Sự hối tiếc

Istanbun 7.12.1963

Zeynep,

Bạn rất thích những lá thư của tôi, bạn khen để tôi cố viết cho hay, cho thú vị chứ gì ? Dù sao tôi cũng xin cảm ơn bạn đã động viên khuyến khích tôi. Nhưng thư trước có lần bạn viết : Thư tôi toàn những chuyện buồn cuời. Rất tiếc lần này tôi bắt buộc phải kể những chuyện không vui lắm. Chính thầy giáo đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này, làm tôi vô cùng cảm động.

Sáng hôm kia, trong giờ tập đọc, thầy gọi Huseyn lên bảng đọc bài. Khi nó đọc đến đoạn nói về sự hối tiếc, thầy giáo đã cho dừng lại để giảng kỹ cho chúng tôi hiểu khái niệm tình cảm này. Sau khi nói đã khá nhiều, thầy hỏi cả lớp :

- Các em đã rõ thế nào là sự hối tiếc chưa? Tất cả đồng thanh trả lời :

- Thưa thầy, rõ ạ!

Thầy giáo nói tiếp :

- Thế thì bây giờ các em hãy nói cho thầy một vài thí dụ, nếu các em đã hiểu cả rồi.

Bạn có nhớ Yasa không ? Chắc bạn còn nhớ, lúc nào nó chẳng ngồi bàn cuối lớp. Đó là một học sinh chúa trùm nghịch ngầm, lúc thì nó soạn tem chơi, lúc nó vẽ tranh vui quấy phá, trêu chọc mọi người. Thầy giáo chỉ ngay nó và hỏi :

- Yasa, trong đời đã bao giờ em phải hối hận lần nào chưa ?

Yasa đâu có nghe thầy giảng cho nên chả hiểu mô tê gì về sự hối tiếc cả. Nhưng là một đứa cũng khá láu lỉnh, nhanh trí, nó đắn đo suy nghĩ một giây, nếu trả lời có, thế nào thầy cũng hỏi tiếp thì gay, nó liền trả lời :

- Thưa thầy chưa bao giờ ạ, em chưa gặp chuyện đó.

Thầy giáo vặn lại nó :

- Sao vậy ? Chả lẽ trên đời có người chưa bao giờ phải hối hận điều gì hay sao ?

Nó vẫn kiên quyết trả lời :

- Riêng em chưa gặp bao giờ ạ! ...

Bạn có nhớ Nese không ? Cái con bé lắm mồm, lắm miệng và chuyện gì cũng ra vẻ biết hết cả ấy mà. Lúc nào nó cũng ra điều ta đây học giỏi. Nó hay nhìn thẳng vào mắt thầy, đợi thầy gọi lên bảng khi nó thưộc bài. Hôm đó, nó ngọ nguậy liên tục cho thầy để ý, rồi giơ tay rõ cao :

- Thưa thầy em ạ, em xin nói ạ ...

Thầy giáo thấy, và chỉ nó :

- Nào, em nói đi. Có phải em đã từng hối tiếc về một hành động nào đó trong đời, có phải không ? Em hãy nói cho các bạn nghe coi.

Con bé vội vàng trả lời theo ý thầy :

- Vâng ạ, em đã từng gặp phải chuyện hối tiếc ...

- Vậy thì em kể cho mọi người nghe đi ...

Nhưng Nese như bị hẩng, chắc nó không ngờ thầy lại bắt nó kể. Để thoát khỏi tình cảnh nan giải đó, nó hỏi lại thầy :

- Em phải kể chuyện nào ạ ?

Cả lớp cuời ồ. Thật đáng thương cho Nese, chắc nó phải hỏi vậy để có thì giờ mà bịa ra một chuyện gì đó thôi. Thầy giáo thường ngày khá nghiêm nghị, lúc đó cũng mỉm cuời hỏi :

- Sao thế Nese? Chả lẽ em đã nhiều lần phải hối tiếc thế rồi kia à ? ... Thì hãy kể một chuyện nào đó xem sao.

Cũng như mọi lần, Nese bắt đầu ho khan và nuốt nước miếng liên tục. Sau mỗi câu, thậm chí sau cả mỗi từ, nó lại nuốt khan ực một cái. Nó bắt đầu câu chuyện đại khái như sau :

- Thưa ... chúng ta cần kính trọng người già và yêu mến trẻ con ...

Nese đã làm cả thầy giáo cũng sốt ruột, không biết nó định kể chuyện gì sau lời khuyên chung chung ấy. Thầy hỏi nó :

- Rồi ... sau đó thì sao ?

Nese tiếp tục rặn ra, khó nhọc từng câu :

- Có một bà mẹ đang dạy dỗ khuyên bảo đứa con đủ thứ trong nhà thì có người đến gõ cửa. Bà ta nhìn ra cửa sổ xem ai, đó chính là bố chồng của bà ta. Người đàn bà bảo con :

"Hãy ra mở cửa cho ông nội. Nói với ông là mẹ không có nhà nhé!" Đứa trẻ ra mở cửa :

"Nội ơi, mẹ con đi chợ rồi !" Ông già bảo đứa cháu : "Cháu vào nói với mẹ, đã muốn nói dối thì đừng ra đứng ở cửa sổ nữa", rồi ông ta bỏ về ...

Sau khi nuốt khan mấy lần nữa, Nese im lặng không nói gì thêm. Thầy giáo hỏi nó :

- Chuyện xảy ra với em thế à?

Nese đỏ mặt lên :

- Không ạ, đó là em đọc được ở trong sách.

- Thế thì tại sao em lại hối tiếc ?

- Thưa thầy em đâu có hối tiếc, người đàn bà trong chuyện mới phải hối tiếc, vì đã nói dối bố chồng chứ ạ ...

Thầy còn gọi mấy học sinh nữa, nhưng chẳng có đứa nào nói được một chuyện gì về sự hối tiếc của bản thân mình. Chúng kể khá nhiều chuyện, nhiều sự việc rất hay, nhưng toàn là chuyện của người khác, giả thiết rằng có sự hối tiếc.

Cuối cùng thầy giáo nói :

- Có lẽ các em chưa thật hiểu thế nào là sự hối tiếc chăng ? Một người sẽ cảm thấy hối tiếc khi gặp chuyện rất buồn. Người đó phải thấy tiếc vì hành động của mình đã làm người khác phải gánh chịu hậu quả xấu ... - Suy nghĩ một lát, thầy nói tiếp - Thầy sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện làm thí dụ, để các em hiểu rõ việc này.

Chúng tôi im lặng lắng nghe thầy, trong lớp không còn nghe thấy một tiếng động nhỏ ngoài tiếng nói của thầy :

- Hồi đó, thầy đang học trường trung học. Thầy hiệu truởng của trường nổi tiếng là người rất nghiêm khắc ...

Tôi vểnh tai lên mà nghe, giọng thầy trầm ấm, rất xúc cảm :

- Dịp ấy, khoảng đầu năm học. Lớp thầy có thêm một học sinh mới, từ trường khác chuyển đến. Chúng tôi cũng chưa kịp biết tên của cậu ta là gì. Chỉ kịp để ý là lúc nào cậu ta cũng đút tay trái vào túi quần. Chưa bao giờ chúng tôi thấy cậu ta bỏ cánh tay đó ra ngoài. Chẳng biết vì sao, cậu ta còn rất ít làm quen với các học sinh khác. Vì thế cũng chưa có ai có dịp hỏi xem tại sao cậu ta lại cứ đút tay vào túi quần như vậy. Một hôm trong giờ ra chơi, chúng tôi đang vui đùa trên sân trường thì thầy hiệu truởng đi qua giữa đám học sinh. Chúng tôi chợt thấy thầy gọi cậu bạn mới lại. Cậu bạn vô tình đi qua trước mặt thầy mà tay vẫn bỏ nguyên trong túi quần. Nghe thầy giáo to tiếng với cậu bạn, cả lũ chúng tôi xúm quanh xem sự thể sẽ ra sao. Tôi đã nói là thầy hiệu truởng rất nghiêm khắc. Lúc đó ông bắt đầu nổi cáu :

- Tại sao em bỏ tay trong túi ? Em không biết xấu hổ à ?

Cậu bé không trả lời, mặt cúi gầm xuống đất. Học sinh đã quây tròn xung quanh hai thầy trò thành một vòng rộng. Thầy hiệu truởng quát to hơn :

- Em bỏ tay ngay ra khỏi túi!

Cậu bé đứng im, không nói gì.

- Này, mày có nghe thấy gì không hả ? Tao nói với mày đấy, mày điếc à ?

Cậu bé run run, lắp bắp :

- Thưa thầy, con có nghe thấy ạ ...

- Thế tại sao mày không rút tay ra ? Bỏ ra ngay!

Cậu bé chậm chạp ngẩng đầu lên nhìn các bạn xúm đông xung quanh rồi nhìn thầy hiệu truởng luỡng lự ... rồi tay cậu bé vẫn để nguyên trong túi quần. Thầy hiệu truởng đã phát cáu lên cực độ, ông hét :

- Mày không muốn bỏ cái thói du côn của mày đi, có phải không ? Tao bảo lần cuối : rút tay ra!

Cậu bé lắp bắp gì đó rồi đứng im như hóa đá. Tức giận quá, ông hiệu truởng tát cho nó một cái như trời giáng. Bị mất thăng bằng, cậu bé ngã nhào xuống đất. Chúng tôi chết lặng người, không một tiếng động. Lúc đó, cả thầy hiệu truởng cũng lặng đi. Tay cậu bé bật ra khỏi túi chống xuống đất như một khúc cây. Đó là một cánh tay cụt, đã mất hết cả bàn tay. Chúng tôi chợt hiểu rằng cậu bé xấu hổ về cánh tay cụt vì thế nó hay né tránh bạn bè và luôn luôn bỏ tay vào túi.

Đột nhiên thầy hiệu truởng ràn rụa nước mắt. Ông cúi xuống nâng cậu bé dậy và nói với nó bằng giọng thật dịu dàng :

- Trời ơi ... Tại sao em không nói cho thầy biết từ đầu ?

Sau đó, thầy dắt tay nó vào phòng làm việc của thầy. Từ lần xảy ra ấy, chúng tôi không còn gặp lại cậu bé cụt tay ở trường nữa. Về sau chúng tôi được biết thầy hiệu truởng đã xin lỗi cậu ta và cả gia đình về chuyện đó. Ông còn xin được đỡ đầu nó mãi mãi ... Nhưng cậu bé chẳng bao giờ đến trường tôi nữa. Đó là câu chuyện buồn mà thầy đã được chứng kiến tận mắt.

Thầy đã ngừng kể rồi mà tất cả chúng tôi còn yên lặng không ai nói câu nào, mọi người đều bị câu chuyện thư hút.

Chuông báo giờ nghỉ đã reo vang. Trước khi ra khỏi lớp, thầy giáo còn nói với chúng tôi :

- Thầy đã tin rằng hồi đó ông hiệu truởng đã phải hối tiếc mãi vì câu chuyện đáng buồn đó. Như thế gọi là sự hối tiếc đấy các em ạ ...

Một lát sau, chợt Nese nhận xét :

- Nhưng mà này, thầy giáo chúng ta cũng kể một câu chuyện của người khác đấy chứ ...

Chuyện đó có xảy ra với bản thân ông đâu ?

Đúng thế thật. Thầy giáo cũng đã làm như các bạn tôi thôi, đó là câu chuyện hối tiếc của người khác.

Yasa đã giải thích Như thế này :

- Các bạn ơi, tôi hiểu rồi ... Chẳng có ai nhớ ra sự hối tiếc của riêng mình. Ai cũng chỉ thấy xúc động về sự hối tiếc mà đáng lẽ người khác phải cảm thấy thôi !

Hôm sau đến lớp, Đemir đã bô bô nói :

- Hôm qua tôi đã hỏi ba rồi, ba tôi nói đại khái Như thế này "Trẻ con chưa thể biết đến sự hối tiếc, bởi vì chúng chưa có đủ vốn sống, chúng chưa được chứng kiến nhiều việc trong đời để sau đó chúng phải hối hận. Muốn biết đến sự hối tiếc, Trước tiên trẻ con phải lớn lên đã, chúng phải trở thành người lớn, rồi sau đó mới biết thế nào là hối hận ..."

Tôi thấy lời giải thích này có vẻ hợp lý. Còn bạn, bạn nghĩ sao ?

Mỗi buổi chiều đi học về, tôi đến vội hỏi mẹ tôi xem có thư từ gì của bạn không. Tôi hi vọng bạn sẽ luôn luôn trả lời tôi ngay sau khi nhận được thư. Mong bạn có nhiều sức khỏe.

Bạn thân thiết,

Acmét
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện