Khoảng hai giờ đồng hồ sau - Ờ, thôi được, vào đúng 4 giờ 32 phút 29 giây, buổi chiều, theo đồng hồ trên kính chắn gió, tôi đỗ xe lại trước cửa văn phòng công ty Warren Entertainment nằm bên bờ tây hồ Tohopekaliga, phía nam thành phố Orlando. Chiến thắng oanh liệt của tôi trước Sic đã đem lại cho tôi một cuộc gặp mặt với Marena Park, sếp của Taro vàcũng là người đứng đầu Phòng nghiên cứu tương tác. Trong lúc lái xe, tôi đã tìm hiểu thông tin về cô ta trên Google và hoá ra cô ta cũng mới làm việc cho Warren. Mới hai năm trước, cô ta còn là giám đốc sáng tạo của Disney’s Game Worl tại Epcot. Sau đó, Warren đã lôi kéo cô ta về để nghiên cứu cho ra đời Neo – Teo, trò chơi chiến đấu ưa thích của tôi. Hầu hết những tay chơi cờ vây hoặc chơi bài Poker hay các loại cờ bạc chuyên nghiệp khác đều không coi trò chơi điện tử như vậy là "trò chơi", và quả thực, nói nghiêm túc thì chúng cũng không giống thật, tuy thế tôi vẫn thích vì nó giúp tôi xả căng thẳng. Neo – Teo căn bản là một phiên bản được đơn giản hoá của thần thoại Maya, trong đó người chơi phải lén đi qua các lâu đài kiểu Puuc(Một phong cách kiến trúc của người Maya) bí ẩn, mang theo những vũ khí thô sơ và moi ruột lũ quỷ báo bằng một ngọn giáo. Trò chơi có rất nhiều điểm phi lý và vớ vẩn khiến tôi mới đầu phát bực, thế nhưng nó lại có điều gì đó vô cùng cuốn hút và đến bây giờ tôi vẫn chơi tuy không còn quá mải mê. Và phần giao diện, do Park thiết kế, đúng là rất tuyệt. Cô ta hẳn đã lấy ý tưởng cho những đường trang trí hình cuộn khói hay hình lưỡi mác từ những chiếc bình Maya cổ. Sau đó cô ta đã giành được một giải Oscar dành cho thiết kế xuất sắc với bộ phim xây dựng dựa trên phiên bản trò chơi. Điều đó khiến người ta lại phải thắc mắc; cô ta làm gì ở dự án của Taro? Cô ta không phải nhà khoa học. Mối liên hệ ở đây là gì? Trừ phi, theo tôi đoán, tất cả những việc này chỉ nhằm phục vụ cho ngành kinh doanh biểu diễn.

Có một chiếc cổng trường quay lớn và tôi khai báo với những gã bảo vệ to con rằng tôi là ai. Theo cái cách họ kiểm tra thì tôi có cảm giác bà Park là một nhân vật có cỡ. Tay bảo vệ đưa tôi một chiếc phù hiệu cảm ứng và tôi đeo nó vào cổ tay phải. Tôi lái xe vào và đỗ ở chỗ hắn chỉ. Khu vực này đẹp dễ sợ với những toà nhà thấp xây theo lỗi Dryvit, nằm rải rác trong một khuôn viên đầy cây xanh với một bức phù điêu màu lá cây khổng lồ hình ba vòng tròn lồng vào nhau soi bóng xuống một mặt hồ hình quả đậu lớn. Tòa nhà chính gồm sáu tầng, cao hơn các tòa nhà khác. Cánh cửa kính mở ra và tôi bước vào một khoảng không được lọc khí quá kỹ. Tiền sảnh lớn có một dãy phòng hội thảo, phòng thể thao và một cây linh sam Duglas khổng lồ trồng trong chậu, trên đeo những quả trang trí hình tròn vẽ khuôn mặt vui vẻ của những nhân vật trong cuốn sách Những đứa trẻ ở Many Lands. Cô gái tiếp tân chào đón tôi với cái tên bị đọc nhầm và đưa tôi đi vòng qua khoảnh sân hình chữ nhật có một quán cà phê Healthy Gourmet và một lò nướng bánh pizza lớn bằng đá. Một toán những tay trượt ván thiện nghệ lượn quanh chúng tôi, người thì trên những chiếc Segway, người thì trên những chiếc mà tôi đoán là Sleeker.

- Ở trên này, - cô ta nói với một cái vẫy tay ra hiệu như muốn nói "nào, sẽ thú vị lắm đấy, rồi anh xem".

- Vâng, tôi đáp, - cảm ơn.

Tôi làu nhàu sau lưng cô ta. Thử tưởng tượng xem, khi có công có việc thì có gì mà thú vị, - tôi nghĩ bụng. Rồi tôi sẽ vãi tè ra cho mà xem. Đùa vậy thôi. Tôi cũng có vãi tè. Nhưng thỉnh thoảng thôi.

- Giáo sư Hyaku nói với tôi anh là một trong số những người Mayan, - cô ta hướng về phía tôi, nói. Cô ta nhấn nhả giọng như đang hát kinh ngợi ca vậy.

- À, vâng, người Ch’olan Maya, - tôi đáp. Đến đây, tôi nghĩ bụng đến lần thứ mười mũ "n" lần rằng số nhiều của từ "người Maya" thì vẫn là "Maya", còn Mayan là ngôn ngữ Maya chứ không phải là người. Nói chuyện Maya bằng tiếng Mayan.

- Tôi nghĩ tất cả những điều đó hết sức thú vị, - cô ta nói.

Cô ta cao lớn với những lọn tóc vàng xoăn như lông cừu và cũng xInh theo lối một con cừu, tôi cho là vậy

- Những điều gì cơ ? – tôi hỏi lại.

- Đến từ Nam Mỹ và những thứ tương tự í mà.

- Trung Mỹ chứ.

- Xin lỗi? - Chúng tôi không phải đến từ Nam Mỹ, - tôi đáp, - chúng tôi đến từ Trung Mỹ. Như bắc Panama chẳng hạn, cô biết chứ?

- Oa, thật là thú-ú vị, - cô ta cười phá lên.

Chúng tôi đi theo một đường dốc thoải lên tầng hai, qua một phòng chiếu không có người.

- Anh biết gì không? - Bộ tóc ngộ nghĩnh hỏi tôi, - Hai tuần trước tôi đã đến xưởng dạy nghề sơ cấp của Halach M’en đấy.

- Thế à?

- Anh ta dạy tôi làm chuông giữ mộng (Một loại chuông gió) của người Mayan.

- Ồ, hay quá. Nó dùng để làm gì vậy?

- Anh ta nói người Mayan rất phát triển về văn hoá tinh thần.

- Vậy ư ?

- Chúng ta đến nơi rồi, - cô ta nói.

Cô ta dẫn tôi vào một phòng đợi sàn lát màu đen và những chiếc sô-pha Djinn màu xanh lá cây, giống hệt tấm phim âm bản của một cảnh trong phim 2001. Từ đấy, hai chúng tôi đi tiếp đến một khu vực giống như một sàn giao dịch với những nhân viên mặt mũi tươi tỉnh ngồi trong những khoang làm việc bằng kính hoàn toàn riêng biệt, có những chiếc máy bán cà phê và đồ ăn nhẹ cùng những gói gia vị nho nhỏ, những chiếc máy pha cà phê Capresso, những hình nộm Sub-Zero (Nhân vật trong một trò chơi điện tử) bé xíu đeo trên ngực những dòng chữ kiểu như SữA RAU DềN ĐÂY. Chúng tôi bước vào một khu có trải thảm, cô gái lễ tân liếc vào qua cánh cửa khép hờ. Người ngồi bên trong chắc đã vẫy tay gọi nên cô ta đưa tôi vào.

Marena Park ngồi khoanh chân vòng tròn trên mặt bàn làm việc, mắt nhìn vào một màn hình máy tính xách tay màu xanh rộng đặt trên lòng. Đó là một kiểu máy hiện đại có khả năng cảm nhận từ xa chuyển động của tay người sử dụng, cô ta đang dùng ngón tay vẽ vẽ thứ gì đó trong không khí bên ngoài màn hình. Trông cô ta nhỏ nhắn hơn trong ảnh, thấp hơn tôi ít nhất một cái đầu, khiến cô ta có dáng dấp của một cô gái mới lớn. Khuôn mặt nhìn tèn tẹt và đặc Hàn Quốc hơn lúc đã trang điểm, nhưng tôi lại nghĩ thực ra thế này nom hấp dẫn hơn, một "khuôn mặt như trăng rằm" đúng như cách nói trong cuốn Nghìn lẻ một đêm. Cô ta vận một bộ quần áo xếp nếp bằng xám hiệu Issey Miyake thiết kế theo lối trang phục trượt tuyết, như thể cô ta đến từ một thế giới tương lai nào đó sang trọng và rất thể thao. Cô ta giơ một ngón tay ra hiệu chờ một lát. Tôi đảo mắt nhìn quanh căn phòng. Có một chiếc bể 125 ga-lông gắn vào trong tường, nuôi cá vàng đỏ Monsanto giống mới. Tôi cố kìm một cái cười khẩy lộ liễu khi nhìn thấy chúng. Những con cá này miễn dịch rất kém do bị lai cùng dòng, chỉ cần anh gõ vào mặt kính hai lần là đủ để chúng nhiễm nấm đầu. Dưới sàn nhà, sát chân bàn làm việc, có một bàn cờ vây làm từ gỗ katsura xẻ xiên khá dày, hai chiếc bát cổ màu dâu chín cũ kỹ có lẽ đã từng đựng một bộ quân cờ vây màu hồng nay không đâu còn nữa. Nếu thế thật, bộ quân cờ ấy phải đáng giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Khuôn cửa sổ phía sau bàn làm việc hướng ra đằng tây bắc và tôi có thể nhìn thấy quả cầu Epcot (Biểu tượng trong khu giải trí Epcot nằm trong khu giải trí Disney World tại Orlando) khổng lồ đang lơ lửng bên trên đám lá cây màu xanh lục giống như một quả bóng đá cũ nổi trên mặt ao phủ đầy rong rêu. Marena ngẩng đầu lên.

- Xin chào, anh chờ một tích tắc nữa nhé, - cô ta nói. Giọng cô ta nhỏ nhưng không cao, nghe như giọng những tay jo-kê(Người đua ngựa) nam. Im lặng một chốc.

- Thế thì dịch nó sang tiếng Phạn hay bất kể cái thứ tiếng chết tiệt nào họ nói ở đấy đi, có gì đâu mà nhặng lên thế?

Phải mất một giây sau tôi mới hiểu ra là ở một bên tai cô ta có gắn tai nghe. Tôi không ngồi xuống. Tôi nhận thấy quả tim đang đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi giúi hai tay vào túi quần và lại gần xem một cái giá đồ chơi treo trên vách tường phía đông.

Đã sửa bởi Lãnh Tử Hàn lúc 09.07.2015, 17:14.

Đồ vật lớn nhất và đáng chú ý nhất trên giá là một chiếc đồng hồ cách điệu bằng đồng thau, nom có vẻ như được chế tạo từ những năm 1950. Nó có năm bánh xe quay luân phiên, bốn trong số đó chạy theo lịch Maya, còn chiếc lớn nhất ở ngoài cùng thì chậm rãi điểm giờ theo lịch Gregori (Tức là Tây lịch vẫn dùng hiện nay), suốt từ năm 3113 trước Công nguyên cho tới ngày 21 tháng 12 năm 2012. Còn có một vòng tròn những biểu tượng chạm khắc, nhưng trông chẳng giống cái gì cả. Chắc chỉ là tác phẩm tưởng tượng của ai đó. Ngay bên cạnh có một chiếc đồng hồ khác, nhỏ hơn với mặt kính hình tam giác biểu tượng của hội tam điểm, trên đó ghi: "Waltham/17 Jewels/ Hãy yêu thương đồng loại" và rằng bây giờ là "bùa" giờ, "bay" phút; những vật còn lại trên giá đều là các giải thưởng: những chiếc cúp bạc nhỏ của môn cờ vây và leo núi, hai cúp Webby, một giải thưởng World Shareware, một đống giải thưởng E3 Game Critics, hai chiếc cúp thuỷ tinh hình kim tự tháp khẳng khiu của Viện khoa học và Nghệ thuật Giải trí tương tác cùng vô khối giải thưởng khác mà chẳng ai biết tới, và tít sâu bên trong cùng, như thể cô ta không muốn tỏ ra quan tâm đến, là bức tượng Oscar trong trang phục của Neo – Teo nhỏ bằng một phần sáu nhân vật thật, nó đứng kiêu hãnh như đức Jesu trước sự ngưỡng mộ của các Nephite (Những hậu duệ của nhà tiên tri Nephi theo kinh thánh Mormon). Cô ta cũng giống mình ư, - tôi tự hỏi. Giống một phần nhỏ trong tôi, bá chủ của thế giới này? Tôi ước sao có ai đó để cảm ơn. Ờ, tôi nghĩ tôi sẽ cảm ơn quỷ Sa-tăng, hẳn đã cho tôi bán linh hồn để đổi lấy giây phút này. Trên khoảng tường phía trên cái giá là một bức vẽ của trẻ con được quấn dải băng, họa hình ông già Nô-en tay cầm một chiếc điều khiển từ xa to kềnh, điều khiển một dàn tuần luộc rô-bốt, nó che khuất một phần tấm ảnh lồng khung của Park, đang dùng ngón chân bám vào gờ đá granite màu vàng, đu đưa trong tư thế lộn ngược đầu, cô ta hẳn có những ngón chân có thể cầm nắm. Dòng chữ bên dưới tấm ảnh viết: Cuộc thi leo núi sô-lô "Chữ thập ngoặc sô-cô-la", Hallam View Buttress, Gritstone, ngày 14 tháng 9 năm 2009. Tiếp đến là một tấm ảnh đóng khung nhỏ hơn rất nhiều, chụp bằng máy Kodak từ những năm 50, quá thiên về màu xanh nước biển và nâu đỏ, trong ảnh là một người Hàn Quốc trẻ, khuôn mặt đầy nhiệt huyết, mặc trang phục phi công của hải quân Hoa Kỳ, đứng khoác tay một vị đại tướng trông quen quen, họ đứng trước một chiếc B-29 (Một loại máy bay Boeing) bụi bậm màu nâu đỏ sậm với dòng chữ Tất cả hoặc không gì cả sơn trên mũi. Một dòng chữ viết tay nguệch ngoạc trên góc trái tấm ảnh đề: Tặng Pak Jung - Cảm ơn sự phục vụ của anh trong chiến dịch "Cao hơn và Xa hơn". Tổng tư lệnh các lực lượng đồng minh, Tướng Douglas C. MacArthur, Kadena, ngày 27 tháng 12 năm 1951.

- Được, - Marena nói với khoảng không. Im lặng. - Tạm biệt.

Cô ta hướng mắt vào tôi.

- Chào anh.

Cô ta vẫn không đứng lên. Thường thì tôi lấy làm mừng vì người ta không hay bắt tay nữa, nhưng lần này tôi lại không phiền nếu tiếp xúc tay chân một tẹo. Tôi đáp lại: xin chào. Tôi phân vân không biết có nên giới thiệu mình là ai không, mặc dù cô ta biết rồi. Tôi quyết định không.

- Taro thực sự nghĩ anh là người giỏi nhất đấy, - Marena nói.

- Tôi rất lấy làm phấn khởi.

- Tôi cá là anh biết chơi cờ vây, phải vậy không?

Tôi gật đầu. Có lẽ cô ta đã thấy tôi nhìn bộ bàn cờ. Thật lạ lùng là người ta luôn có thể đoán biết được tôi. Từ trước đến giờ tôi luôn có cảm giác đang sống trên một hành tinh của những người có khả năng ngoại cảm. Cố nhiên, có thể đó là do chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương mà người ta giả định là tôi mắc phải.

- Anh ở cấp nào? – Cô ta hỏi.

- Ở lục đẳng. Nghiệp dư thôi.

- Ác thật, - cô ta đáp. – Tôi mới ngũ đẳng thôi. Lúc nào đó ta phải làm một ván mới được.

- Được lắm, - tôi đáp.

Ngũ đẳng thực ra là một thành tích khá ấn tượng rồi, nhất là vì hầu hết dân trong ngành công nghiệp giải trí đều khó chơi qua nổi dù chỉ một ván Cootie(Một trò chơi đơn giản của trẻ em). Ở Châu Á, cờ vây được coi không khác gì một môn võ và đẳng thì tương tự như đai. Một người chơi cờ vây lục đẳng cũng tương đương với đai đen lục đẳng trong võ thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa là gì so với dân chơi cờ vây chuyên nghiệp. Nhưng dù sao, lục đẳng vẫn đứng trên ngũ đẳng một bậc và vẫn đủ để anh có một ván cờ nhiều lợi thế. Cô ta và tôi sẽ chơi thâu đêm trong căn phòng trải chiếu trúc của cô ta, và khi tôi tỏ ý xin lỗi vì lại thắng thêm bảy mươi mốt điểm rưỡi nữa, cô ta liền đẩy bàn cờ sang một bên và nắm lấy...

-¬ Setzen Sie sich(Mời anh ngồi - tiếng Đức), - cô ta nói.

Tôi ngồi xuống. Cái ghế nhìn thì có vẻ cứng nhưng nó lún xuống khi tôi ngồi và tự xoay cho vừa với người tôi, vì thế hai chân tôi bị hẫng mất một giây. Rõ đồ nhà quê.

- Này, tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt đấy, - tôi nói, - tôi chơi trò chơi của cô suốt.

- Vậy sao? Cảm ơn anh. Anh lên tới trình nào rồi?

- À, ba mươi hai

- Vậy là rất cừ đấy.

- Cảm ơn cô.

Mặc dầu đó là sản phẩm của cô ta, nhưng tôi vẫn ngượng ngùng khi thú nhận rằng tôi đã đốt quá nhiều thời gian vào trò đó.

- Vấn đề là, - cô ta nói, - tuy đấy là sản phẩm của tôi nhưng tôi thực ra cũng chẳng hiểu gì về Maya cổ.

Đừng đùa, - tôi nghĩ.

- Có khi tự anh cũng nhận thấy điều đó khi chơi rồi, - cô ta nói, chặn trước được ý nghĩ của tôi.

- Ừm ...

- Nó cũng tạm được, nhưng chỉ là theo trí tưởng tượng thôi. Tôi biết nó không chính xác về mặt lịch sử.

- Đúng vậy, - tôi đáp.

Tôi nhận ra mình vẫn chưa bỏ mũ. Chết tiệt. Tôi đội thứ này ở những nơi mà để đầu trần thì nom kì cục, nhưng khi vào trong nhà rồi tôi lại quên không cởi ra. Tốt hơn là bỏ nó ra thôi, tôi tự nhủ. Không, quá muộn rồi. Nhưng cô ta sẽ nghĩ mình hơi quái gở về chuyện mũ mão, phải không? Không, đừng làm thế. Đấy là phong cách của mình. Phong cách đội mũ. Cứ thoải mái đi. Được chứ?Bueno(tiếng Tây Ban Nha). Vậy là ngài Mũ vẫn ở lại.

- Anh nói tiếng Mayan từ nhỏ phải không? – Marena hỏi.

- Phải, - tôi bỏ mũ ra. - Thực ra, ngôn ngữ đó ở chỗ tôi gọi là Ch’olan.

- Taro nói anh quê ở Alta Verapaz.

- Đúng thế.

- Anh có từng nghe về những phế tích ở đó không, ừm, quanh Kabon ấy?

- Xin lỗi? ở đâu kia? Río Cahabôn chăng?

- Đúng nó đấy, Michael đã kể về một khúc quanh của con sông nào đó.

- Hạ lưu Tozal phải không?

- Nghe có vẻ giống thế.

- Khắp vùng đó đều có phế tích, - tôi nói. - Người ta vẫn biết những quả đồi ở đó không phải đồi tự nhiên. Các ông chú, ông bác tôi thường kể cho chúng tôi rằng những người lùn đã xây dựng nên chúng trước trận Đại hồng thủy.

- Những người lùn nào vậy?

- Chỉ là, cô biết đấy, những người lùn có phép ấy mà, người bùn, người đá cuội hay những gỉ những gì đó đại loại vậy. Tôi thường hình dung đó là những gã lùn to béo, có giọng nói choe choé và, như kiểu, đầu to ấy.

- Ồ, tôi hiểu rồi.

- Sao cô hỏi tôi chuyện đó? Cô biết vùng ấy chứ?

- Tôi biết trên bản đồ thôi. Nhưng Michael đã từng thử xin phép khai quật các lăng mộ cổ trước khi cái đập nước được xây dựng và xé nát cả vùng ấy.

- Ừm, điều đó cũng tốt...

- Anh biết không, có lẽ tôi không nên nói điều này, nhưng nhìn anh chẳng giống người da đỏ bản xứ lắm.

- Không sao đâu, tôi hiểu ý cô mà. Người Maya có ngoại hình không giống người Navajo (Một tộc người bản xứ châu Mỹ) hay các tộc người khác. Thậm chí có lúc người ta còn nhầm chúng tôi với người Đông Nam Á.

- Anh không giống người châu Á đâu. Cũng không giống Mỹ La tinh.

Cô ta mỉm cười để tỏ ý câu chuyện vừa rồi chỉ là chuyện gẫu tầm phào thôi, như thể cô ta sợ mình có vẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng điều đó quả đúng, trông tôi đúng là không giống ai. Người Maya thường có xu hướng thấp và mập mạp, nhưng tôi lại hao hao giống người lai Tây Ban Nha, nhờ tất cả lượng can-xi mà tôi đã hấp thụ ở Utah nên trái với thông thường, cơ thể tôi không hề thiếu chất lactose, và tôi đã đặt chân xuống một hành tinh nơi mà sữa là thứ đồ uống duy nhất được chấp nhận nên tôi cao vọt lên tới năm feetrưỡi (Khoảng 1m80), cao hơn những người trong họ nhà tôi tới một cái đầu. Hiện giờ tôi nặng khoảng 135 pound(khoảng gần 62kg), cho nên tôi không thể mua đồ ở khu Huaky vì đồ ở đó làm mặt tôi càng dài nhẵng ra. Một người Maya chính gốc thường có khuôn mặt rộng, nhìn nghiêng có nét như chim diều hâu còn nhìn thẳng thì như chim cú. Nhưng tôi lại nhang nhác như người miền nhiệt đới. Lắm khi người ta nghe tên họ tôi rồi hỏi có phải tôi đến từ Philippine không, Sylvana, bạn gái cũ của tôi, thường nói mái tóc dài mà tôi để khiến tôi nom giống một bản sao xấu xí của Keanu Reeves trong phim Tiểu Phật. Tôi định kể tất cả những chuyện này cho Marena nhưng lại thôi. Vì chúa, hãy giữ lại một chút bí mật cho mình đi.

Nếu mình im lặng, có khi cô ta lại quan tâm một tí.

- Anh không thấy trò Ix game chướng quá đấy chứ, phải không? - Cô ta hỏi.

- Ồ, không đâu...

- Tôi e là chúng tôi đã xây dựng các nhân vật Maya hơi quá, anh biết đấy, ờ...

- Man rợ?

- Đúng đấy.

- Ừm ..., - tôi đáp, - ít ra thì cô cũng không làm họ thành ra đáng yêu.

- Không.

- Dù sao tôi cũng nghĩ vào thời đó tất cả đều man rợ.

- Phải, người ta móc tim và đại loại những chuyện tương tự.

- Thực ra người Maya không làm thế, - tôi đáp, - ý tôi là, đến giờ chưa ai biết là họ từng làm thế.

- Thật vậy sao?

- Có thể là sau này, vào khoảng thế kỷ mười bốn chẳng hạn, nhưng vào thời cổ Maya thì không. Câu chuyện về tim gan ấy là của người vùng Mexico thì đúng hơn.

- Ồ, tôi xin lỗi. Nhưng họ vẫn có tục ăn thịt người và những chuyện tương tự khác chứ, đúng không?

- Tôi không rõ, - tôi trả lời, - có lẽ đó chỉ là do người Tây Ban Nha phao tin lên vậy thôi. Đúng là họ có hiến tế người vào một số dịp. Nhưng họ có ăn thịt hay không thì không rõ.

- Ồ, tôi xin lỗi.

- Vả lại, nếu có thế thật thì có gì mà to chuyện? ý tôi là vào thời điểm đó, ăn thịt người là chuyện phổ biến, như đánh gôn thôi mà.

- Hà, dĩ nhiên.

- Cô cũng biết đấy, ngay cả ở Anh, bài thuốc ăn thịt người chữa bệnh còn tồn tại đến tận thế kỷ mười chín cơ mà.

- Như kiểu bụi xác ướp à?

- Đúng thế, và còn nữa, ví dụ họ nghĩ máu của những người bị chết đau đớn có thể chữa được chứng động kinh chẳng hạn, hoặc như ở Lincoln’s Inn Fields, các dược sĩ đã từng lấy máu người vừa bị treo cổ, đem pha loãng đi và hoà lẫn với cồn, và cô có thể mua thứ ấy ở quầy thuốc Harris.

- Thật kinh khủng.

- Vâng, và bây giờ, ở đâu đó vẫn còn vài kiểu gọi là, ờ, giáo phái đồng thuận ăn thịt người Cơ đốc hoá, nó được gọi là Giáo hội của cộng đồng giáo hữu cực phàm tục hay gì gì đó.

- Oa, đúng, đúng, đúng, tôi đã nghe về chuyện đó, Hừm, có khi đó chỉ là một kiểu giảm béo kỳ cục nào đấy thôi.

- Có thể.

- Nhưng tôi nghĩ anh nói đúng, chuyện đó chẳng có gì mà to chuyện. Ý tôi là, tôi cũng ăn nhau thai của mình mà.

Câu đó làm tôi im bặt

- Xin lỗi, chuyện đó làm anh khó chịu à? – cô ta hỏi.

- Ừm ...

- À, - cô ta nói, - Taro kể rằng anh biết về thiên văn.

- Vậy sao?

- Phải.

- Ông ta có kể tôi biết dùng miệng bắt đĩa bay đồ chơi không?

- Ôi, thôi nào. Hãy chiều tôi một lần đi.

- Thôi được, cô chọn một ngày đi.

- Ngày gì? – Cô ta hỏi lại.

- Ngày gì cũng được.

- Được thôi, ờ, ngày 29 tháng 2, ừm, năm 2594.

- Năm ấy không phải năm nhuận.

- Được rồi, thế ngày 28 tháng hai thì sao?

- Đó là ngày thứ sáu.

- Anh chỉ đùa tôi thôi.

- Thật mà

- Thật á?

- Phải. Còn nữa, tôi có thể nói thêm với cô là vào ngày hôm đó, mặt trời, cứ cho là vẫn còn, sẽ mọc vào lúc sáu giờ năm mươi phút sáng. Giờ EST(Múi giờ chuẩn ở khu vực phía Đông nước Mỹ). Mặt trời sẽ lặn vào khoảng sáu giờ hai mươi tư phút chiều.

- Phải rồi, - Marena nói, - và tôi là Anastasia Romanov (Công chúa của vị Sa Hoàng cuối cùng).

- Gượm hẵng, vẫn còn nữa. Vào ngày đó, sao Kim sẽ mọc vào lúc tám giờ năm mươi bảy phút sáng - mặc dù đương nhiên cô sẽ không nhìn thấy nó – và lặn lúc chín giờ năm mươi sáu phút tối. Ý tôi là ở múi giờ này. Còn sao Thổ sẽ mọc vào lúc bốn giờ ba mươi tư phút sáng...

- Nhảm nhí.

- Cô tra thử trên Google mà xem.

- Thôi, đừng bận tâm, - cô ta nói. Cô ta có nụ cười rất rộng miệng – Anh ác thật đấy.

Rõ ràng ác thật là một cách nói tuyệt vời kiểu mới.

- Vậy bao nhiêu người có thể làm được như anh?

- Tôi không biết ai khác cả. Có những người làm được những việc khác...

- Hừm, - cô ta khẽ cười rúc rích.

Được rồi, - tôi nghĩ, - tôi là người tử tế. Tôi sẽ giúp cô gỡ viên Ru-bic cũ, tôi sẽ giúp cô giải quyết nốt những trang Sudoku (Một trò chơi đố) chưa giải xong, tôi sẽ tính thuế giúp cô bằng hệ thập lục phân, miễn là cô cho tôi xem cuốn Thư...

- Có đúng là anh nói được mười hai thứ tiếng không? – Marena hỏi.

- Không, không, không hề, - tôi đáp. – Tôi chỉ nói được ba thứ tiếng thôi, trừ khi cô tính mỗi thổ ngữ Mayan là một thứ tiếng. Tôi biết gần như tất cả.

- Vậy anh nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Mayan?

- Phải. Tôi cũng hiểu được vài thứ tiếng khác nữa. Nghĩa là có thể đọc được. Và nói có lẽ cũng đủ thạo để mua được cà chua.

- Ví dụ?

- Chỉ những thứ tiếng thông dụng thôi. Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp, tiếng Nahuatl, tiếng Mixteca, tiếng Otomi... (Ngôn ngữ của các dân tộc bản địa khác của châu Mỹ)

- Thế thì, xem nào, - cô ta nói, - anh nghĩ gì về ngày tận thế? Anh có cho rằng điều đó sẽ xảy ra không?

- Ờ... à...

Tôi lưỡng lự. Chúng ta có tí vấn đề rồi đây, tôi nghĩ thầm trong bụng. Một mặt tôi cũng hơi lo lắng về chuyện đó, mặc dù không muốn. Mặt khác tôi lại chẳng có chút thông tin chắc chắn nào. Và cố nhiên tôi muốn nói rằng chuyện đó có vấn đề và tôi có thể giúp cô ta, nhưng rồi tôi lại có cảm giác rằng Marena Park là một đứa trẻ khó phỉnh phờ hơn các chica alegre (cô gái dễ tính(tiếng Tây Ban Nha)) bình thường khác.

- Ờ ...à, - tôi nói, - không, tôi không chắc chắn gì về chuyện này. Sao thế? Mọi người quanh đây lo lắng chuyện đó à?

- Một số người thôi, và rồi, sau đó tôi đoán Taro nói chuyện đó chắc chỉ đúng với những gì liên quan đến người Maya thôi... không, chuyện đó dĩ nhiên cũng chẳng có gì quan trọng đâu.

- Ồ, dĩ nhiên là không không rồi, cô đừng ngại, - tôi đáp.

- Nhưng, nói một cách nghiêm túc, anh nghĩ gì về chuyện này?

- Ừm, đó hiển nhiên là một ngày có ý nghĩa quan trọng, - tôi đáp. Nếu như thời xưa, chí ít người ta cũng sẽ tổ chức một ngày hội lớn. Họ sẽ tập hợp những vị thông thái cao tuổi hay đại loại vậy để tính xem tiếp theo nên làm gì. Có thể họ sẽ làm lại một cuốn lịch mới.

- Nghĩa là chẳng có chuyện gì to tát ở đây cả.

- Thôi cho là không.

- Hừ, Marena nói, nghe giọng cô ta gần như thất vọng. - Thế việc người Maya... Ờ... tôn thờ thời gian có phải sự thực không?

- Ừm, điều đó hơi... sẽ là công bằng nếu nói rằng từ trước đến nay chưa từng có nền văn minh nào bị ám ảnh bởi thời gian cả.

- Nhưng đúng là họ có những ngày tháng phức tạp đến khó tin với những cái tên và con số kỳ lạ mà.

- Thực ra, nếu cô đem hệ thống số của người Maya ra dạy trẻ con, chúng sẽ nói nó dễ hiểu hơn hệ thống số ả-rập đấy. Nó chỉ như các quân cờ đô–mi–nô thôi mà, chỉ là những dấu chấm và gạch.

- Ồ, vâng, nhưng Taro đã có lần thử giảng giải cho tôi về những ngày tháng ấy và tôi đã rối tinh cả lên. Tôi đúng là đồ ngu độn.

- Cái đồng hồ này đẹp quá, - tôi nhận xét.

- Cảm ơn anh. À, hồi trước nó thuộc về John Huston, anh biết đấy, đạo diễn phim ấy mà, như phim Kho báu ở Sierra Madre chẳng hạn, anh biết chứ?

- Rất hay.

- Và nhóm Neo–Teo đã tặng nó cho tôi sau vụ nhận giải thưởng của Viện Khoa học và Nghệ thuật.

- Hay quá.

- Nhưng, như tôi đã nói, tôi không hiểu được nó. Mặc dù người ta nói nó vẫn đang chạy.

- Ồ, không khó đến mức ấy đâu, - tôi đáp.

- Ý anh là lịch của người Maya không khó hiểu đến mức ấy?

- Phải. Có vài điểm khá đánh đố, nhưng khái niệm cơ bản thì rất đơn giản. Nếu... ờ, thế này nhé, cô đừng nghĩ nó là cái đồng hồ tính giờ, hãy coi nó là cái đồng hồ đo cây số, cô biết đấy, như đồng hồ trong xe ô tô ấy, ý tôi là trong xe ô tô loại cũ trước khi có đồng hồ điện tử ấy.

- Được rồi.

- Ừm, vậy là bộ phận đo tổng số dặm đã đi nằm ở hai bánh răng, phải vậy không? Và mỗi lần một bánh răng quay một nhịp thì bộ phận đo sẽ dịch chuyển ba mươi độ. Tức là một phần mười hai của một vòng tròn. Còn với ngày tháng của người Maya, mỗi bánh răng lại được chia thành hai mươi nấc, chỉ có duy nhất một bánh răng đặc biệt có mười tám nấc. Ngoài ra còn một bánh răng quan trọng nữa có mười ba nấc, đó chính là lịch tế lễ và là loại lịch mà ngày tháng có tên. Như vậy cứ sau mười ba chu kỳ hai mươi ngày, sẽ lại có một cái tên kết hợp số được lặp lại. Giả dụ, nếu hôm nay là ngày Dơi 0 thì hai trăm sáu mươi ngày nữa sẽ lại có một ngày Dơi 0. Và vì vậy, khi có nhiều chu kỳ cùng kết thúc vào một thời điểm thì đó sẽ là một sự kiện lớn, giống như...

- Giống như khi đồng hồ đo cây số chuyển sang một trăm nghìn dặm mới và lũ trẻ con ngồi ở ghế sau háo hức nhoi lên trước để xem.

- Đúng thế đấy, - tôi nói. - Chỉ có điều mỗi ngày có cùng tên và số như thế sẽ thuộc về một tun, tức là một chu kỳ gồm 360 ngày, khác nhau. Và mỗi k’atunthì gồm 20 tun, cứ hai mươi k’atun thì thành một b’ak’tun. Và mười támb’ak’tun...

- Rồi, tôi hiểu rồi.

- Rồi. Ngoài ra còn những cách tính khác liên quan đến sao Kim và các hiện tượng thiên văn khác, các ngày lễ kỷ niệm và các sự vật siêu nhiên. Mỗi ngày lại có những vị thần bảo trợ và khắc tinh riêng. Nó từa tựa như việc mỗi vị thánh Cơ đốc giáo đều có những ngày riêng, có điều...

- Có điều phức tạp hơn rất nhiều.

- Ừm... có điều những thứ như vậy ngày nay rất nhiều, phải vậy không? Ví dụ như Thế vận hội Olympic và bầu cử tổng thống có chu kỳ bốn năm, rồi bầu cử thượng viện có chu kỳ sáu năm, có điều các chu kỳ này so le nhau, và còn có, ví dụ như, các chu kỳ kinh tế và kế hoạch năm năm, và còn nạn châu chấu chu kỳ mười bảy năm và cây tre có chu kỳ nở hoa một trăm ba mươi năm. Ờ, John Travolta(Diễn viên điện ảnh Mỹ) cứ mười lăm năm rưỡi lại có một lần tái xuất nổi đình nổi đám...

- Rồi, tôi hiểu rồi.

- Dẫu sao, cô cũng chỉ cần biết một thôi, đó là chu kỳ của mặt trời. Là 360 ngày, là tzolkin (Năm âm lịch của người Maya, gồm 260 ngày (chú thích của tác giả)), là các chu kỳ hai mươi và mười ba, là những gì hợp thành ba’k’tun. Tổng cộng khoảng 256 năm. Năm tzolkin định ra thủ phủ luân phiên và...

- Thủ phủ luân phiên là gì?

- À, đó là... đó là thứ đại loại như thủ phủ tạm thời, nơi họ tổ chức hiến tế, nơi họ ra các quyết sách của một thành phố, hay có thể nói đó là một khu đền thờ nơi tất cả các tù trưởng họp mặt và quyết định các chính sách chung, quyết định thời điểm lễ hội và những vấn đề tương tự. Và đến cuối chu kỳ hai mươi năm, khu đền thờ đó sẽ bị xoá sổ theo nghi lễ. Chẳng hạn như họ sẽ ngừng việc khắc bia, hoàng tộc sẽ rời đi và họ sẽ phá bỏ các tượng đài và những thứ khác. Sau đó khu vực ấy sẽ trở thành khu vực cấm, và trong hai mươi năm tiếp theo, thủ phủ sẽ nằm ở một nơi khác.

- Vậy đó chính là lý do người Maya rời bỏ các thành phố của họ.

- Phải, đó là một khả năng khiến các trung tâm nghi lễ đó bị bỏ hoang, nhưng...

- Dù sao, - Marena nói, - theo tôi hiểu thì anh dùng cờ Hiến tế để chọn mua cổ phiếu.

- Cụ thể là hàng hoá.

- Phải rồi. Và anh chơi bằng tay, phải vậy không?

Ý cô ta là không phải chơi bằng máy tính.

- Ừm, tôi vẫn còn giữ phần mềm cũ của Taro, - tôi trả lời, - nhưng đúng thế, chủ yếu bằng tay.

- Anh có chiếc túi đựng những viên sỏi nhỏ... gọi là cái gì đó... không?

- Grandeza, - tôi đáp, - có.

- Anh có đem theo không?

- Có đây.

Cô ta không hỏi xem nó. Chắc như thế thì hơi đường đột quá.

- Nhưng cô biết không, - tôi nói, - tôi không phải chiêm tinh gia hay gì cả. Chuyện này chẳng liên quan gì đến những điều siên nhiên.

Hê, - tôi nghĩ, - sao cô không cho tôi xem cuốn sách, đổi lại tôi cho cô xem túi đá nhỉ?

- Tuy thế, trò chơi không thực sự giúp anh tiên đoán. Phải vậy không?

- Hừ, tiên đoán nghe như... nghe như việc của thầy bói.

- À, - cô ta ngưng lại.

Đừng thật thà quá, Jed, - tôi tự nhắc mình. Nếu cô ta không nghĩ mày có gì đặc biệt thì cô ta sẽ chẳng cho mày xem gì sất. Phải vậy không? Mặt khác, cô ta sẽ nghĩ mày định bán mềm (Một cách bán hàng dựa trên thuyết phục). Dù sao cũng không phải mày đang cố hẹn hò với cô ta. Ngay cả khi cô ta thuộc loại hấp dẫn. Tất cả những gì mày cần bây giờ là làm sao để cô ta cho mày xem cuốn thư tịch thôi. Phải vậy không?

- Vậy, - Marena nói, - vậy anh muốn nói là người Maya cổ không thực sự tiên đoán điều gì cả?

- Ừm, không, họ... cô nghe này, tôi muốn nói rằng họ không coi điều đó là tiên đoán. Nhiều khả năng họ coi đó là, đại loại như đặc tính cố hữu hay hương vị riêng mà mỗi ngày mang trong mình một cách tự nhiên. Nó cũng giống như cuốn lịch niên giám của nông dân ghi rằng sẽ có tuyết vào một ngày nào đó, chỉ khác là ở đây nó là bệnh dịch, là chiến tranh hay gì đó khác. Và hương vị đó càng ngày càng được thêm mắm thêm muối vào, nếu xảy ra một trận chiến lớn vào đúng ngày hôm ấy thì từ đó trở đi người ta sẽ có định kiến rằng cái ngày đó là ngày chiến tranh. Y như quan niệm cho rằng ngày sinh của vua chúa là ngày may mắn ấy. Ý tôi là ngay cả bây giờ người ta vẫn còn nghĩ vậy.

- Tôi hiểu ý anh.

- Nhưng thực ra cờ Hiến tế không cho cô thấy được tương lai. Nó chỉ giúp tăng tính chính xác của các dự đoán thôi.

- Như thế nào?

- Hừm, nó một cách thật đơn giản, tôi nghĩ nó tăng tốc bộ não bằng cách nào đó. Hoặc giúp não tập trung hơn khiến ta có cảm giác hoạt động nhanh hơn. Nó tạo ra những giờ chơi. Vì vậy, giống như...

- Gượm đã, giờ chơi nào, ý anh là như ở nhà trẻ á?

- Không, ờ... đó chỉ là một thuật ngữ của StrategyNet. Họ dùng nó để diễn tả cách tính thời gian khác thời gian bình thường của mỗi trò chơi. Ví dụ, cô biết đấy, các trò chơi chiến thuật theo lượt sử dụng một cách tính giờ khác, nó không dựa trên khung giờ cố định hay độ dài của ván chơi mà phụ thuộc vào diễn biến của chính ván chơi đó. Cô hiểu chứ?

- Tôi hiểu.

- Về cơ bản, một ván chơi được đo bằng nhịp độ. Tức là các nước đi. Nếu một người chơi đi một nước mà không đem lại kết quả gì, nghĩa là anh ta đã lỡ mất một nhịp. Thời gian tính theo đồng hồ chỉ là một cách tính chẳng có gì liên quan đến tốc độ của một trò chơi.

Cô ta gật đầu.

- Như vậy giờ chơi có thể hiểu là thời gian tính theo sự thay đổi thế trận, chứ không phải độ dài.

Cô ta gật đầu.

- Như vậy có nghĩa là, cô cũng biết đấy, khi cô chơi một trò chơi nào đó thì mọi sự vật xung quanh dường như chậm lại.

Cô ta gật đầu.

Đến đây thì tôi im lặng.

- Vậy là, - cô ta nói, - ý anh là tất cả những gì anh làm chỉ là đọc trước.

Trong môn cờ vây, đọc trước có nghĩa là tính các nước tiếp theo. Một tay chơi cờ vây chuyên nghiệp có thể đọc trước tới một trăm nước.

- Đúng vậy, - tôi đáp. - Chính xác là như thế.

Phải đấy, - tôi nghĩ thầm trong bụng. Đúng là một tay chuyên nghiệp! Bậc thầy về trò chơi! Bậc thầy về cờ bạc! Nào, theo lẽ thường thì bây giờ cô sẽ muốn cho tôi xem cuốn sách chết toi đó chứ. Phải không?

Phải.

Vấn đề là, chúng tôi, những người chơi trò chơi nghiêm túc - trò chơi nghiêm túc là từ mà các nhà toán học dùng để chỉ các trò chơi như cờ vây, cờ vua, cờ shogi, bài bơ-rít, bài poker, có Hiến tế và một số ít trò chơi điẹn tử như Sim game chẳng hạn - biết, hoặc có cảm giác mình biết, rằng có một thế giới nào đó duy ý chí hơn đang tồn tại, tạo thành cơn sóng mạnh hơn áp đảo. Nhưng sự nhận biết đó biến chúng tôi thành những kẻ lập dị. Và dĩ nhiên, nó cũng khiến chúng tôi có cảm giác mình hơn hẳn những kẻ khác - bất kể những kẻ đó khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn chúng tôi về cả địa vị xã hội lẫn tiền bạc – và thế là chúng tôi trở thành loại người không thể nào chịu đựng được.

- Dẫu sao, - Marena nói, - đọc được trước sự việc cũng đủ để đầu tư ngon lành rồi.

- Tôi đoán vậy.

- Theo tôi hiểu thì anh vừa mua bán được vài vụ thành công.

- Xin hỏi thông tin đó từ đâu ra vậy?

- Từ hãng, - cô ta đáp, giọng nói có chút thay đổi tiêu cực.

- Hừm.

- Anh đừng bận tâm chuyện đó.

- Được thôi.

- Dù sao... này, anh không nhìn thấy trước ngày tận thế nào đấy chứ... ý tôi là ngày tận thế đang chờ chúng ta vào năm tới ấy? Có không?

- Ý cô là ngày Chúa tể 4? Ngày cuối cùng của cuốn lịch?

- Đúng. Ngày 21 tháng 12 năm 2012 ấy.

- Không, tôi không thấy, - tôi đáp, - chưa thấy.

- Tôi nghĩ vậy là tốt.

Tôi bắt đầu cảm thấy chúng tôi đang đi đến phần kết của câu chuyện, giống như tiếng động phát ra khi chai nước sắp được đổ đầy. Nào, cố lên, Jed. Làm thế nào để biến mình thành vô giá trước người phụ nữ này?Hãy nói gì đó thật thuyết phục, thật hoành tráng, thật gây sốc vào... không, đừng thử cách ấy. Cứ hỏi câu gì đó thôi.

- E hèm, tôi muốn hỏi chút, - tôi lên tiếng.

- Anh nói đi.

- Tại sao một phòng nghiên cứu giải trí lại đi tài trợ cho những nghiên cứu của Taro? ý tôi là, chúng có thực sự liên quan đến giải trí đâu.

- Thời buổi này cái gì cũng là giải trí cả, - cô ta đáp.

- Ừ, phải.

Cho tôi xem cuốn sách đi nào, - tôi nghĩ. Đưa sách cho tôi. Đưa tôi... sách. Sách... tôi.

- Nói chung, Lindsay từ trước đến giờ vẫn giỏi việc biến bất kỳ thứ gì thành giải trí... anh biết đấy, đó là lý do vì sao hãng phim của chúng tôi dựng lại bộ phim Silent Running(Một bộ phim giả tưởng với viễn cảnh toàn bộ giới thực vật bị tiêu diệt, trừ một vài loài trồng trong nhà kính được một nhà sinh vật học cứu sống.) chỉ vì ông ta đã mua lại Botania, một công ty chuyên thuỷ canh theo quy trình khép kín.

- Phải.

- Và nó rất hợp với bộ phim.

- Ừmm.

- Tuyệt đấy, tôi nghĩ bụng. Chủ nghĩa duy trì sinh tồn đây mà. Lại thêm những ý tưởng ngu độn kiểu bọn Mormon. Tích trữ để chờ ngày Khổ nạn đến. Không muốn phải trình diện đức Jesu với cái bụng rỗng.

- Họ vẫn đang tiếp tục các nghiên cứu liên quan đến duy trì sinh tồn đấy.

Cô ta đọc được ý nghĩ của mình thì phải. Quỷ tha ma bắt, - tôi nghĩ. Mình ghét trò đoán được ý nghĩ người khác này.

- Phải, - tôi đáp, - phải, tôi lớn lên ở Utah...

- Ồ, phải rồi ...

- ... cho nên cũng biết ít nhiều về những chuyện đó.

- Phải.

- Phải

- Ý tôi là, đó là sự thực. Linsay là một nhân vật quan trọng của giáo phải Mormon. Ông ta vừa được bầu chọn vào Hội đồng Bảy mươi tông đồ.

- Hay thật đấy.

Hội đồng Bảy mươi tông đồ là giáo hội đứng đầu Những Vị Thánh Ngày Cuối, tương tự như Hội đồng Hồng y.

- Nhưng tôi hiếm khi nói chuyện với họ. Anh biết đấy.

- Vậy ư.

- Họ đến là đáng sợ.

- Phải.

- Ừ, - tôi nghĩ, - cô ta thật tốt khi muốn làm mình yên lòng. Không...

- Nhưng Lindsay sáng suốt hơn những người còn lại... nói chung, bọn họ tài trợ cho những thứ mà chẳng ai khác buồn dính vào.

- Như phản ứng hạt nhân năng lượng thấp?

- Ừ, đúng vậy, - Marena trả lời, - và hàng ngàn thứ khác nữa. Và chẳng phải thứ gì cũng tròn trịa.

Để giải thích cho những ai có cái may mắn không phải sống hoặc làm việc ở khu vực Salt Lake, những sự kiện mà Marena và tôi vừa nhắc đến là: thứ nhất, năm 1989 trường đại học Utah công bố rằng họ đã thực hiện thành công phản ứng hạt nhân năng lượng thấp nhưng đó chỉ là sự nhầm lẫn; thứ hai là vụ xì-căng-đan liên quan đến con tàu vũ trụ Callenger khi người ta phát hiện ra rằng giáo hội Mormon đã giao việc sản xuất nó cho Morton-Thiokol vàcông ty này đã hớt đi hàng triệu đô la của dự án, và, vài người có thể còn nhớ, nó đã cho ra một sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Và đó chỉ là hai trong số rất nhiều. Tất cả những nghiên cứu kỳ dị mà Những Vị Thánh Ngày Cuối trả tiền cho thật cứ như một trò đùa vậy. Nhưng đó là kiểu khoa học ở miền Tây Nam. Các tổ chức của giáo phái Mormon đã tiêu hàng triệu đô la mỗi năm cho các nghiên cứu tâm linh, khả năng nhớ theo di truyền, nghiên cứu phả hệ liên quan đến ADN, khảo cổ học liên quan đến thờ cúng, nơi ẩn náu khi đến ngày tận thế, túi cứu sinh(Là một túi đồ chứa đầy đủ những gì cần thiết để một người có thể sống sót trong bảy mươi hai giờ khi có thảm họa xảy ra, rất phổ biến trong cộng đồng người theo chủ nghĩa duy trì sinh tồn.) phát miễn phí và hàng tá lĩnh vực khác nữa. Thực ra, chuyện nực cười nhất có lẽ là vào năm 1998, khi hai nhà nghiên cứu của Viện Vật lý ứng dụng Layton tuyên bố họ đã kích thích các hạt lượng tử và tạo ra một vũ trụ bong bóng. Tức là, có lẽ là lần đầu tiên sau vụ nổ lớn, một bản sao vũ trụ đã được tạo ra bên trong vũ trụ ban đầu. Họ nói thêm rằng hai vũ trụ đó giống hệt nhau vào thời điểm phân đôi, nhưng vì những thay đổi ngẫu nhiên bên trong nguyên tử nên chúng sẽ bắt đầu biến đổi khác nhau tương đối nhanh. Khi một phóng viên của CNN hỏi người phụ trách rằng vũ trụ mới ấy ở đâu, ông ta đã trả lời : "Chúng ta đang ở bên trong nó". Không có gì đáng ngạc nhiên khi các kết quả nghiên cứu của họ không được tái tạo lại thêm lần nào.

- Dù sao, - Marena Park nói, - sẽ tiện hơn nếu dùng ngân sách của phòng tôi vì tôi cũng đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến Maya.

- Phải, - tôi đáp.

Lại một khoảng im lặng nữa. Hừ, tuyệt đấy, - tô nghĩ, - tôi đoán thế có nghĩa là cô không cần tôi nữa. Tôi chỉ còn việc cụp đuôi vào giữa hai chân mà bước ra ngoài và...

- Anh đọc được chữ Maya phải không, - Marena hỏi.

- À, vâng, tôi đọc cũng tạm được. Nhưng cô biết đấy, nó không hẳn là đọc như bình thường, chúng thường không hẳn là các câu, và phải suy diễn rất nhiều.

- Được rồi. Vậy tôi đoán anh cũng muốn xem cuốn Thư tịch, phải không?

- Ồ, dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi, - tôi đáp.

Xong rồi!!! – tôi reo thầm trong bụng.

- Vấn đề là nó vẫn chưa được công bố, vì vậy đáng ra tôi không được cho ai xem. Đó là bí mật lớn chỉ sau vụ các mũi của Natalie Portman thôi đấy.

- Ồ.

Lại im lặng.

- Nhưng tôi không biết nữa, - cô ta tiếp, - nếu anh cộng tác lại với Taro, có lẽ anh có thể vào cuộc khi Taro bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tiếp theo... nhưng sẽ không sớm đâu.

- Ồ, được thôi.

Dĩ nhiên rồi, cảm ơn vì đã từ chối tôi như thế. Mày là đồ thua cuộc, Jed. Bàn tay tôi bất giác siết chặt lấy thành ghế như muốn bẻ cong nó lên. Tôi cảm thấy một cơn thất vọng tràn trề ngấm vào từng phân tử, giống như rơi tự do từ trên đỉnh tháp Power ở công viên Six Flags Over Texas xuống. Thôi, mặc xác nó, có lẽ đó chỉ là một cơn quá khích thôi. Họ đang cố biến nó thành một vụ thư cảo Biển Chết(Những văn bản còn sót lại của kinh Do Thái cổ được phát hiện tại một địa điểm ven biển Chết, những văn bản này bị trì hoãn công bố khiến xảy ra rất nhiều tranh cãi trong giới học giả.) thứ hai đây mà, và có khi thực ra họ chẳng có gì sất, có khi cuốn Thư tịch chỉ là một mớ biểu đồ sao Kim và vài cái tên cổ, có khi chỉ là công thức nấu món guacamole... (Món nước sốt quả lê tàu.)

- Anh muốn xem trang viết về ngày Tận thế chứ? – Marena hỏi. - Tôi chắc sẽ không có rắc rối gì nếu chỉ để anh xem trang đó thôi.

- Ồ, dĩ nhiên.

Ôi, chúa tôi. Lạy chúa toàn năng! Ô hô! U hu! A ha!

- Nào.

Cô ta thò tay xuống ngăn bàn bên dưới, không cần nhìn, rút ra một chiếc điện thoại di động màn hình rộng, và bấm bấm trong vài giây. Tôi đẩy chiếc ghế lại gần, nhưng không quá gần. Hết sảy.

- Cô cần tôi ký một cái giấy biên nhận hay gì không? – tôi hỏi.

- Ồ, anh có thể để lại con tin.

- Tôi là con tin rồi đây.

Cô ta đặt chiếc điện thoại lên bàn, xoay đầu lại để đẩy về phía tôi. Nó có màn hình hiển thị OLED – 3D kiểu mới, không có dấu vết nào của ảnh điểm, chỉ có hình một trang giấy dài, hẹp, hiển thị ba chiều, nét chỉ kém phím Zeonex.

Do trang giấy vỏ sung bị thạch cao hoá này không phải tiếp xúc với mặt trời đã hàng thế kỷ nên chất mực dễ phai vẫn được bảo quản nguyên vẹn và phương pháp xử lý hình ảnh siêu quang phổ lại làm chúng đậm thêm một chút nên chúng nổi lên giữa trang giấy đen như thuỷ tinh màu bị phai.

Còn nữa, trên trang đính kèm, mỗi ngày tháng đó – Weiner đã quy đổi chúng sang ngày tháng tương ứng theo Tây lịch thông thường – lại có một cột ký tự chạm khắc bên dưới, viết rằng có chuyện gì đó đã xảy ra, hoặc sẽ xảy ra, vào đúng ngày ấy. Phần nhiều trong số đó là các sự kiện thiên văn, nhưng đến gần cuối, các cột chữ bắt đầu nhắc đến các sự kiện lịch sử. Dòng chạm khắc đầu tiên cạnh nơi quân cờ thứ mười hai bị bắt giữ bắt đầu bằng Răng 3, Kền kên nạm ngọc 15, 10.14.3.9.12, Weiner đã tính chính xác ngày đó thành ngày 30 tháng 8 năm 1109. Trên dòng chú thích, Weiner viết: "Chichén bị xóa bỏ?". Bất cứ tay hướng dẫn viên du lịch nào cũng có thể giải thích cho anh rằng Chichén Itzá là chính thể Maya lớn nhất vào thời đó. Ngày tháng tiếp theo là ngày 14 tháng 5 năm 1430. Dòng chú thích ghi: "Các chiến binh Mexico chiếm được Champotón". Thời bấy giờ, Champotón, thuộc địa phậm Campeche (Một bang của Mexico) ngày nay, từng được gọi là "thủ phủ luân phiên k’atun" – gần như thủ phủ của toàn bộ tộc Maya. Những điều này với tôi chẳng có gì khó hiểu, nhưng khi tôi kích vào để xem phần chú thích, trên đó ghi rằng Weiner đã phát hiện ra các dữ kiện về địa lý từ các con số liên quan đến thiên văn. Khi tôi xem kỹ các ký tự liên quan đến thiên văn thì thấy nó quả thực có lý. Mỗi nhóm ký tự đều có một cụm từ giống nhau mang nghĩa "thuộc nơi" đứng trước một cụm từ ghi ngày tháng của ngày thiên đỉnh đầu tiên. Ngày thiên đỉnh đầu tiên tức là ngày đầu tiên của mùa xuân khi mặt trời nằm ở đỉnh cao nhất trên bầu trời vào đúng giữa trưa, và cứ tiến lên một vĩ độ về hướng bắc thì ngày thiên đỉnh lại muộn đi một ngày.

- Cô có biết gì về vụ vĩ độ này không? – tôi hỏi Marena.

- Xin lỗi?

- Tôi chưa từng thấy văn bản chạm khắc Maya nào chỉ rõ vị trí vĩ độ cả. Ý tôi là tôi hiểu cách suy luận của mọi người, nhưng rõ ràng đây là một cách viết lạ.

- Hừm.

- Tôi có thể xem các trang khác không?

- Ừm…thôi, cũng được. Anh đừng kể với ai đấy nhé.

Cô ta nhìn xuống, nguệch ngoạc vội vàng cái gì đó lên một màn hình cảm ứng. Tôi được chuyển sang một trang khác. Không có hình vẽ nào trên trang này, nhưng nó viết rằng sự kiện sắp tới sẽ xảy ra vào năm 1498 Công nguyên, tại Mayapan, và nó còn viết gì đó về việc những "người cười", tức là những người dân thành Ix, sẽ bị ăn thịt bởi "carnelian", nghĩa là đá ruby hay chính là cách ám chỉ mụn nhọt. Weiner ghi chú đoạn này như sau: "Người Tây Ban Nha truyền bệnh đậu mùa chăng?". Nơi quân cờ thứ mười lăm bị bắt là ngày 20 tháng 2 năm 1524. Cuốn Thư tịch đã đánh dấu nó bằng dòng chữ: "Nước mắt (dưới) người khổng lồ bằng đồng", và Weiner chú thích bên dưới: "Cánh quân khởi nghĩa Maya cuối cùng đầu hàng Pedro de Alvarado (Vị tướng Tây Ban Nha nắm chức toàn quyền tại Guatemala thời kỳ đó.) tại trận Xelaju". Tiếp theo là một ngày mà tôi biết rõ như thể nó được xăm trên cổ tay tôi: Ngày Lưỡi dao 10, Trứng đen 16, 11.17.2.17.18, tức là ngày 12 tháng 6 năm 1562. Weiner ghi: "tai hoạ định mệnh tại Mani". Đó là ngày Fra Diego de Landa cho thiêu cháy toàn bộ những thư viện còn lại của người Maya tại Yakatán. Tôi luôn ước sao mình chẳng dính dáng họ hàng gì với cái đồ con hoang ấy.

Tự dưng tôi có cảm giác ngồ ngộ về việc này. Tôi lại có ý nghĩ cuốn sách này hẳn là đồ giả. Nhưng nhìn nó lại không giống một cuốn sách giả mạo thông thường. Nó quá kỳ quặc. Trong khi những tay làm giả có nghề luôn có xu hướng làm hơi thận trọng một chút. Cuốn sách không chỉ kỳ quặc ở nội dung mà còn kỳ quặc ở chỗ có quá nhiều ký tự hình dạng khác thường, thứ mà người ta chỉ mong nhìn thấy khi tìm được một mớ chữ nghĩa lạ tại một thành phố nào đó tương đối biệt lập với nền văn minh chung. Điều này chỉ có thể do một bàn tay làm giả thực sự thông minh bịa ra…nhưng tôi vẫn cảm giác văn bản này là thật. Một sự thật nghe có vẻ trái tai.

- Taro có nói ông ta nghĩ họ dùng bao nhiêu viên đá không? – tôi hỏi.

- Gì cơ? – Marena hỏi lại.

- Ờ, số lượng quân cờ í mà. Đó là thứ họ dùng khi chơi cờ Hiến tế.

- Tôi không biết nó là gì cả.

- Không sao, tôi sẽ hỏi Taro sau vậy.

Tại nơi quân cờ thứ mười bảy bị bắt, ứng với ngày 13 tháng 3 năm 1697, Martín de Ursúa y Arizmendi đã bắt sống được Ahau Kan Ek’, vua của thành Nojpetén tại Tayasal, bên hồ Petén Itzám thành trì cuối cùng của nền văn minh Maya truyền thống chưa khuất phục Tây Ban Nha. Đó là nơi cuối cùng người ta còn giữ lịch Long Count. Tiếp đó là ngày 29 tháng 7 năm 1773, ngày xảy ra vụ động đất ở cố đô Antigua Guatemala khiến người ta quyết định chuyển thủ đô về địa điểm như ngày nay. Tiếp nữa là ngày 4 tháng 5 năm 1901, ngày mà tướng Bravo chiếm được Chan Santa Cruz, thành lũy cuối cùng của quân nổi dậy Maya ở Yakatán. Ngày tháng thứ tư từ cuối đếm lên là ngày 9 tháng 11 năm 1954, dòng chú thích dịch đại ý như sau:

B’ak’tun cuối cùng

K’atun thứ 17

Tun thứ nhất

Unial 0

Trúc 6, Trắng 4

Kaminaljuyu (Một khu vực văn minh Maya thời tiền Colombia, thuộc lãnh thổ phía tây Guatemala)

Không phải Kaminaljuyu

Bị lừa gạt quá đủ

Bởi ahau xa lạ

Chúng ta gánh lấy tai vạ

Chúng ta trốn chạy

Khỏi những kẻ thối tha kinh tởm

Chúng ta rúc vào bụi rậm

Như lũ chuột, lũ khỉ

Chúng ta sẵn sàng cho sự đen tối.

Đó là ngày Castillo Armans tiến quân vào thành phố Guate trong chiến dịch táo tợn của CIA – tôi nghĩ tôi đã đến chuyện này rồi – khiến cục diện trở nên thực sự tồi tệ. Tiếp theo chỉ còn lại ba ngày tháng nữa. Một là ngày mà tôi đã nhìn thấy trong bài báo trên tạp chí Times, ngày xảy ra vụ nổ ở Oaxaca:

B’ak’tun cuối cùng

K’atun thứ 19

Tun thứ 16

Unial thứ 7

Mặt trời 0

Chúa tể 4

Nai đực 18

Giờ đây,

Dưới Choula

Tên của chúng ta bị bôi nhọ

Giữa một bể dao nhọn

Và chúng ta gánh lấy tai vạ

Ngày cuối cùng là một sự kiện trọng đại, chỉ còn cách không đầy một năm nữa: Kan Ahau, Ox K’ank’in, tức là ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, 13.0.0.0.0, hay ngày 21 tháng 12 năm 2012, ngày cuối cùng của hệ thống lịch Maya và là ngày mà những người tính tình vừa u ám vừa cả tin cho là ngày thời gian sẽ chấm dứt.

B’ak’tun cuối cùng

K’antun cuối cùng

Tun cuối cùng

Unial cuối cùng

Mặt trời cuối cùng

Lửa báo hiệu cuối cùng

Chúa tể 4

Gân vàng 3

Với cặp mắt không mờ khói

Con Ma Róc Thịt nhìn thấy

Bốn trăm chàng trai

Và những gì họ nói.

Họ nhiều hơn lúc trước

Nhưng vẫn chưa có ai.

Họ nài xin Con Ma Róc Thịt

Thứ mà ông ta

Chỉ có thể từ chối

Tất cả mặt trời

Của những lễ hội

Tất cả mặt trời

Của sự khổ đau:

Một trong hai thứ

Dễ dàng chiến thắng.

Nếu tìm kiếm nơi

Dành cho khước từ

Và sự phản bội

Ngươi sẽ không thấy.

Tìm kiếm khắp nơi

Hòng thấy Con Ma Róc Thịt

Ngươi có thể bắt

Nhưng không thấy được

Bộ mặt ông ta

Những mặt trời không tên,

Những cái tên không mặt trời:

Lấy hai từ mười hai:

Sẽ được kẻ láu cá

Hoàng đế Mèo Rừng 1.

Hừm…, tôi nghĩ.

Những thứ này không được rõ ràng lắm. Phải tư duy thêm.

En todos modos. Ngay trước này này là ngày bao nhiêu nhỉ?

Tôi quay lại ngày thứ hai tính từ cuối lên: Imix 9, K’ank’in 9.12.19.19.0.1, tức ngày 28 tháng 12 năm 2011, Thứ 4. nghĩa là cách hôm nay năm ngày nữa. Dòng chú thích viết đại khái như sau:

B’ak’tun cuối cùng

K’atun thứ 19

Tun thứ 19

Unial 0, mặt trời đầu tiên

Rắn biển 9 và Vàng 9

Bây giờ một số tháo chạy về phương bắc

Đến một thành phố

Của những người hành hương dưới ánh mặt trời.

Nó kết thúc vào mặt trời 0

Khi thầy phù thủy đánh lửa

Từ lưỡi dao và đá cuội

Và chúng ta gánh lấy tai vạ

Weiner cũng giải thích kỹ thêm nghĩa đen của bốn ký tự nằm giữa khổ cuối:

- Rồi. Vậy đó là thành phố nào?

- Đây, cô nhìn đi, - tôi nói xoay chiếc điện thoại lại và đẩy về phía cô ta. Cô ta cúi xuống làm tóc gần như quyệt vào trán tôi, - trung tố này có một, ờ…

- Trung tố là gì?

- Nó đại loại như một thành tố đặt vào giữa một từ. Trong trường hợp này, nó là phần giữa của ký tự chạm khắc. Tiếng Anh có tiền tố và hậu tố nhưng không có trung tố.

- Được rồi. Khoan đã, thế fu*king thì sao?

- Sao cơ? – tôi hỏi lại.

- Anh biết đấy, như trong từ, ờ, specfu*kingtacular ấy mà.

- Ồ, phải, ừ, cô nói đúng đấy, có lẽ đó là từ duy nhất.

- Rồi, mian hamnida (Xin lỗi anh - Tiếng Hàn Quốc) , anh nói tiếp đi.

-Vâng, ừm…thành tố chỉ địa danh, tức là cái hình nằm bên trong ký tự này… có phải là một hình chữ thập với bốn hình có dạng kim tự tháp nhỏ không?

- Phải.

- Weiner chưa thực sự giải thích được hình đó. Nhưng nó không giống với các ký tự thể hiện tên thành phố khác. Nó là một hình biểu tượng vũ trụ, rất giống với một bàn cờ của cờ Hiến tế. Cô biết công trình nghiên cứu của Taro về trò chơi này, phải không?

- Tôi biết một chút thôi.

- Ừ, và cô biết bàn cờ có năm hướng chứ?

- Chứ không phải bốn à?

- Bốn hướng tỏa ra xung quanh và thêm một ở giữa nữa.

- Tôi hơi hiểu.

- Điểm chính yếu là mỗi hướng mang một màu sắc riêng, cô biết chứ?

- Phải. Thực ra mọi dân tộc châu Mỹ bản địa và rất nhiều dân tộc châu á nữa cũng đều quan niệm về phương hướng theo lối ấy.

- Vậy sao? Dù sao, chắc Taro đã nói với cô về Jaipur rồi chứ?

- Gì cơ? – cô ta hỏi lại, - chưa.

- Cô biết thành phố Jaipur ở ấn Độ chứ?

- Aniyo, - cô ta khẽ lắc đầu, kể cả người không biết tiếng Hàn Quốc cũng hiểu như thế có nghĩa là "không".

- Được rồi, ừm…thế này nhé, cô biết mục đích của tất cả những nghiên cứu mà Taro đang thực hiện là để khẳng định rằng một phiên bản nào đó của cờ Hiến tế chính là gốc của hầu hết các trò chơi hiện đại chứ? Mà cũng có khi là tất cả. Cô biết đấy, ngay cả cờ vua và cờ vây cũng có cùng một cấu trúc bốn cạnh cân xứng như thế, ý tôi là, khởi nguồn chúng đều là trò chơi dành cho bốn người. Và hiển nhiên tất cả những trò chơi như mạt chượt, bài bơ-rít và cờ tào cáo đều…

- Tôi tưởng ông ta nói nó giống như trò Parcheesi chứ?

- Phải, - tôi đáp, - chính xác thì hậu duệ gần nhất của nó mà ngày nay người ta vẫn còn chơi là trò Parcheesi cũng đồng thời tựa như một thanka (bức tranh Phật). Cô biết chứ, một mandala (biểu đồ đồng tâm thể hiện tinh thần tín ngưỡng và tâm linh của đạo Phật và đạo Hindu) ấy mà. Để suy ngẫm hay những việc đại loại như vậy chẳng hạn.

- Anh thấy đấy, tôi có cảm giác mình như con ngốc vậy. Vì tôi làm nghề thiết kế trò chơi mà bây giờ té ra tôi lại chẳng hiểu biết gì mấy về chúng.

- À, những điều này cũng bí hiểm, chẳng mấy ai biết đâu.

- Vâng.

- Dù sao, điều tôi muốn giải thích ở đây là các mandala không phải chỉ để chiêm bái. Chúng còn dùng được người ta dùng trong trò chơi hoặc để đi vòng quanh trong đó. Các ngôi chùa ở Đông Nam á được xây dựng trên nềnmandala. Hay cô có thể nói cách khác là trên nền bàn cờ Parcheesi. Cô biết đấy, nó cũng giống như các nhà thờ công giáo được xây dựng trên nền hình chữ thập. Và khắp châu á, cô có thể thấy tất cả các tháp xá lị, đền, chùa…

- Ôi trời ơi.

-…và cả thành phố Jaipur đã được thiết kế theo hình dáng một bàn cờParcheesi.

- A, narohodo, - cô ta nói. Nó có nghĩa là "tôi hiểu rồi". Cô ta phát âm từ ấy với một cái thở phào thật mạnh. Đến từ cộng đồng thiểu số cũng có cái hay là anh có thể dùng giọng điệu để bỡn cợt mà chẳng phải e ngại gì.

- Nhưng cờ Hiến tế không phải là duy nhất, ngoài nó ra, ở châu Mỹ bản địa còn hàng mớ phiên bản từa tựa. Phiên bản của người Aztec được gọi là patolli. Montezuma (Tức là Montezuma đệ nhị, vị vua thứ 9 của người Aztec. Cortés: Vị tướng Tây Ban Nha, người dẫn đầu cuộc viễn chinh đánh bại đại đế chế của người Aztec.) đã chơi trò này với Cortés. Cũng giống như trường hợp ở châu á, chúng không chỉ là những bàn cờ. Các sân chơi bóng hông của người Maya, có khi cả kim tự tháp và các thành phố của họ nữa, đều được thiết kế như hình dáng của bàn cờ. Và như trường hợp ở Jaipur, họ cũng cử các nghi lễ, các đám rước và những thứ đại loại vậy, đi từ hướng này sang hướng khác nhằm thể hiện một ý nghĩa nào đó…ờ, cô hiểu chứ?

- Tôi nghĩ là có, chắc là có.

- Mỗi phần, hay mỗi hướng của bàn cờ – cũng là của thành phố, lại có một vị thần cai quản riêng, những ngày, giờ riêng, thậm chí là thức ăn riêng và nhiều thứ khác riêng nữa. Hướng tây nam và tây bắc được coi là mặt đất và âm ty, hướng đông bắc và đông nam được coi là bầu trời và các vì sao. Và cuối cùng, trung tâm được coi là hướng thứ năm.

- Sao không phải là sáu hướng, với hướng thứ năm và sáu là trên và dưới chẳng hạn?

- Trên và dưới thuộc về một hệ thống quan niệm khác hẳn. Chúng như thể một chiều khác hẳn của vũ trụ. Còn hướng trung tâm ở đây chỉ có nghĩa là: Ta Đang Ở Đây (Tức là hiện tại). Hoặc…hình như tôi đi quá xa với đề tài này rồi.

- Không, không, xin anh, - Marena nói, - anh nói tiếp đi.

- Các hướng cũng đồng thời có liên hệ với thời gian. Hướng đông là tương lai và hướng tây là quá khứ. Hướng tây bắc thuộc về nữ giới, đó là theo giả thiết họ tự định ra, còn hướng đông nam thuộc về nam giới. Họ cũng lý giải rằng hướng đông nam có thể dẫn tới hiện-tại-và-tại-đây ở hướng trung tâm.

Thông minh có tự tin không nhỉ? – Tôi phân vân. Ngồi thẳng lên nào. Được rồi. Đừng có thẳng quá thế…

- Xin lỗi, tôi bị đứt mạch câu chuyện rồi, - Marena nói. – Những chuyện đó thì có liên quan gì đến tên địa điểm kia?

- À, điều tôi muốn nói là theo tôi thấy, ký tự thứ tư chính là một bản đồ thu nhỏ được cách điệu của trung tâm một thành phố kiểu Maya. Ở đây, họ ghi là "lâu đài bậc thang quý giá", nhưng ý nghĩa của nó thực sự là "khu đền thờ".

- Rồi.

- Và phần tiền tổ là…nó chỉ một thứ đại loại như "thủ phủ luân phiên k’atun". Điều đó có nghĩa rằng dù là chuyện sẽ xảy ra trong năm ngày tới, nó cũng sẽ xảy ra với một thành phố được chia thành bốn màu, hoặc năm kiểu tính cả hướng chính giữa. Và người dân thành phố đó phải coi nó là trung tâm của thế giới. Hay chí ít cũng là trung tâm của cái gì đó hết sức quan trọng.

- Vậy chắc nó là một khu vực Maya cổ nào đó.

- Không, không, tôi không nghĩ vậy. Tôi đoán họ muốn ám chỉ một trung tâm lễ hội nào đó vẫn còn hoạt động ngày nay. Không phải một phế tích hay thứ gì đó tương tự. Bởi trong cụm từ đó có một ký tự lót mang nghĩa "thủ phủ k’atun".

- Phim hoạt hình gì vậy? (K’atun đồng âm với Cartoon : phim hoạt hình)

- Nó là quãng thời gian khoảng hai mươi năm theo lịch mặt trời.

- Ồ, tôi hiểu rồi.

- Rồi. Vậy "thủ phủ k’atun" ở đây có nghĩa là họ đang nói tới một thành phố quan trọng nhất trong hai thập kỷ tới. Một thủ đô chẳng hạn. Dù thế nào đi nữa, nó cũng phải là một thành phố quan trọng và đang phát triển ở đỉnh cao vào khoảng thời gian này.

- Được rồi, vậy là họ muốn nói đến D.C (Thủ đô nước Mỹ). Eo, nghe hơi rợn đấy.

- Ừ, cũng có thể, - tôi đáp, - nhưng theo tôi đoán thì Washington không phù hợp với cái trát đòi này lắm.

- Sao không?

- Tôi nghĩ Washington là một thành phố quá bình thường. Từ này thực ra ám chỉ một thành phố giống như một khu vực đền thờ. Một thành phố nghi lễ vương giả, chứ không phải một thành phố chính trị. Người dân thậm chí có thể không sinh sống tại đó. Người ta hành hương tới đó để cầu xin sự che chở của một người đã chết có uy quyền nào đó. Và trên đường đi họ cũng phải mua sắm, đương nhiên. Và các tòa nhà, các phòng ốc và tất cả các không gian khác ở trung tâm đó chỉ có người vào những dịp đặc biệt, như lễ hội chẳng hạn. Vả lại, Washington không hề có những màu sắc hay thời gian đặc biệt ứng với mỗi khu vực. Và dù gì chăng nữa, D.C. cũng xa hơn về phương bắc so với, ờ, những chỉ dẫn về vĩ độ của tiến sĩ Weiner.

- Được rồi, được rồi, - Marena nói, - thế anh nghĩ họ muốn ám chỉ nơi nào?

- Ờ, nó có thể là nơi nào đó tập trung rất nhiều người đã đi cả một chặng đường dài để đến nơi, có thể là một địa điểm nào đó cụ thể trong đời sống của họ, hoặc dành cho một lứa tuổi nhất định. Và như tôi đã nói, nó có thể là nơi nào đó có một khu vực thiêng liêng có hình dạng như thế, ý tôi là có các góc một phần tư ứng với các hướng khác nhau. Mỗi hướng phải ứng với một màu sắc khác nhau và một khoảng thời gian khác nhau.

- Vậy thì nói đi nào, suy đoán của anh là gì?

- Công viên giải trí Disney World.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện