết bọn người cầm tù ông ấy.”

“Anh đã làm đúng và đó là ý của senor muốn anh làm, và bây giờ tôi cần anh giúp. Tôi biết tôi có thể tin cậy ở anh.”

“Tôi sẽ làm theo lời cô, senorita.”

“Vậy hãy đi nghỉ đi,” Canuela nói. “Khi trời tối tôi sẽ gặp anh ở chuồng ngựa. Nhớ đừng nói với ai mình định làm gì. Chúng ta sẽ cần ba con ngựa.”

“Ba sao, senorita?”

“Một cho anh, một cho tôi, và một cho senor để cưỡi về nhà.”

Alberto lẩm bẩm.

“Tôi mong là cô tính đúng, senorita. Mang ông ấy về nhà không cần trả tiền chuộc là một chiến công lớn.”

“Không phải là vấn đề tiền bạc, nhưng một là để bọn du kích thành công sách hoạch âm mưu độc ác của chúng – hai là đánh gục bọn chúng.”

“Cô nghĩ mình có thể đánh bại tụi nó sao, senorita?”

“Nếu trong phạm vi con người có thể làm được,” Canuela trả lời, “anh và tôi sẽ đưa senor về nhà với chúng ta tối nay.”

Cô thấy mắt Alberto sáng lên và nói thêm.

“Không được hé nửa lời với bất cứ ai, Alberto. Anh hiểu chứ? Mọi việc sẽ tùy thuộc vào sự kín miệng của anh đấy.”

“Thề có Chúa, tôi sẽ không hé miệng với bất cứ ai!”

“Vậy tôi sẽ đến tàu ngựa ngay khi trời sụp tối.”

Alberto chào cô và đi ra khỏi phòng. Chỉ đến khi anh ta đi khuất Canuela mới nhận ra người mình đang run bần bật. Không hiểu tại sao cô vẫn chưa thể tin được Ramón bị phiến quân giam giữ, rằng anh sẽ cảm thấy bẽ mặt nếu phải nhượng bộ đòi hỏi của bọn chúng. Cho dù trả tiền chuộc, lấy gì bảo đảm bọn chúng sẽ không sát hại anh vì Ramón đã thấy mặt bọn chúng và biết chỗ chúng ẩn nấp.

Liệu bọn chúng trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó sẽ sẵn lòng thả anh đi, vì biết rằng nếu chúng bị bắt tự do của bọn chúng chứ không phải là mạng sẽ bị thiệt hại không?

“Tôi phải tìm anh ấy bằng được!” Canuela thầm nghĩ, và bỏ về phòng.

Dolores đã soạn tất cả mọi rương đồ của cô, Canuela thấy hai bộ đồ đi ngựa treo trong tủ áo. Một bộ là của mẹ cô, rất trang nhã được may bởi thợ may London. Mặc bộ đó bà Arlington rất được ngưỡng mộ mỗi khi bà cưỡi ngựa. Còn bộ kia là của Canuela mặc lúc còn nhỏ, may theo kiểu Mexican bằng da mềm màu lá cây đậm, và váy da viền tua được xẻ chính giữa để cô có thể cưỡi ngựa hai hàng. Đi xa với ba cô mà cưỡi một bên hay mặc váy liền thì thật không tiện dụng, mặc như thế chỉ thích hợp cho các qúy cô đi dạo trong công viên mà thôi.

Đi cùng với chiếc váy xẻ vào áo chemise lụa là một chiếc áo chẽn không tay bằng da viền tua. Canuela biết bây giờ cô đã quá lớn để mặc những kiểu như thế. Nhưng hiện tại điều quan trọng là cô cần phải đi nhanh và không bị vướng víu bởi bộ y phục thời trang.

Vì biết vài giờ nữa sẽ vô cùng hối hả mệt nhọc, cô ép mình phải nghỉ ngơi để tập trung toàn bộ sức lực cho những giờ phút sắp tới. Cô lại còn thấy mình cầu xin mong cứu được anh. Thật quá khó để nghĩ về anh như tù nhân, thậm chí còn kinh khủng hơn khi nghĩ đến cảnh anh bị tàn phế. Ngón tay bị chặt đứt bởi lũ người thô bạo dã man, bọn người chỉ chực chờ hứng thú theo dõi cảnh anh bị hành hạ.

“Chuyện đó không thể nào xảy ra với anh ấy được... không thể nào!” Canuela dốc lòng cầu nguyện.

Bản tính anh rất cao ngạo, rất chuyên chế – cho dù chỉ hình dung anh phải dưới quyền bọn du kích thôi cũng là điều không tưởng tượng được. Một lần nữa Canuela lại tự hỏi không biết bọn chúng có chịu thả anh không.

Tối qua anh ấy dường như trông uy nghi quá... rất uy nghi... trong lúc họ sóng bước bên nhau dọc theo lối đi giăng đèn màu. Tim cô đang đập rất nhanh, cảm giác cứ như họ vừa cùng nhau khiêu vũ, và cô đã nhận ra họ đứng sát bên nhau đến độ nào. Lúc đó cô cảm nhận thật rõ rệt sự gần gũi của anh, tuy nhiên khi ở trong vườn dù anh không chạm vào cô nhưng anh dường như vẫn thật gần.

Ngày mai anh có thể mất mạng!

Ý tưởng này thật hoang đường – nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra!

“Tôi phải cứu anh ấy... tôi nhất định phải làm được!” Canuela tự bảo mình. “Ôi Chúa ơi, xin hãy giúp con! Hãy giúp con với!”

Những ngón tay cô đan chặt vào nhau khi cô hết lòng nguyện cầu, và đến khi thấy tay mình trắng nhợt vì siết quá mạnh cô biết vì sao mình cảm thấy quá đỗi tuyệt vọng! Tại sao ý tưởng Ramón bị cầm tù cứ như lưỡi dao nhọn xoáy vào tim cô.

Cô biết mình đã yêu anh!

Cô yêu anh, nhưng tình yêu ấy len lỏi vào tim cô thật kín đáo nên cô vẫn chưa cảm nhận được. Trong một lúc lâu cô vẫn không tin đấy là sự thật, rằng cô không chỉ thêu dệt nên tình cảnh này và tưởng tượng ra cảm xúc của chính mình. Nhưng rồi cô nhận ra mình yêu anh từ lâu lắm.

Cô đã yêu anh khi họ ngồi giao đấu với nhau trong phòng ăn trên tàu hay bàn bạc giấy tờ vương vãi khắp nơi trong cabin. Cô đã yêu anh khi bế đứa bé trên tay và ngước lên thấy ánh mắt anh, ánh mắt ấy đã làm cho cô có cảm tưởng như hơi thở mình tắc nghẹn trong cổ.

Cô đã yêu anh đêm hôm qua khi họ khiêu vũ cùng nhau, và cảm giác tay anh chạm vào tay cô không phải là sợ hãi... mà là yêu đương!

“Sao mình ngu quá không biết được!” Canuela thầm trách mình.

Đột nhiên lòng cô quặn thắt đau đớn như viên đạn vừa xuyên qua thân thể cô biết tình yêu của mình như bị đóng dấu ấn tủi nhục. Sao cô lại có thể đi yêu người từng phản bội ba mình? Người đã bỏ rơi ba, người là hiện thân của Judas đối với bạn bè cơ chứ!

Ramón de Lopez là kẻ phản bội! Là người đàn ông cô từng căm ghét! Là người đàn ông cô hằng ao ước phải chịu cảnh bị sỉ nhục, bị bẽ mặt.

Nhưng giờ đây cô lại yêu người đàn ông đó!

Và cô tuyệt vọng biết rằng bằng bất cứ giá nào cô cũng phải cứu anh ấy, cho dù cô có phải bỏ chính mạng của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện