Sinh nhật của tôi là ngày hai nhăm tháng năm. Năm nay vốn là tôi đã quên mất, thế nhưng tại buổi tối trước hôm sinh nhật, người cha nguyên bản vẫn luôn chơi mất tích lại chủ động gọi điện cho tôi.
Ông ấy nói, chuyện của người lớn không liên quan tới tôi. Bất luận sau đó ông và mẹ tôi ra sao, tôi đều là con trai duy nhất của ông, cũng là người ông để ý nhất.
Ông ấy nói, nhiều năm như vậy ông chưa từng sống vì chính mình, bây giờ ông chỉ muốn bất chấp cái giá phải trả mà sống vì bản thân một lần.
Ông ấy nói, trong khoảng thời gian này ông suy nghĩ rất nhiều, ông sẽ không hối hận về quyết định mình đưa ra.
Cuối cùng ông ấy nói, ông phải về nhà trải qua sinh nhật mười tám tuổi với tôi. Bởi mười tám tuổi tức là mặt trời nhỏ nhà họ Hứa của ông đã thành người lớn, thành mặt trời lớn nhà họ Hứa rồi.
Tôi không thể nói rõ là mình vui hay không vui. Vì cho dù ông trở lại, cũng không phải là ông muốn về nhà, mà là đến nói rõ ràng, đến tỏ thái độ, đến chào tạm biệt. Tôi không muốn cái nhà này cứ thế giải tán.
Tôi không biết, trước khi cha gọi điện thoại cho tôi thì ông cũng đã gặp mẹ tôi. Không hề về nhà, ông và Lâm Thanh Dật cùng nhau hẹn gặp bà ở một nhà hàng bên ngoài.
Tôi càng không biết, cha tôi dẫn theo Lâm Thanh Dật tìm bà thảo luận việc ly hôn, còn nói cho bà biết lai lịch của Alexander.
Cha tôi mang Alexander về nhà vào ngày sinh nhật mẹ tôi. Chúng tôi vẫn luôn ngầm thừa nhận, nó là quà tặng của cha cho mẹ. Nhưng không ngờ tới, Alexander là bị cha tôi và Lâm Thanh Dật nhặt được khi xem triển lãm tranh ở thủ đô. Lâm Thanh Dật sống trong ký túc xá của giáo viên trong trường nên không tiện nuôi, cha tôi liền mang nó về nhà.
Tôi không biết hôm thảo luận đó bọn họ có cãi nhau hay không, hay là cãi nhau khó coi đến mức nào. Tôi thậm chí tận lực quên đi mục đích thực sự của việc cha tôi về nhà, có chút lừa mình dối người mà tự nói với mình, ông về nhà để tổ chức sinh nhật cho tôi.
Chàng trai mười tám tuổi không để ý gì đến sinh nhật.
Nhưng tôi là mặt trời nhỏ nhà họ Hứa của ông ấy.
Đó là tôi cho rằng như vậy.
Sinh nhật tôi vào hôm thứ năm. Bình thường tôi không cùng ai nói mấy thứ này. Bởi vì một khi nam sinh nói thì trừ phi là dự định mời khách ra ngoài ăn chơi, còn không thì đều không nói. Tôi chỉ không nghĩ đến, Lục Tư Nặc biết. Quà sinh nhật của cô là đổi hai chai sữa chua một ngày thành ba chai.
Nếu không phải trên chai sữa chua có vẽ một khuôn mặt cười cùng một câu sinh nhật vui vẻ không quá nổi bật, thì nó sẽ rất dễ dàng bị bỏ qua.
Tôi liếc nhìn Chu Minh Khải theo bản năng. Hiện tại hắn ngồi cách tôi rất xa, ở giữa có tận mấy người, tôi thậm chí còn không nhìn thấy hắn. Phải ngóng bên kia rất lâu, đợi đến khi hắn cúi đầu viết gì đó, tôi mới có thể trông thấy gò má của hắn.
Đến buổi chiều tan học, tôi mới phát hiện Chu Minh Khải vừa mua một chiếc xe đạp. Chẳng trách, trên đường về nhà hay đặc biệt là khi quanh quẩn ở chỗ ngã tư phố, tôi cũng không thể ngẫu nhiên gặp hắn. Do chênh lệch tốc độ giữa xe đạp và đi bộ, chúng tôi rất khó gặp nhau.
Tôi nhớ tới lần đầu tiên gặp Chu Minh Khải, cách hắn cưỡi chiếc xe đạp kia thật sự là khiến người khác không nhìn được, đâm vào cây cũng coi như số may. Song tôi lén lén lút lút bám theo hắn đến cổng trường, phát hiện hắn lái xe đạp rất vững vàng, tuy không nhanh nhưng ổn định.
Có lẽ là từng tập luyện qua vào thời điểm nào đó mà tôi không biết.
Tan học, một nhóm lớn học sinh Dân Dục ùa ra ngoài. Mọi người mặc đồng phục giống nhau, cũng có chiều cao dáng người không khác nhau lắm. Nếu không phải là vô cùng thân quen thì không có cách nào vừa liếc mắt một cái là nhận ra người kia.
Nếu có thể tìm được bóng lưng kia từ trong biển người bằng ánh mắt đầu tiên, như vậy, nhất định là rất yêu. Sự quen thuộc sâu đến cốt tủy biến những đặc điểm không nổi bật của người kia trở nên rõ ràng chỉ trong cái nhìn thoáng qua.
Tôi nhìn chằm chằm Chu Minh Khải đạp xe càng ngày càng xa, không hiểu sao lại rất tức giận. Tôi quyết định đến ‘Thời gian xưa’ ăn một bữa lẩu rất cay rất cay thêm lần nữa. Ai bảo Chu Minh Khải vẫn không chủ động nói chuyện với tôi chứ! Chín giờ là giờ kết thúc tự học buổi tối. Lâm Thanh Dật đi tới trước mặt tôi, ngữ khí ôn hòa: “Cha em bảo hôm nay là sinh nhật em. Sinh nhật vui vẻ, Hứa Gia Dương.”
Tôi vác cặp sách lên, không nhìn y, “Thầy cách tôi xa một chút thì tôi sẽ vui vẻ lắm.”
Lục Tư Nặc vẫn chưa đi, liếc nhìn tôi lại nhìn Lâm Thanh Dật, mở ra cặp sách vốn đã thu thập xong, lấy ra đề thi tiếng Anh, nói: “Thầy ơi, đề tài hôm nay em chưa hiểu rõ lắm. Thầy có thể giảng lại cho em một chút không?”
Thừa dịp Lâm Thanh Dật giảng bài cho Lục Tư Nặc, tôi bước nhanh ra khỏi phòng học. Một đường đi thẳng đến cổng trường, tôi phát hiện xe của cha tôi đang đỗ ở chỗ này.
Đây là lần đầu tiên ông đến đón tôi kể từ khi tôi lên cấp ba tới nay. Tôi có chút chưa kịp phản ứng, ông đã vươn tay khỏi cửa sổ xe và ra hiệu cho tôi. Tôi có chút miễn cưỡng đi tới.
Tôi không lên ghế phụ, mà ngồi vào ghế sau.
Danh sách chương