Hãy nhìn đúng sự vật sự việc như chính nó đang biểu hiện, chứ đừng nhìn bằng tâm trạng hay kinh nghiệm mình đang có.
Bức tường ngăn cách
Ta hay có thói quen nhìn vào bất kỳ đối tượng hay tình huống nào đang xảy ra trong thực tại cũng bằng kinh nghiệm đã được tích lũy từ trong quá khứ. Có thể do một số kinh nghiệm cũ thích ứng phần nào với tình trạng hiện tại, nên ta thường rất dễ tin tưởng và tự hào về sự thông minh nhạy bén của mình mà không chịu khám phá hay xét nét cẩn thận. Quan sát kỹ và công tâm nhìn nhận, ta thấy cũng không ít lần mình đã tiên đoán sai và có những bước trượt rất đáng tiếc trong hành động. Bởi mọi sự vật sự việc trong vũ trụ vốn không ngừng vận động. Có khi nó biến chuyển nội dung bên trong nhưng cũng có khi nó thay đổi cả hình thức bên ngoài. Nó có thể hay hơn hoặc tệ hơn chứ không như vậy mãi.
Nhưng vì bị cuốn vào mãnh lực của cuộc sống, nên ta thường không có nhiều thiện chí để nhìn lên bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới. Sử dụng kinh nghiệm cũ có vẻ khỏe hơn và mau chóng giải quyết được vấn đề. Một phần cũng do bản năng tự vệ của con người chưa hoàn toàn thuần hóa, một phần vì bị kích động bởi sự cạnh tranh của xã hội. Nên khi phát hiện ra điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi là ta có phản ứng bảo vệ ngay lập tức, bằng những tâm lý như: nổi giận, phán xét, nghi ngờ, độc tài, kỳ thị mà không chịu bình tâm quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Chính vì không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ khi quan sát thực tại, nên ta vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và khổ đau.
Nếu trong quá khứ ta đã từng bị lừa dối hay phản bội thì vết thương ấy sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm. Cho nên bây giờ muốn đặt tình cảm vào người mới thì ta bỗng thấy rất hoang mang, lo sợ. Đó là một lỗi lầm của cơ chế tâm lý, vì người mà ta đang tiếp xúc hoàn toàn khác biệt với người cũ. Nhưng ta lại không đủ sức vượt qua bản năng tự vệ của mình. Ta đã cố nhiều lần nhìn người ấy như chính họ đang biểu hiện, nhiều lần đã tự nhắc nhở rằng người này không phải là người trước. Rồi cuối cùng ta cũng vẫn thất bại. Dĩ nhiên, vết thương lòng khó mà quên được. Nhưng thay vì cho đôi bên cơ hội vừa đủ để tìm hiểu và tin tưởng nhau hơn, thì ta lại mang tâm thức nghi ngờ sự lừa dối hay phản bội ấy trong suốt cuộc hành trình chung bước. Bức tường ngăn che ấy chính là thành kiến.
Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ thương qua tiếp xúc hay dựa vào thông tin từ người khác, thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm và hết lòng với họ ngay mà không cần phải quan sát hay khám phá gì thêm nữa. Ta đang đeo mắt kính màu hồng nên thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Bây giờ phương tiện truyền thông và quảng cáo tác động đến tâm thức con người rất mạnh mẽ, nên chỉ cần một vài bài báo ca ngợi hết lời về nhân vật nào đó thì lập tức trong ta nảy sinh cảm tình ngay. Sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ dàng bỏ qua các bước quan sát và thận trọng căn bản. Trường hợp biết người kia là một kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo là chính xác, nhưng ta vẫn muốn đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Dù người kia cố gắng bao nhiêu đi nữa ta cũng không hề để mắt tới, hoặc cứ phòng thủ và tìm mọi lý do để không chấp nhận. Thái độ ấy lâu dần sẽ hình thành thói quen, khiến ta không còn nhớ là mình đang đeo chiếc kính màu đen. Từ đó, nhìn đâu ta cũng thấy một màu tăm tối, không còn thấy ai dễ thương và tốt bụng nữa. Đó chính là lúc ta đã đánh mất con mắt trong trẻo mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người. Không có con mắt ấy, tầm nhìn của ta sẽ thu hẹp lại. Ta sẽ tự biến mình thành kẻ u uất, lạnh lùng và bế tắc.
Giữ gìn con mắt trong
Con người ngày càng hiện đại thì càng bị lệ thuộc vào kỹ thuật điện tử. Có lẽ vì thế mà đời sống của con người ngày càng trở nên hời hợt và cứng nhắc. Cái gì lưu trữ vào não bộ thì không dễ gì lấy ra. Đó là lối sống nhút nhát và tụt hậu, không can đảm mở lòng ra để cập nhật thông tin mới mẻ từ đối phương. Lẽ dĩ nhiên, có những kinh nghiệm rất hữu dụng. Nó giúp ta giải quyết được những vấn đề thích ứng một cách nhanh chóng mà không cần phải tốn công khám phá. Nhất là xã hội bây giờ có quá nhiều chiêu thức tinh xảo khiến ta không dễ dàng nhận ra thật giả thì ta càng phải sử dụng kinh nghiệm thành công. Nhưng dù sự đề phòng ấy có hiệu quả thế nào thì nó cũng để lại trong ta thói quen dễ dàng nghi ngờ kẻ khác. Hơn nữa, kinh nghiệm cũ dù hay ho tới đâu cũng không thể nào diễn đạt hết thực tại. Cho nên, người xưa hay nhắc nhở: "Thấy sao để vậy" - nhìn đúng sự vật sự việc như chính nó đang biểu hiện, chứ đừng nhìn bằng tâm trạng hay kinh nghiệm mình đang có. Nhìn nhau bằng con mắt ấy ta sẽ thấy dễ chịu và gần gũi hơn.
Ta đừng quên rằng bản chất của vạn sự vạn vật là vô thường, do đó con người cũng vô thường mà kinh nghiệm cũng vô thường. Tuy người kia đã từng có nhiều vụng về lầm lỡ, nhưng bây giờ có thể họ đã thay đổi rất nhiều rồi. Ta hãy cho họ có một cơ hội được sống với con người mới trước ta và ta hãy tự cho mình một cơ hội sống bằng tâm thức mới trước họ. Khó khăn nhất là đối với những người thân sống bên cạnh. Bởi ta thường không hết lòng quan sát những đối tượng mà ta nghĩ rằng mình đã biết rất rõ về họ. Cũng như người mẹ luôn thấy con mình còn khờ dại, nên sự quan tâm và niềm mong muốn luôn dựa trên kinh nghiệm cũ. Vô tình người mẹ đã giới hạn cơ hội trưởng thành của đứa con. Còn người vợ lúc nào cũng cho rằng mình đã hiểu chồng hết rồi, chỉ cần nhìn sơ qua là biết ngay, nên chẳng cần lắng nghe và quan sát thêm nữa. Người vợ không biết rằng làm như thế là đã cô lập cảm hứng sáng tạo và ý chí chuyển hóa của người chồng. Sống với những người mà họ không biết ghi nhận những chuyển biến của ta, không thấy được những ước mơ hay những khó khăn bế tắc trong ta để kịp thời nâng đỡ và chia sẻ, thì đời sống ấy vô vị biết chừng nào. Có lẽ vì thế mà mỗi khi gặp một người mới lạ thì ta cứ muốn duy trì mãi giây phút được quan sát nhau bằng cảm nhận thuần khiết ban đầu.
Vậy nên, mỗi ngày ta hãy cố gắng luyện tập ngồi xuống thật yên để thanh lọc lại kinh nghiệm của mình vừa mới tích lũy. Nếu kinh nghiệm đó không nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu thì ta không nên để nó chiếm quá nhiều dung lượng tâm thức. Hãy quan sát kỹ và loại trừ chúng đi. Những kinh nghiệm nào chỉ tồn tại như một thói quen ngẫu nhiên trong vô thức mà ta đã lưu trữ, hãy đem nó ra phân tích và buông bỏ từ từ. Mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, ta cũng nên nhìn vào thái độ của mình để xem mình có đeo mắt kính màu hồng thiện cảm hay mắt kính màu đen ác cảm hay không. Nếu có, hãy sớm tìm cách dừng lại cuộc tiếp xúc đó mà trở về chỉnh đốn lại tâm lý của mình. Cũng như khi mưa xuống mà mặt đất không bị tấm nylon hay bất kỳ vật nào che phủ, thì nước mưa mới có thể thấm sâu vào lòng đất để nuôi dưỡng rễ cây hay những hạt mầm. Bằng lối sống tỉnh thức như thế, ta sẽ luôn có cơ hội nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, không để nó bị chai cứng hay xói mòn chỉ vì những quyền lợi ích kỷ nhỏ nhen.
Khi một ý niệm cũ chết đi để nhường chỗ một ý niệm mới được sinh ra, đó chính là sự tái sinh - kiếp sống mới của ta. Cái cũ tuy quen thuộc nhưng lại nghèo nàn; cái mới tuy không dễ chịu ngay nhưng lại giúp ta có cái nhìn rộng mở và gần gũi hơn với cuộc sống. Vậy ta còn chần chờ gì nữa mà không chịu khai tử những ý niệm hay những kinh nghiệm cũ kỹ vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc cạn cợt của bản ngã. Như thế, ta sẽ tạo ra không gian rộng lớn đến vô cùng - nơi gặp gỡ của những tâm hồn tràn đầy hiểu biết và tình thương.
Nhìn bằng mắt trong suốt
Không vướng kinh nghiệm xưa
Mở lòng thêm hiểu biết
Như đất gặp cơn mưa.
Bức tường ngăn cách
Ta hay có thói quen nhìn vào bất kỳ đối tượng hay tình huống nào đang xảy ra trong thực tại cũng bằng kinh nghiệm đã được tích lũy từ trong quá khứ. Có thể do một số kinh nghiệm cũ thích ứng phần nào với tình trạng hiện tại, nên ta thường rất dễ tin tưởng và tự hào về sự thông minh nhạy bén của mình mà không chịu khám phá hay xét nét cẩn thận. Quan sát kỹ và công tâm nhìn nhận, ta thấy cũng không ít lần mình đã tiên đoán sai và có những bước trượt rất đáng tiếc trong hành động. Bởi mọi sự vật sự việc trong vũ trụ vốn không ngừng vận động. Có khi nó biến chuyển nội dung bên trong nhưng cũng có khi nó thay đổi cả hình thức bên ngoài. Nó có thể hay hơn hoặc tệ hơn chứ không như vậy mãi.
Nhưng vì bị cuốn vào mãnh lực của cuộc sống, nên ta thường không có nhiều thiện chí để nhìn lên bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới. Sử dụng kinh nghiệm cũ có vẻ khỏe hơn và mau chóng giải quyết được vấn đề. Một phần cũng do bản năng tự vệ của con người chưa hoàn toàn thuần hóa, một phần vì bị kích động bởi sự cạnh tranh của xã hội. Nên khi phát hiện ra điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi là ta có phản ứng bảo vệ ngay lập tức, bằng những tâm lý như: nổi giận, phán xét, nghi ngờ, độc tài, kỳ thị mà không chịu bình tâm quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Chính vì không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ khi quan sát thực tại, nên ta vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và khổ đau.
Nếu trong quá khứ ta đã từng bị lừa dối hay phản bội thì vết thương ấy sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm. Cho nên bây giờ muốn đặt tình cảm vào người mới thì ta bỗng thấy rất hoang mang, lo sợ. Đó là một lỗi lầm của cơ chế tâm lý, vì người mà ta đang tiếp xúc hoàn toàn khác biệt với người cũ. Nhưng ta lại không đủ sức vượt qua bản năng tự vệ của mình. Ta đã cố nhiều lần nhìn người ấy như chính họ đang biểu hiện, nhiều lần đã tự nhắc nhở rằng người này không phải là người trước. Rồi cuối cùng ta cũng vẫn thất bại. Dĩ nhiên, vết thương lòng khó mà quên được. Nhưng thay vì cho đôi bên cơ hội vừa đủ để tìm hiểu và tin tưởng nhau hơn, thì ta lại mang tâm thức nghi ngờ sự lừa dối hay phản bội ấy trong suốt cuộc hành trình chung bước. Bức tường ngăn che ấy chính là thành kiến.
Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ thương qua tiếp xúc hay dựa vào thông tin từ người khác, thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm và hết lòng với họ ngay mà không cần phải quan sát hay khám phá gì thêm nữa. Ta đang đeo mắt kính màu hồng nên thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Bây giờ phương tiện truyền thông và quảng cáo tác động đến tâm thức con người rất mạnh mẽ, nên chỉ cần một vài bài báo ca ngợi hết lời về nhân vật nào đó thì lập tức trong ta nảy sinh cảm tình ngay. Sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ dàng bỏ qua các bước quan sát và thận trọng căn bản. Trường hợp biết người kia là một kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo là chính xác, nhưng ta vẫn muốn đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Dù người kia cố gắng bao nhiêu đi nữa ta cũng không hề để mắt tới, hoặc cứ phòng thủ và tìm mọi lý do để không chấp nhận. Thái độ ấy lâu dần sẽ hình thành thói quen, khiến ta không còn nhớ là mình đang đeo chiếc kính màu đen. Từ đó, nhìn đâu ta cũng thấy một màu tăm tối, không còn thấy ai dễ thương và tốt bụng nữa. Đó chính là lúc ta đã đánh mất con mắt trong trẻo mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người. Không có con mắt ấy, tầm nhìn của ta sẽ thu hẹp lại. Ta sẽ tự biến mình thành kẻ u uất, lạnh lùng và bế tắc.
Giữ gìn con mắt trong
Con người ngày càng hiện đại thì càng bị lệ thuộc vào kỹ thuật điện tử. Có lẽ vì thế mà đời sống của con người ngày càng trở nên hời hợt và cứng nhắc. Cái gì lưu trữ vào não bộ thì không dễ gì lấy ra. Đó là lối sống nhút nhát và tụt hậu, không can đảm mở lòng ra để cập nhật thông tin mới mẻ từ đối phương. Lẽ dĩ nhiên, có những kinh nghiệm rất hữu dụng. Nó giúp ta giải quyết được những vấn đề thích ứng một cách nhanh chóng mà không cần phải tốn công khám phá. Nhất là xã hội bây giờ có quá nhiều chiêu thức tinh xảo khiến ta không dễ dàng nhận ra thật giả thì ta càng phải sử dụng kinh nghiệm thành công. Nhưng dù sự đề phòng ấy có hiệu quả thế nào thì nó cũng để lại trong ta thói quen dễ dàng nghi ngờ kẻ khác. Hơn nữa, kinh nghiệm cũ dù hay ho tới đâu cũng không thể nào diễn đạt hết thực tại. Cho nên, người xưa hay nhắc nhở: "Thấy sao để vậy" - nhìn đúng sự vật sự việc như chính nó đang biểu hiện, chứ đừng nhìn bằng tâm trạng hay kinh nghiệm mình đang có. Nhìn nhau bằng con mắt ấy ta sẽ thấy dễ chịu và gần gũi hơn.
Ta đừng quên rằng bản chất của vạn sự vạn vật là vô thường, do đó con người cũng vô thường mà kinh nghiệm cũng vô thường. Tuy người kia đã từng có nhiều vụng về lầm lỡ, nhưng bây giờ có thể họ đã thay đổi rất nhiều rồi. Ta hãy cho họ có một cơ hội được sống với con người mới trước ta và ta hãy tự cho mình một cơ hội sống bằng tâm thức mới trước họ. Khó khăn nhất là đối với những người thân sống bên cạnh. Bởi ta thường không hết lòng quan sát những đối tượng mà ta nghĩ rằng mình đã biết rất rõ về họ. Cũng như người mẹ luôn thấy con mình còn khờ dại, nên sự quan tâm và niềm mong muốn luôn dựa trên kinh nghiệm cũ. Vô tình người mẹ đã giới hạn cơ hội trưởng thành của đứa con. Còn người vợ lúc nào cũng cho rằng mình đã hiểu chồng hết rồi, chỉ cần nhìn sơ qua là biết ngay, nên chẳng cần lắng nghe và quan sát thêm nữa. Người vợ không biết rằng làm như thế là đã cô lập cảm hứng sáng tạo và ý chí chuyển hóa của người chồng. Sống với những người mà họ không biết ghi nhận những chuyển biến của ta, không thấy được những ước mơ hay những khó khăn bế tắc trong ta để kịp thời nâng đỡ và chia sẻ, thì đời sống ấy vô vị biết chừng nào. Có lẽ vì thế mà mỗi khi gặp một người mới lạ thì ta cứ muốn duy trì mãi giây phút được quan sát nhau bằng cảm nhận thuần khiết ban đầu.
Vậy nên, mỗi ngày ta hãy cố gắng luyện tập ngồi xuống thật yên để thanh lọc lại kinh nghiệm của mình vừa mới tích lũy. Nếu kinh nghiệm đó không nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu thì ta không nên để nó chiếm quá nhiều dung lượng tâm thức. Hãy quan sát kỹ và loại trừ chúng đi. Những kinh nghiệm nào chỉ tồn tại như một thói quen ngẫu nhiên trong vô thức mà ta đã lưu trữ, hãy đem nó ra phân tích và buông bỏ từ từ. Mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, ta cũng nên nhìn vào thái độ của mình để xem mình có đeo mắt kính màu hồng thiện cảm hay mắt kính màu đen ác cảm hay không. Nếu có, hãy sớm tìm cách dừng lại cuộc tiếp xúc đó mà trở về chỉnh đốn lại tâm lý của mình. Cũng như khi mưa xuống mà mặt đất không bị tấm nylon hay bất kỳ vật nào che phủ, thì nước mưa mới có thể thấm sâu vào lòng đất để nuôi dưỡng rễ cây hay những hạt mầm. Bằng lối sống tỉnh thức như thế, ta sẽ luôn có cơ hội nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, không để nó bị chai cứng hay xói mòn chỉ vì những quyền lợi ích kỷ nhỏ nhen.
Khi một ý niệm cũ chết đi để nhường chỗ một ý niệm mới được sinh ra, đó chính là sự tái sinh - kiếp sống mới của ta. Cái cũ tuy quen thuộc nhưng lại nghèo nàn; cái mới tuy không dễ chịu ngay nhưng lại giúp ta có cái nhìn rộng mở và gần gũi hơn với cuộc sống. Vậy ta còn chần chờ gì nữa mà không chịu khai tử những ý niệm hay những kinh nghiệm cũ kỹ vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc cạn cợt của bản ngã. Như thế, ta sẽ tạo ra không gian rộng lớn đến vô cùng - nơi gặp gỡ của những tâm hồn tràn đầy hiểu biết và tình thương.
Nhìn bằng mắt trong suốt
Không vướng kinh nghiệm xưa
Mở lòng thêm hiểu biết
Như đất gặp cơn mưa.
Danh sách chương